Tin tức

Khi nào phải thay van tim? Nếu không thay có ảnh hưởng gì không?

Ngày 18/08/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Các bệnh lý về tim luôn đặt ra những thách thức cho cả bệnh nhân lẫn y học. Bởi vì đó không chỉ là vấn đề về sức khỏe thể chất mà còn là áp lực về tinh thần. Đối với những người có van tim không lành lặn sẽ có chung một câu hỏi đó là khi nào phải thay van tim? Ngoài điều trị bằng phẫu thuật còn cách nào khác không? Hãy cùng MEDLATEC đi tìm câu trả lời thông qua bài phân tích sau đây nhé!

1. Cấu tạo và nhiệm vụ của van tim

Trái tim con người có cấu trúc như sau: 

4 buồng tim:

  • 2 buồng tim ở phía trên: là tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải. Các tâm nhĩ này có nhiệm vụ tiếp nhận máu trở về tim từ các tĩnh mạch, sau đó bơm lượng máu này xuống các tâm thất;

  • 2 buồng tim ở phía dưới: được gọi là thâm thất phải và tâm thất trái. Các tâm thất sẽ bơm máu ra khỏi tim để đi vào các động mạch.

4 van tim: mỗi van tim sẽ đóng vai trò kiểm soát hướng chảy của dòng máu giữa 4 buồng tim trên và chúng giống như những cánh cửa chỉ có thể mở theo một chiều. Trái tim có tất cả 4 van:

  • Van 2 lá: nằm phía bên tim trái, giữ nhiệm vụ kiểm soát dòng máu chảy từ tâm nhĩ trái đi xuống tâm thất trái;

  • Van 3 lá: nằm phía bên tim phải, đảm bảo máu sẽ được chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải;

  • Van động mạch chủ: chịu trách nhiệm điều phối dòng máu đi theo một chiều từ tâm thất trái vào động mạch chủ. Động mạch chủ là động mạch chính giúp đẩy máu từ tim đi nuôi sống cơ thể;

  • Van động mạch phổi: nhờ van này mà máu có thể đi theo một chiều từ tâm thất phải lên động mạch phổi, nơi diễn ra quá trình trao đổi oxy của máu tại phổi.

khi nào phải thay van tim

Cấu tạo van tim

Trong đó, để kiểm soát được hoạt động của van tim không thể thiếu sự hỗ trợ của các cơ và dây chằng đặc biệt. Cụ thể là chúng giúp tạo sự gắn kết giữa van 2 lá và van 3 lá với tâm thất.

2. Khi nào xảy ra tình trạng tổn thương van tim?

Rất lâu về trước - khoảng thế kỷ IX, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh về van tim là thấp tim. Hiện tượng này có thể khiến van tim bị viêm, xơ hoá khiến van ngày một trở nên dày hơn. Từ đó làm cho van tim khó có thể đóng mở một cách bình thường. Tuy nhiên hiện nay do môi trường đã được vệ sinh sạch sẽ và hiện đại hơn đã góp phần giúp cho bệnh van tim giảm dần. 

Trái lại, nguyên nhân gây bệnh van tim chủ yếu ngày nay là do bẩm sinh, vô căn hoặc liên quan đến bệnh lý khác về tim mạch. Chẳng hạn như van tim còn có thể gặp tổn thương do nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, nhiễm khuẩn,...

Van tim bị tổn thương dẫn đến hệ quả là làm giảm hiệu suất bơm máu của tim, khiến tim phải tăng năng suất làm việc nhằm bơm máu giàu oxy đi nuôi cơ thể. Do phải làm việc nặng lâu ngày, tim dễ bị suy khiến người bệnh trở nên mệt mỏi, khó thở, đau ngực, việc tích nước trong thể gây nên hiện tượng phù. Khi phát hiện ra các triệu chứng này, bệnh nhân cần phải đi nong van, sửa van hoặc thậm chí là thay van tim. 

3. Khi nào phải thay van tim cho bệnh nhân? 

Tổn thương van tim bao gồm 2 loại:

  • Hẹp van tim: tình trạng van tim bị tổn thương khiến van mở không hết, khiến cho lượng máu chảy qua van bị hạn chế;

  • Hở van tim: là khi van tim không được đóng kín có thể dẫn đến hiện tượng dòng máu bị chảy ngược lại các buồng tim trong quá trình tim bơm máu đi.

Ví dụ về hở van tim

Ví dụ về hở van tim

Cả 2 loại tổn thương này thường kết hợp với nhau. Nếu bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu như đau ngực, khó thở, mệt mỏi hoặc phù và sau khi đã dùng thuốc nhưng không hiệu quả, bệnh nhân cần phải được tiến hành nong van, sửa van hoặc thay van tim, tránh biến chứng suy tim có thể xảy ra. Việc quyết định thời điểm và hình thức phẫu thuật van tim hoàn toàn phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

4. Các biện pháp nhằm cải thiện chức năng cho van tim

Để tiến hành sửa chữa hoặc thay van tim còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng và mức độ tổn thương mà van tim đang gặp phải. Bài viết này sẽ đề cập đến 3 kỹ thuật đang được sử dụng hiện nay nhằm cải thiện chức năng của van tim. Cụ thể như sau:

Nong van tim bằng bóng qua da:

Kỹ thuật này thường được áp dụng trong trường hợp khi: van 2 lá, van động mạch phổi hoặc van động mạch chủ bị hẹp khít đơn thuần (không hở van hoặc van hở nhẹ), không xuất hiện cục máu đông tại các buồng tim. Khi đó bác sĩ sẽ nong van tim bóng qua da để tách các van bị hẹp này.

Phẫu thuật sửa van tim:

Trường hợp van bị tổn thương làm dày bờ, co kéo hoặc làm sa lá van khiến chúng không thể khép kín (hay còn gọi là hở van tim), dẫn tới việc dòng máu bị đẩy ngược trở lại buồng tim thì có thể áp dụng phẫu thuật sửa van tim. 

Phương thức sửa  van 2 lá: tách đi phần van bị thừa, sau đó khâu phần còn lại với nhau hoặc tạo hình lại các dây chằng. Phẫu thuật sửa van tim có thể giúp bệnh nhân tiếp tục tận dụng được chính van tim của mình, tuy nhiên khả năng van bị hỏng lại cũng khá cao.

Phẫu thuật thay van tim:

Thường thực hiện khi van tim không còn cơ hội để sửa chữa do đã bị tổn thương quá nhiều, lúc này cần dùng van tim nhân tạo để thay thế. Có 2 nhóm van tim nhân tạo đó là:

  • Van sinh học: thường có tuổi thọ ngắn. Trong vòng 2 tháng sau phẫu thuật cần duy trì uống thuốc chống đông;

  • Van cơ học: có thể dùng trong khoảng vài năm đến vài chục năm. Tuy nhiên bệnh nhân phải gắn bó cả đời mình với thuốc chống đông.

Hình ảnh van tim nhân tạo

Hình ảnh van tim nhân tạo

Tuỳ thuộc vào độ tuổi bệnh nhân cũng như mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn chọn loại van phù hợp.

5. Nếu không thay van tim có ảnh hưởng gì không?

Van tim đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chu trình vận hành của trái tim con người. Nếu van tim gặp trục trặc mà không được sửa chữa hoặc thay van mới sẽ làm ảnh hưởng lớn tới chức năng của tim. Lâu ngày sẽ dẫn đến biến chứng suy tim gây trở ngại đối với cuộc sống hàng ngày của người bệnh như: khó thở, đau ngực, mệt mỏi, ho triền miên, phù chi,... Không chỉ có vậy, do tim có nhiệm vụ bơm máu giàu oxy để nuôi sống những cơ quan khác trong cơ thể, nếu chức năng bơm máu gặp vấn đề thì còn khiến các bộ phận khác cũng gặp không ít phiền toái.

Do đó, nếu bác sĩ đã có chỉ định cần thay van tim, bạn cần thực hiện theo đúng hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe cho tim, đồng thời không nên quá lo lắng vì với sự phát triển của y học hiện đại, những người bị bệnh tim vẫn có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường và kéo dài tuổi thọ. Nếu đang điều trị bệnh van tim hoặc các bệnh lý về tim mạch, hãy đảm bảo luôn tuân thủ đúng phác đồ điều trị để đem lại hiệu quả cao.

Bài viết đã đưa ra những kiến thức cần thiết để trả lời cho câu hỏi: khi nào phải thay van tim cho bệnh nhân bị bệnh van tim. Vì thế nếu còn có nhiều băn khoăn, thắc mắc và mong muốn được nghe tư vấn trực tiếp từ các y bác sĩ chuyên khoa, bạn có thể nhấc máy lên và gọi tới tổng đài 1900565656 của BVĐK MEDLATEC nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.