Tin tức

Lồng ruột ở người lớn: dấu hiệu và phương pháp điều trị

Ngày 06/12/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Lồng ruột thường gặp ở trẻ nhỏ song vẫn có thể xảy ra ở người lớn, nguyên nhân bệnh thường rõ ràng hơn như: u ở ruột non và đại tràng, viêm hồi manh tràng mạn,… Trong bài viết dưới đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ hơn về tình trạng lồng ruột ở người lớn.

1. Nguyên nhân gây lồng ruột ở người lớn

Hệ thống đường ruột ở người có hình ống rất dài, bên trong rỗng và xếp gọn gàng trong ổ bụng. Lồng ruột là tình trạng một phần ruột trượt vào lồng với một phần ruột khác, làm tắc nghẽn thức ăn và dịch tiêu hóa lưu thông. Tình trạng này kéo dài còn có thể gây tắc nghẽn đường cung cấp máu cho ruột dẫn tới hoại tử, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm độc và thủng ruột. Do đó, cần phát hiện và điều trị sớm trước khi các biến chứng do lồng ruột xảy ra.

Lồng ruột khá ít gặp ở người lớn

Lồng ruột khá ít gặp ở người lớn

Lồng ruột chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, tỉ lệ mắc bệnh ở người lớn rất nhỏ chỉ từ 2 - 3% nên các thông tin về bệnh cũng như nguyên nhân, triệu chứng được ít người biết tới. Lồng ruột ở người lớn thường gặp ở những người cao tuổi. Khác với lồng ruột ở trẻ nhỏ, lồng ruột ở người lớn thường có nguyên nhân rõ ràng như: 

  • U ở ruột non hoặc đại tràng.

  • Viêm hạch mạc treo

  • Viêm hồi manh tràng mạn.

  • Manh tràng di động.

  • Viêm ruột như trong bệnh Crohn.

  • Có mô như mô sẹo hình thành trong ruột.

  • Biến chứng sau phẫu thuật cắt đường ruột để giảm cân.

Lồng ruột ở người lớn thường do u ung thư

Lồng ruột ở người lớn thường do u ung thư

Tùy theo nguyên nhân mà vị trí lồng ruột ở người lớn cũng đa dạng, chia thành các nhóm bệnh gồm: lồng ruột hồi - đại tràng, lồng ruột hồi - hồi - đại tràng, lồng ruột hồi - manh tràng,... Dựa trên siêu âm hoặc chụp CT, bác sĩ có thể chẩn đoán được vị trí lồng ruột và thể bệnh để phẫu thuật phù hợp.

Cần cẩn thận các trường hợp lồng ruột do u hầu hết là ung thư, cần điều trị sớm bằng phẫu thuật kết hợp với các phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư. Trong nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân gây lồng ruột là gì gây khó khăn trong điều trị và phòng ngừa.

2. Nhận biết dấu hiệu lồng ruột ở người lớn

Triệu chứng của bệnh lồng ruột ở người lớn không được miêu tả rõ ràng, dễ nhầm lẫn với nhiều tình trạng khác nên khó để phát hiện. Một số dấu hiệu bệnh bao gồm:

2.1. Đau bụng từng đợt

Lồng ruột khiến thức ăn khó lưu thông, mạch máu ở ruột bị tắc nghẽn nên thường gây đau bụng từng đợt, bụng co cứng. Cơn đau nghiêm trọng kéo dài có thể là dấu hiệu cho thấy lồng ruột nặng dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử.

2.2. Buồn nôn, nôn mửa

Lồng ruột cũng kích thích đường ruột gây nôn mửa hoặc buồn nôn kéo dài. Triệu chứng bệnh này rất dễ nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa khác nên khó để nhận biết chính xác. Các chuyên gia khuyên rằng, khi các dấu hiệu bệnh xuất hiện dài, mức độ nặng dần và không giảm khi điều trị thông thường thì nên đưa người bệnh đi khám kiểm tra.

Triệu chứng nôn còn phụ thuộc vào vị trí lồng ruột, hầu hết nếu lồng ruột ở vị trí cao, bệnh nhân thường bị nôn sớm và nhiều. Còn lồng ruột xảy ra ở các vị trí ruột thấp thì bệnh nhân thường nôn muộn hoặc ít nôn.

Lồng ruột gây triệu chứng buồn nôn, nôn mửa

Lồng ruột gây triệu chứng buồn nôn, nôn mửa

2.3. Bí trung, đại tiện

Bí trung, đại tiện cũng là triệu chứng khá thường gặp ở người lớn bị lồng ruột. Nguyên nhân do lồng ruột khiến thức ăn không thể di chuyển xuống phần ruột dưới để tạo ra phân đưa ra ngoài cơ thể.

Hầu hết bệnh nhân bị lồng ruột đi khám muộn khi các triệu chứng bệnh kéo dài đến vài tuần không hết. Lúc này có thể bệnh đã biến chứng khiến điều trị khó khăn và nguy hiểm hơn.

3. Điều trị chứng lồng ruột ở người lớn như thế nào?

Khi có triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác chứng lồng ruột bằng các phương pháp như: Siêu âm, chụp X-quang ổ bụng không chuẩn bị, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, thụt Barium, bơm hơi,… Khi xác định được vị trí bị lồng ruột, các phương pháp điều trị cần được tiến hành nhanh chóng.

Mục đích trong điều trị cấp cứu chứng lồng ruột ở người lớn là giải phóng cho phần ruột bị lồng và loại bỏ nếu có hoại tử, nhiễm trùng, ngăn chặn sốc, mất nước quá mức. Phần ruột bị hoại tử do lồng ruột kéo dài sẽ cần cắt bỏ, nếu không có thể gây nhiễm trùng lan rộng cho toàn bộ phần ruột.

Phẫu thuật ngoại khoa là phương pháp điều trị thường áp dụng ở người lớn và phù hợp cho các trường hợp cấp tính cần loại trừ tắc nghẽn, cắt bỏ nhanh những phần ruột bị hoại tử. Tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật điều trị lồng ruột phù hợp.

Nếu chưa biến chứng, hầu hết trường hợp cấp cứu phẫu thuật sẽ xử lý được tình trạng lồng ruột ở người lớn. Nếu khối lồng ruột đã bị hoại tử một phần, xuất hiện viêm phúc mạc thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn và nguy hiểm nếu can thiệp chậm trễ.

Khác với ở trẻ nhỏ, bơm hơi không thể giải quyết được tình trạng lồng ruột ở người lớn, ngoài phẫu thuật thì bệnh nhân ngoài xử lý tình trạng lồng ruột, cần điều trị nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để tránh tái phát. Nếu nguyên nhân do u ở manh tràng hay đại tràng phải, có thể phrai cắt bỏ nửa đại tràng tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh có đáp ứng hay không. Nếu u ở đại tràng trái thì cũng cần cắt bỏ, sau đó đưa hai đầu đại tràng ra ngoài nối với hậu môn.

Trường hợp lồng ruột do viêm, dính ruột thì cần gỡ dính, tháo lồng ruột kết hợp với điều trị phòng ngừa nhiễm trùng. Như vậy nguyên nhân gây lồng ruột ở người lớn rất đa dạng nhưng cần chẩn đoán chính xác để điều trị tránh bệnh tái phát. 

Rất khó để phòng ngừa chứng lồng ruột ở người lớn do nó ít xảy ra và thường là biến chứng của bệnh lý liên quan nào đó. Ở những người đã từng mắc chứng bệnh này, bác sĩ sẽ hướng dẫn biện pháp chăm sóc, điều trị phù hợp tránh bệnh tái phát cũng như biến chứng thành tắc ruột toàn bộ.

Cần đi khám nếu có triệu chứng của lồng ruột kéo dài

Cần đi khám nếu có triệu chứng của lồng ruột kéo dài

Dù không phổ biến song lồng ruột ở người lớn có thể gây nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm cần cấp cứu phẫu thuật sớm. Khi có triệu chứng bệnh nghi ngờ, nhất là chứng đau quặn bụng kéo dài, buồn nôn, nôn mửa,... cần đến cơ sở y tế khám và điều trị. Nếu có thắc mắc khác về bệnh, hãy liên hệ trực tiếp tới hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.