Tin tức

Kiến thức cơ bản về tình trạng viêm khớp thái dương hàm

Ngày 13/02/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Với nhiều người bệnh, viêm khớp thái dương hàm còn là bệnh lý khá mới và không có quá nhiều thông tin. Chính bởi vậy, có không ít người cảm thấy lo lắng khi được chẩn đoán với căn bệnh. Cùng theo dõi ngay bài viết dưới đây nếu bạn muốn có nhiều hơn các thông tin về bệnh lý này nhé!

1. Viêm khớp thái dương hàm là như thế nào?

Trong y học, viêm khớp thái dương hàm được gọi với những cái tên khác như là rối loạn khớp thái dương hàm hay viêm khớp hàm thái dương. Bệnh lý là một dạng rối loạn khớp hàm thái dương và các cơ mặt ở vị trí xung quanh. Bệnh gây ra tình trạng đau nhức hay co thắt cơ hàm, mất thăng bằng khớp nối giữa xương sọ và xương hàm.

Trong đó, khớp thái dương hàm là khớp đóng vai trò quan trọng với các hoạt động đóng, mở hàm trong quá trình ăn, nói, nuốt,… Chính vì vậy, bệnh lý khi không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiếp chức năng của khớp thái dương hàm bị suy giảm, gây khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Rối loạn viêm khớp hàm thái dương gây ra các khó khăn trong việc đóng, mở hàm của người bệnh

Rối loạn viêm khớp hàm thái dương gây ra các khó khăn trong việc đóng, mở hàm của người bệnh

Theo các chuyên gia, viêm khớp thái dương hàm có thể xảy ra với mọi đối tượng. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh với nữ giới đang trong độ tuổi dậy thì và mãn kinh là cao hơn.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh lý

Có nhiều nguyên nhân dẫn khác nhau gây ra tình trạng viêm khớp thái dương hàm với người bệnh. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến nhất có thể kể đến như sau: 

  • Tác động hay biến chứng của các bệnh lý liên quan đến xương khớp như nhiễm khuẩn khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp,… Trong đó, viêm khớp dạng thấp được đánh giá là phổ biến và chiếm tỷ lệ cao nhất.

  • Do các chấn thương, tai biến, ngã hay các tai nạn nghề nghiệp, tai nạn giao thông, va đập khi chơi thể thao,…

  • Do ảnh hưởng của các tác động đột ngột tại hàm như há miệng, nghiến răng, nhai chặt,… gây tác động lớn tới khớp thái dương hàm. Từ đó, làm tăng các nguy cơ gây viêm cho khớp này.

  • Các yếu tố gây bệnh khác như răng mọc lệch, nhổ răng khôn, stress, các sang chấn tâm lý,…

3. Các triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm

Khi mắc rối loạn khớp thái dương hàm, người bệnh có thể gặp các triệu chứng điển hình như sau:

  • Đau khớp hàm ở một bên hoặc ở cả hai bên mặt. Ở thời điểm đầu của bệnh lý, các cơn đau thường có mức độ nhẹ và tư biến mất sau vài ngày. Khi bệnh lý tiến triển nặng hơn, người bệnh thường xuyên phải đối mặt với các cơn đau kéo dài, đau ở mức độ nặng, gặp phải khó khăn trong ăn uống.

  • Các cơn đau xảy ra xung quanh hoặc ở trong tai. Chính vì vậy, người bệnh dễ gặp tình trạng khó mở hay đóng miệng, tạo cảm giác mỏi hàm và khó khăn khi thực hiện các cử động với hàm. Thậm chí khi nhai, người bệnh có thể nghe thấy tiếng kêu của khớp.

  • Trong trường hợp người bệnh cảm thấy đau liên tục tại khớp thái dương hàm, đau có xu hướng tăng mạnh và thường xuyên có các tiếng kêu lục cục thì đây là dấu hiệu cho thấy bệnh lý đã tiến triển vào giai đoạn nặng. Lúc này, người bệnh cần nhanh chóng thực hiện các điều trị phù hợp để tránh biến chứng có thể xảy ra.

  • Các triệu chứng khác: đau cổ, mỏi cổ, lệch hàm, nổi hạch ở một bên hoặc cả hai bên hàm, đau nhức tại thái dương, mặt sưng phù,…

Bệnh lý gây ra các cơn đau tại hàm và vùng xung quanh tai

Bệnh lý gây ra các cơn đau tại hàm và vùng xung quanh tai

4. Viêm khớp hàm thái dương có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ, viêm khớp hàm thái dương không gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng của người bệnh nhưng có thể gây ra các biến chứng như giãn khớp, trật khớp, dính khớp,…

Đặc biệt nguy hiểm là biến chứng thủng đĩa khớp do hiện tượng các đầu khớp thoái khớp thoái hóa bị dính với đĩa khớp và đầu xương. Nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng này sẽ gây ra tình trạng xơ cứng khớp và phá hủy đầu xương. Lâu dài khiến người bệnh không thể há miệng để ăn uống hay nói chuyện như bình thường.

5. Cách cải thiện tình trạng bệnh lý ngay tại nhà cho người bệnh

Bên cạnh việc thực hiện các phương pháp điều trị, người bệnh nên thực hiện các lưu ý dưới đây để có thể cải thiện và hỗ trợ tốt nhất cho tình trạng bệnh lý của mình. Gồm có:

Massage khớp hàm

Việc thực hiện xoa bóp, massage nhẹ nhàng tại cùng khớp hàm là phương pháp hiệu quả giúp giảm sự căng cứng cơ, cũng như thúc đẩy sự lưu thông máu tới khu vực đang gặp vấn đề. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp làm giảm các cơn đau nhức do bệnh lý gây ra. Người bệnh có thể thực hiện liên tục trong nhiều ngày với một hoặc nhiều động tác massage.

Chườm nóng, lạnh

Khi các cơn đau khớp hàm diễn ra, người bệnh có thể sử dụng biện pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh để làm dịu các cơn đau.

Thông thường, chườm lạnh sẽ được thực hiện trong khoảng 10 phút với các cơn đau nhói. Ngược lại, chườm nóng sẽ được áp dụng với trường hợp cơn đau là âm ỉ, đau nhức kéo dài. Nên chườm nóng tại vùng bị đau trong khoảng 20 phút là tốt nhất.

Chườm nóng hoặc lạnh là giải pháp hiệu quả giúp làm giảm tạm thời các cơn đau do bệnh lý gây ra

Chườm nóng hoặc lạnh là giải pháp hiệu quả giúp làm giảm tạm thời các cơn đau do bệnh lý gây ra

Bổ sung nhiều canxi và magie

Với người bị viêm khớp hàm thái dương, bạn nên bổ sung nhiều hơn hàm lượng canxi và magie trong khẩu phần ăn uống. Bởi các khoáng chất này sẽ giúp thúc đẩy tốt hơn sự thư giãn cho cơ bắp và giảm căng thẳng cơ. Từ đó, làm giảm sự căng cứng tại hàm và giảm nhẹ mức độ của các cơn đau.

Thực phẩm giàu Magie nên được bổ sung trong chế độ ăn của người bệnh

Đeo bảo vệ hàm

Với người bệnh, tốt nhất nên sử dụng các dụng cụ bảo vệ hàm để tránh các tác động mạnh bên ngoài gây tổn thương khớp hàm thái dương. Ví dụ như sử dụng các máng chống nghiến răng nếu người bệnh có tình trạng nghiến răng không kiểm soát khi đi ngủ,…

Thay đổi thói quen ăn uống

Khi bị rối loạn khớp hàm thái dương, người bệnh nên hạn chế việc sử dụng các thực phẩm quá cứng hoặc quá dai. Thay vào đó, tốt nhất nên sử dụng các loại thực phẩm mềm, dễ nhai và dễ tiêu hóa như súp, mì sợi, cháo,…

Việc này giúp hạn chế các tác động mạnh có thể làm tổn thương khớp như cắn, ngậm, hay há miệng quá lớn…. để ăn thức ăn.

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên sử dụng các loại rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích, đồ uống có cồn hàng ngày.

Viêm khớp thái dương hàm là bệnh lý có thể dễ dàng chữa khỏi và không để lại các biến chứng với người bệnh khi được thăm khám và chữa trị kịp thời. Chính vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh lý hay nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất tình trạng sức khỏe của mình.

Nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị bệnh lý tại MEDLATEC, Quý vị vui lòng liên hệ 1900 56 56 56 để được đặt lịch hoặc tư vấn, hỗ trợ chi tiết!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.