Tin tức

Panthenol là gì và những điều cần biết khi dùng loại thuốc này

Ngày 26/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Những loại thuốc điều chế theo dạng kem bôi chứa thành phần Panthenol được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh da liễu. Bên cạnh kem bôi ngoài da, Panthenol còn bào chế theo nhiều dạng khác. Ứng với mỗi loại, liều lượng và cách sử dụng lại khác nhau. MEDLATEC hy vọng thông qua một vài chia sẻ trong bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người hiểu hơn về các sản phẩm bào chế từ Panthenol.

1. Thông tin khái quát về Panthenol

Panthenol được biết đến như một dạng tiền Vitamin B5, dễ bị oxi hóa và biến đổi thành dạng Acid Pantothenic. Hiện nay, Panthenol là hoạt chất quan trọng trong nhiều loại thuốc. Bao gồm:

  • Panthenol Acid: Gồm dạng viên nén, hàm lượng 50 - 500mg và dạng viên nén giải phóng chậm 500 - 1000mg. 
  • Calci Pantothenat: Bào chế chủ yếu theo dạng viên nén với hàm lượng 10 - 545mg. 
  • Dexpanthenol: Gồm dạng viên nén 100mg, dung dịch tiêm 250mg/ml, kem bôi ngoài da 2%, thuốc phun bọt, gel sử dụng nhỏ mắt 5%, dung dịch truyền tĩnh mạch và dạng kem bôi ngoài da D-Panthenol. 

Một sản phẩm kem bôi ngoài da Panthenol

Một sản phẩm kem bôi ngoài da Panthenol 

2. Công dụng của Panthenol

Tác dụng chính của Panthenol phụ thuộc theo từng dạng bào chế cụ thể. Chẳng hạn như: 

  • Panthenol dạng uống: Hỗ trợ điều trị viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm lưỡi, chứng co rút chân thường gặp ở phụ nữ mang thai hoặc người cai nghiện rượu, chứng nóng rát tại vùng chân. 
  • Panthenol dạng gel: Giúp làm giảm tổn thương tại vùng giác mạc ở người hay đeo kính áp tròng. Ngoài ra, gel còn giúp điều trị tổn thương giác mạc gây ra bởi vi khuẩn, virus cũng như các loại nấm. 
  • Panthenol dạng kem bôi ngoài da: Giúp làm giảm tổn thương tại vết bỏng, vết phỏng nắng, vết trầy xước. Đồng thời, kem bôi chứa Panthenol còn có khả năng làm giảm hiện tượng khô da, da nứt nẻ. Dạng sản phẩm này thường dùng cho đối tượng phụ nữ mang thai cần chăm sóc da, trẻ em bị tổn thương da do thường xuyên sử dụng tã bỉm gây mẩn đỏ, xây xát da. 
  • Panthenol dạng tiêm: Thường được chỉ định sau phẫu thuật bụng, hạn chế tình trạng liệt ruột. Bên cạnh đó, Panthenol dạng dung dịch riêng cũng được sử dụng để hỗ trợ khả năng phục hồi nhu động ruột sau phẫu thuật, cùng nhiều tác dụng khác. 
  • Panthenol dạng xịt: Giúp làm giảm tổn thương da và niêm mạc. Cụ thể, Panthenol trong sản phẩm dạng xịt có tác dụng hỗ trợ làm lành tổn thương tại vùng da bị trầy xước, da bị bỏng, cháy nắng, da bị nứt nẻ và một số bệnh lý ngoài da khác. 

Panthenol dạng gel giúp giảm tổn thương giác mạc ở người hay dùng kính áp tròng

Panthenol dạng gel giúp giảm tổn thương giác mạc ở người hay dùng kính áp tròng

3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng Panthenol 

3.1. Chỉ định

Tùy theo dạng bào chế, mỗi loại thuốc chứa hoạt chất Panthenol sẽ được chỉ định sử dụng trong từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như với dạng kem bôi ngoài da Panthenol, trường hợp có thể sử dụng thường là: 

  • Điều trị tổn thương ngoài da như bỏng, cháy nắng, trầy xước da. 
  • Phòng và điều trị tình trạng da bị khô rát, nứt nẻ. 
  • Hỗ trợ chăm sóc da vùng vú ở phụ nữ đang cho con bú, giảm tình trạng rạn da khi mang bầu. 
  • Hỗ trợ chăm sóc da cho trẻ em hay dùng tã bỉm. 

Người bị cháy nắng có thể sử dụng kem Panthenol

Người bị cháy nắng có thể sử dụng kem Panthenol 

3.2. Chống chỉ định 

Trường hợp chống chỉ định, không nên dùng sản phẩm chứa hoạt chất Panthenol bao gồm người dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong thuốc Panthenol. Nếu dùng sản phẩm dạng xịt, bạn tuyệt đối không xịt vào mắt, mũi và họng. 

Ở đối tượng phụ nữ đang cho con bú, lớp Panthenol thoa lên vùng da vú cần phải được lau sạch trước khi chị em cho con bú. 

4. Liều dùng và cách dùng Panthenol 

4.1. Liều dùng

4.1.1. Ở người trưởng thành

  • Nếu dùng theo đường uống: Từ 5 đến 10mg Acid Pantothenic mỗi ngày. 
  • Nếu dùng theo đường tiêm: Liều khởi đầu tiêm bắp tương đương 250mg đến 500mg. Sau khoảng 2 tiếng, người bệnh có thể được tiêm mũi nhắc lại hoặc 4 đến 12 tiếng, bệnh nhân lại bổ sung 1 liều tiêm Panthenol.
  • Nếu dùng theo đường truyền tĩnh mạch chậm: Khoảng 500mg. Trường hợp triệu chứng chướng bụng, liệt ruột không thuyên giảm, bác sĩ có thể thay đổi phương pháp điều trị. 
  • Nếu dùng loại bôi tại chỗ: Nếu bôi tại chỗ, bạn cần lựa chọn loại kem 2% Panthenol. Mỗi ngày, bạn có thể bôi từ 1 đến 2 lần hay nhiều hơn tùy tình trạng tổn thương, hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. 
  • Nếu dùng dạng gel nhỏ mắt: Mỗi ngày nhỏ khoảng 4 lần, ưu tiên nhỏ trước lúc đi ngủ. 

4.1.2. Ở trẻ em 

Khi dùng Panthenol trẻ em, bạn cần tham khảo tư vấn của bác sĩ. Thường thì liều lượng dùng sản phẩm chứa hoạt chất này cho trẻ nhỏ được tính toán dựa trên cân nặng của từng trẻ. 

4.2. Cách dùng 

Cách dùng Panthenol phụ thuộc theo từng dạng bào chế cụ thể. Chẳng hạn như: 

  • Acid Pantothenic và Calci Pantothenat: Dùng theo đường uống. 
  • Panthenol bào chế theo dạng dung dịch tiêm, truyền: Dùng theo đường tiêm bắp hoặc truyền chậm vào tĩnh mạch. 
  • Panthenol dạng kem: Sử dụng để bôi ngoài da. 
  • Panthenol dạng gel: Thường sử dụng để nhỏ mắt. 
  • Panthenol dạng xịt: Xịt ngoài da, người dùng nên lắc đều bình thuốc trước khi xịt. 

Lưu ý, phần hướng dẫn về liều lượng cũng như cách dùng Panthenol đề cập trong bài viết này chỉ có tính chất tham khảo. Nếu chưa được bác sĩ tư vấn cụ thể, bạn tốt nhất không nên tự ý dùng các loại thuốc có chứa Panthenol. 

5. Tác dụng phụ của Panthenol

Tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng Panthenol là làn da có cảm giác như bị kim châm, mẩn đỏ, dễ kích ứng. Trong một số tổ hợp, người dùng còn cảm thấy chóng mặt, ngứa ngáy, sưng tấy, khó thở

Đôi khi Panthenol sẽ gây tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa da

Đôi khi Panthenol sẽ gây tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa da

Nếu phản ứng phụ sau khi dùng thuốc không biến mất, diễn biến ngày càng nghiêm trọng, bạn hãy liên hệ với bác sĩ để trao đổi cách xử lý hoặc tính đến cơ sở y tế để được trợ giúp kịp thời. 

6. Lưu ý khi dùng thuốc Panthenol 

Panthenol hiện được bào chế theo nhiều dạng, mỗi dạng lại có cách sử dụng khác nhau. Vì vậy trước khi dùng bất kỳ loại thuốc Panthenol nào, bạn cần tham khảo một số nguyên tắc sau: 

  • Người đang điều trị tắc ruột cơ học tuyệt đối không dùng Panthenol theo dạng tiêm. 
  • Người bị bệnh hen hoặc bệnh lý liên quan đến phế quản phổi cần thận trọng khi dùng Panthenol. Bởi hoạt chất này có thể làm tăng nguy cơ khởi phát cơn hen. 
  • Người dễ bị chảy máu, bệnh lý về máu không nên dùng Panthenol trong thời gian dài. 
  • Với Panthenol không phải dạng gel, bạn tuyệt đối không nên để thuốc tiếp xúc với mắt. 
  • Liệt kê đầy đủ tất cả những loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược đang dùng cho bác sĩ nắm rõ trước khi được kê đơn Panthenol.

 Bạn nên liệt kê những loại thuốc đang dùng trước khi được kê đơn Panthenol

Bạn nên liệt kê những loại thuốc đang dùng trước khi được kê đơn Panthenol

Panthenol là thành phần có trong nhiều loại thuốc, bày bán phổ biến trên thị trường. Tuy vậy để hạn chế rủi ro không mong muốn, bạn không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào, bao gồm cả thuốc chứa Panthenol nếu chưa tham khảo tư vấn của bác sĩ. MEDLATEC hi vọng chia sẻ trong bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về hoạt chất đặc biệt này. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám và kiểm tra sức khỏe, Quý khách hãy liên hệ với MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ