Tin tức

Mách bạn cách giảm đau cho bệnh nhân ung thư

Ngày 04/06/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Đối với bệnh nhân ung thư, việc giảm đau là rất cần thiết bởi đau đớn không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn khiến cho sức khỏe của họ bị suy sụp, chất lượng cuộc sống bị giảm sút nghiêm trọng. Vậy cách giảm đau cho bệnh nhân ung thư như thế nào mới hiệu quả, bài viết sau sẽ cùng bạn tìm hiểu về vấn đề này.

1. Ý nghĩa của việc giảm đau đối với bệnh nhân ung thư

1.1. Phân loại đau ở bệnh nhân ung thư

Đau trong bệnh ung thư được phân ra gồm các loại sau:

- Đau thực thể

Nguyên nhân gây đau là do khối u chèn ép hoặc xâm lấn đến các tổ chức cơ quan lân cận, tại chỗ hoặc nơi nó di căn đến. Bản thân sự chèn này đã kích thích các thụ cảm thể áp lực gây ra đau cộng thêm phản ứng viêm và sự giải tỏa chất hóa học hướng viêm càng kích thích cơn đau xảy ra liên tục và mạnh hơn.

Nhiều bệnh nhân ung thư bị đau vì kích thước của khối u ngày càng lớn

Nhiều bệnh nhân ung thư bị đau vì kích thước của khối u ngày càng lớn

Cơn đau thực thể có thể thành từng đợt, cấp hoặc mạn tính. Người bệnh thường thấy đau tức khác nhau về cường độ, co cứng mô kề cận và tăng đau khi vận động hoặc bị đè nén. Một số bệnh nhân không cảm thấy đau hoặc đau rất nhẹ.

- Đau nội tạng

Người bệnh không có biểu hiện đau vì các cơ quan nội tạng không có cảm thụ đau, trừ trường hợp khối u ảnh hưởng đến tổ chức lân cận của chính cơ quan đó hoặc các cấu trúc ống. Điều đáng nói là cơn đau có chiều hướng lan tỏa theo hệ thần kinh thực vật nên rất khó xác định vị trí, nguồn gốc cơn đau.

- Đau do thần kinh

Các khối u não gây chèn ép và đau đớn cho hệ thần kinh trung ương. Riêng với thần kinh ngoại vi thì cơn đau có thể xảy ra do sự xâm nhập và chèn ép của khối u hoặc tác dụng phụ của hóa - xạ trị.

Cơn đau thần kinh thường xuất hiện đột ngột, tạo cảm giác bỏng buốt hoặc như thể bị đâm. Đau ở thần kinh ngoại biên có thể làm hình thành vùng nhạy cảm và duy trì hiệu ứng đau ở hệ thần kinh trung ương.

1.2. Vai trò của việc giảm đau đối với bệnh ung thư

Việc tìm cách giảm đau cho bệnh nhân ung thư là rất cần thiết vì nó tác động đến người bệnh trên nhiều phương diện. Tùy theo mức độ đau mà ảnh hưởng của nó đến từng bệnh nhân sẽ có sự khác nhau. Có người đau đến mức buồn bã, ám ảnh, trầm cảm, không tha thiết gì với cuộc sống. Có người đau đến mức mất khả năng tự chủ,...

Giảm đau cho bệnh nhân ung thư là cần thiết vì nó giúp cải thiện toàn diện từ sức khỏe, tâm lý cho đến cuộc sống của người bệnh

Giảm đau cho bệnh nhân ung thư là cần thiết vì nó giúp cải thiện toàn diện từ sức khỏe, tâm lý cho đến cuộc sống của người bệnh

Về cơ bản, đau mang tính cá thể và phụ thuộc nhiều vào cảm xúc cũng như trải nghiệm đau của mỗi người. Có cơn đau rất ghê gớm với người này nhưng lại không đáng kể với người khác. Dù là bệnh nhân ung thư hay người bình thường thì đau và được giảm đau vẫn được xem là quyền của con người. Không ít trường hợp bệnh nhân không chết vì ung thư mà sẽ đau khổ tột cùng đến khi chết vì không được điều trị đau hiệu quả.

Khi bệnh nhân ung thư không được giảm đau thì cơn đau sẽ ngày càng trầm trọng hơn, gây ra nhiều hệ lụy trong đó nguy hiểm nhất là khiến cho sức khỏe của họ giảm sút nhanh chóng, tinh thần của họ trở nên suy sụp. Ngoài ra, giảm đau cho bệnh nhân ung thư còn cần thiết bởi nó giúp họ duy trì các hoạt động thường ngày dễ dàng hơn, ngủ ngon giấc hơn và có nhiều thời gian hơn cho người thân và bạn bè.

2. Cách giảm đau cho bệnh nhân ung thư 

2.1. Đánh giá đau ở bệnh nhân ung thư

Muốn áp dụng cách giảm đau cho bệnh nhân ung thư hiệu quả thì trước tiên cần đánh giá chính xác về tình trạng đau ở họ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có khoảng 79% bệnh nhân ung thư bị đau ngay từ khi được chẩn đoán bệnh và có hơn 90% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau ở mức trung bình và nặng. Nguyên nhân gây ra đau ở những trường hợp này là do không được điều trị thỏa đáng bởi:

- Bác sĩ không đánh giá đúng mức về sự đau đớn mà bệnh nhân trải qua.

- Bác sĩ nghi ngờ về những thông báo đau của người bệnh.

- Bệnh nhân thông báo không đúng về mức độ đau mà mình trải qua vì họ sợ phải dùng thuốc giảm đau, vì nghĩ rằng việc thông báo đau không giải quyết được vấn đề,...

2.2. Các cách giảm đau cho người bị ung thư

Biện pháp giảm đau ung thư sẽ được bác sĩ đưa ra khi có những thông tin về cơn đau từ người bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể mà cách giảm đau được áp dụng cho bệnh nhân sẽ có sự khác nhau như:

Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có cách giảm đau cho bệnh nhân ung thư phù hợp và hiệu quả

Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có cách giảm đau cho bệnh nhân ung thư phù hợp và hiệu quả

- Giảm đau dựa trên căn nguyên gây đau

Với từng nguyên nhân gây đau bác sĩ sẽ có phương án phù hợp, ví dụ như khi khối u chèn ép vào dây thần kinh và khiến người bệnh đau đớn thì có thể phẫu thuật hoặc làm thu nhỏ kích thước khối u bằng xạ trị hoặc hóa trị để loại bỏ đau.

- Dùng thuốc để thay đổi cách cảm nhận về cơn đau

Có một số loại thuốc giảm đau sẽ làm cơ thể thay đổi cách cảm nhận về cơn đau nên người bệnh thấy dễ chịu hơn.

- Dùng thủ thuật tác động đến quá trình truyền tín hiệu đau qua não bộ 

Cách giảm đau cho bệnh nhân ung thư trong trường hợp này là dùng liệu pháp giảm đau đặc biệt có liên quan đến việc tiêm thuốc vào dây thần kinh, tủy sống hoặc các mô quanh dây thần kinh để giúp tín hiệu đau gửi tới não bộ bị chặn lại.

2.3. Đôi điều lưu ý

Có một thực tế là nhiều bệnh nhân lo lắng rằng việc dùng thuốc giảm đau sẽ khiến mình bị nghiện và phụ thuộc. Các bác sĩ cho biết rằng, khi thuốc giảm đau được dùng với một liệu trình và liều lượng phù hợp thì nó sẽ không gây nghiện. Hãy yên tâm rằng các bác sĩ đã được đào tạo rất thận trọng đối với việc kê đơn thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư. Khi người bệnh đã bớt đau, bác sĩ sẽ cân nhắc về việc giảm dần liều lượng thuốc. Những trường hợp có tiền sử với thuốc phiện, rượu, cần thông báo với bác sĩ để có biện pháp phòng ngừa vấn đề liên quan.

Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc giảm đau cũng là vấn đề được bệnh nhân ung thư quan tâm. Không thể phủ nhận về việc thuốc giảm đau có gây ra tác dụng phụ nhưng không phải điều đó sẽ xảy ra với mọi bệnh nhân. 

Nếu người bệnh lo lắng về điều này, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ để tìm liệu pháp thay thế hoặc cách để hạn chế tác dụng phụ do thuốc gây ra. Trong quá trình áp dụng cách giảm đau cho bệnh nhân ung thư bằng thuốc nếu các tác dụng phụ không có chiều hướng suy giảm thì cần thông báo với bác sĩ để được xem xét thay đổi loại thuốc, liều lượng hoặc thời gian sử dụng.

Qua những chia sẻ về cách giảm đau cho bệnh nhân ung thư trên đây hy vọng có thể tháo gỡ được phần nào lo lắng của bạn đọc. Nếu còn băn khoăn gì về vấn đề này, đừng ngần ngại liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn và giải đáp cụ thể.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.