Tin tức

Loratadine - Thuộc nhóm thuốc kháng Histamin cần cẩn trọng khi dùng

Ngày 28/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Viêm mũi dị ứng gây hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, ngứa mũi ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Khi gặp phải tình trạng này, nhiều người đã tìm đến thuốc kháng Histamin như Loratadine. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng liều lượng, mọi người có thể phải đối mặt với hàng loạt tác dụng phụ.

1. Thông tin khái quát về Loratadine

Loratadine là một loại thuốc nằm trong nhóm dược phẩm kháng Histamin H1 thế hệ thứ 2. Loại thuốc này tác động theo cơ chế tạo đối kháng cạnh tranh một cách chọn lọc với thụ thể Histamin H1. Hiện nay, Loratadine được bào chế theo một số dạng cơ bản như: 

  • Dạng viên nén và viên nén rã nhanh, hàm lượng 10mg. 
  • Dạng Siro, hàm lượng 5mg/ml. 
  • Dạng dung dịch uống, hàm lượng 5mg/5ml. 
  • Dạng viên nén giải phóng chậm, 5mg Loratadin kết hợp 120mg Pseudoephedrin Sulfat.

Thuốc Loratadine dạng viên nén

Thuốc Loratadine dạng viên nén

2. Công dụng của Loratadine

Tác dụng chính của thuốc Loratadine là giúp làm giảm triệu chứng liên quan đến hoạt động giải phóng Histamin như viêm mũi, ngứa, nổi mề đay, viêm kết mạc dị ứng. 

3. Chỉ định và chống chỉ định

3.1. Chỉ định

Hiện nay, Loratadine chủ yếu được chỉ định trong các trường hợp sau: 

  • Điều trị giảm triệu chứng do viêm mũi dị ứng gây hắt hơi, ngứa mũi, nước mũi chảy, sung huyết. 
  • Điều trị viêm kết mạc dị ứng. 
  • Làm giảm triệu chứng ngứa, nổi mề đay liên quan hoạt động giải phóng Histamin. 

Loratadine hỗ trợ giảm triệu chứng dị ứng do hoạt động giải phóng Histamin

Loratadine hỗ trợ giảm triệu chứng dị ứng do hoạt động giải phóng Histamin

3.2. Chống chỉ định 

Thực tế, không phải ai cũng có thể sử dụng Loratadine. Theo đó, đối tượng chống chỉ định của loại thuốc này bao gồm:

  • Người dị ứng với Loratadine hay bất kỳ thành phần nào trong thuốc. 
  • Người đang dùng thuốc ức chế MAO. 

4. Liều dùng và cách dùng

4.1. Liều dùng

Tùy thuộc theo từng đối tượng, liều lượng sử dụng Loratadine sẽ được điều chỉnh cân đối phù hợp. Sau đây là phần hướng dẫn tham khảo về liều dùng loại thuốc này cho các đối tượng: 

  • Ở người trưởng thành và trẻ trên 12 tuổi: Liều dùng Loratadine tương đương 10mg/ngày, dùng 1 lần/ngày. 
  • Tuổi trẻ nhỏ từ 2 đến 12 tuổi: Liều lượng toán dựa theo cân nặng của từng trẻ. 
  • Trẻ từ từ 30kg trở lên: Dùng 10mg/lần, uống 1 lần/ngày, áp dụng cho dạng viên nén hoặc dạng siro uống. 
  • Trẻ dưới 30kg: Dùng 5mg hoặc 5ml/lần, uống 1 lần/ngày, áp dụng cho dạng siro hay dung dịch uống. 
  • Người bị suy gan nặng: Liều dùng ban đầu có thể là từ 10mg cho người lớn và trẻ nhỏ trên 30kg, dùng cách ngày. Còn với người nặng dưới 30kg, liều dùng 5mg, uống cách ngày. 
  • Người bị suy thận nặng (CICr dưới 30ml/phút): Người trưởng thành và trẻ nhỏ trên 6 tuổi có thể áp dụng nhiều lượng 10mg, uống cách ngày. Có với trẻ từ 2 đến 6 tuổi, liều dùng tương đương khoảng 5mg, dùng cách ngày. 

Liều lượng sử dụng Loratadine người lớn và trẻ trên 6 tuổi thường dùng không quá 10mg/ngày

Liều lượng sử dụng Loratadine người lớn và trẻ trên 6 tuổi thường dùng không quá 10mg/ngày 

Lưu ý, tất cả hướng dẫn về liều lượng sử dụng thuốc Loratadine đề cập trong bài viết này không có giá trị thay thế cho tư vấn của chuyên gia y tế. Để hạn chế rủi ro, bạn không nên tự ý dùng Loratadine hay những loại thuốc tương tự tại nhà nếu chưa được dược sĩ, bác sĩ chuyên môn hướng dẫn cụ thể

4.2. Cách dùng 

Thuốc Loratadine chủ yếu dùng theo đường uống. Sau khi được kê đơn dùng thuốc, bạn chỉ cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 

Loratadine bổ sung theo đường uống

Loratadine bổ sung theo đường uống 

5. Tác dụng phụ của Loratadine

Giống như hầu hết những loại thuốc kê đơn khác, Loratadine vẫn có thể gây tác dụng phụ cho người dùng, tùy cơ địa. Trong bảng tổng hợp sau đây, MEDLATEC sẽ liệt kê một vài phản ứng phụ khi dùng Loratadine. 

Tác dụng phụ thường gặpTác dụng phụ ít gặpTác dụng phụ hiếm gặp

- Bị đau đầu. 

- Miệng bị khô.

- Mũi khô. 

- Hay bị hắt hơi. 

- Cảm thấy chóng mặt. 

- Viêm kết mạc. 

- Nhịp tim tăng nhanh hoặc bị rối loạn. 

- Trầm cảm. 

- Hay buồn nôn. 

- Chức năng gan suy giảm. 

- Rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới. 

- Da bị nổi mề đay, phát ban. 

- Tóc rụng nhiều hơn bình thường. 

- Cơ thể mệt mỏi. 

- Xuất hiện cơn co giật. 

- Choáng phản vệ. 

-... 

Bảng tổng hợp những tác dụng phụ có thể xuất hiện khi người bệnh dùng Loratadine

Ngoài ra, khi sử dụng thuốc Loratadine, bệnh nhân đôi khi còn tăng cân không rõ nguyên nhân. Nếu cảm nhận thấy cơ thể thay đổi bất thường, xuất hiện nhiều tác dụng phụ, bạn tuyệt đối không nên chủ quan mà hãy thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được hướng dẫn cách xử lý. 

6. Lưu ý khi dùng thuốc Loratadine

6.1. Tương tác của thuốc 

Sự tương tác hay phản ứng với những loại thuốc khác sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc Loratadine. Đơn cử như:

  • Nếu dùng chung Loratadine với một số loại thuốc ức chế Enzym như Fluoxetine, Fluconazol, Ketoconazol,... nồng độ thuốc trong huyết tương có xu hướng tăng, làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ. 
  • Khi kết hợp với Cimetidin, nồng độ của thuốc Loratadine trong huyết tương có thể tăng lên 3/5. Bởi Cimetidin có khả năng ngăn chặn quá trình chuyển hóa của Loratadine. 
  • Thuốc Ketoconazol có thể khiến nồng độ của Loratadine tăng cao. 
  • Nếu dùng chung Loratadine và Erythromycin, lượng Loratadine huyết tương thường tăng lên. 

Các loại thuốc ức chế Enzym có khả năng làm tăng tác dụng phụ của Loratadine

Các loại thuốc ức chế Enzym có khả năng làm tăng tác dụng phụ của Loratadine 

6.2. Xử lý trong trường hợp quên liều hoặc uống quá liều 

Nếu dùng quá liều Loratadine từ 40mg đến 180mg, cơ thể thường xuất hiện một số triệu chứng như buồn ngủ, đau nhức đầu, nhịp tim tăng nhanh. Còn ở trẻ nhỏ nếu dùng quá 10mg, trẻ cũng dễ gặp phải một vài tác dụng phụ không mong muốn. 

Khi vô tình uống quá liều, bạn hãy nhanh chóng thông báo tình hình dùng thuốc cho bác sĩ hoặc tìm đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn cách xử lý, hạn chế ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc áp dụng với những biện pháp như rửa dạ dày, thẩm tách máu, thẩm phúc mạc kết hợp nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sau cấp cứu. 

Trong trường hợp quên không uống thuốc, bạn chỉ cần uống liều thuốc đã quên càng sớm càng tốt. Tuy vậy nếu sắp đến thời điểm uống liều thuốc tiếp theo, bạn hãy uống liều mới, không cần phải bổ sung liều thuốc quên trước đó. 

6.3. Những lưu ý khác 

Loratadine thường ít gây tác dụng phụ hơn so với một số loại thuốc kháng Histamin H1 thế hệ thứ nhất. Tuy nhiên nếu thuộc nhóm đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người đang điều trị bệnh, người làm việc trong môi trường đặc biệt phải vận hành máy móc hàng ngày,... bạn vẫn phải hết sức thận trọng khi sử dụng Loratadine. 

Ngoài ra trong quá trình dùng thuốc, bạn cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ. Nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, bạn cũng phải thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cách dùng để không ảnh hưởng đến tác dụng của từng loại thuốc. 

Những thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, việc tự ý sử dụng Loratadine tại nhà sẽ khiến bạn gặp nhiều rủi ro về sức khỏe. Do vậy, khi cơ thể có biểu hiện bất thường, bạn nên đi kiểm tra để được bác sĩ hướng dẫn cụ thể về hướng điều trị, cách dùng thuốc phù hợp với thể trạng. Một địa chỉ y tế đang được nhiều khách hàng đánh giá cao và bạn có thể chọn đi thăm khám là Hệ thống Y tế MEDLATEC với gần 30 năm kinh nghiệm hoạt động. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ theo hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ