Tin tức

Mách mẹ 3 cách trị nấm miệng ở trẻ

Ngày 23/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Nấm miệng ở trẻ thường không nguy hiểm, tuy nhiên, dễ bị tái phát. Đó là lý do mẹ cần biết cách vệ sinh, chăm sóc cũng như trị nấm miệng cho trẻ để phòng ngừa nguy cơ bệnh quay trở lại, ảnh hưởng đến hoạt động ăn ngủ của bé.

1. Sơ lược nấm miệng ở trẻ

Nhiễm nấm Candida albicans trong khoang miệng là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh nấm miệng do sự phát triển quá mức của loại nấm này. Lúc này, lưỡi và niêm mạc miệng của trẻ xuất hiện những mảng màu trắng đục, khởi phát ở đầu lưỡi, sau đó lan rộng ra bề mặt trên của lưỡi hay thậm chí lan ra khắp khoang miệng.

Đa số các trường hợp nấm miệng ở trẻ là lành tính, không gây đau. Tuy nhiên, nếu để nấm miệng lan nhanh, lan rộng, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu khi bú, dẫn đến bỏ bú, quấy khóc. Nấm miệng cùng với các vi khuẩn trong miệng cũng có thể gây biến chứng viêm họng, viêm hô hấp, tiêu chảy,…

Trẻ bị nấm miệng với mảng màu trắng đục trên bề mặt lưỡi

Trẻ bị nấm miệng với mảng màu trắng đục trên bề mặt lưỡi 

2. Nguyên nhân trẻ bị nấm miệng

Như đã đề cập, sự tăng trưởng không kiểm soát của nấm Candida albicans trong khoang miệng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nấm miệng. Nguyên nhân có thể do việc vệ sinh răng miệng hàng ngày không đúng cách hoặc không đầy đủ, dễ gây nhiễm trùng cơ hội, cùng với các nguyên nhân khác như:

Lạm dụng kháng sinh

Kháng sinh mang lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh lý với nguyên nhân xuất phát bởi vi khuẩn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ. Theo đó, trẻ dưới 1 tuổi thường xuyên sử dụng kháng sinh sẽ làm mất cân bằng lợi khuẩn và suy giảm hệ miễn dịch. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các hại khuẩn, trong đó có nấm Candida albicans sinh sôi, phát triển, gây nấm miệng ở trẻ.

Sức đề kháng yếu

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dẫn đến sức đề kháng yếu hơn so với người lớn. Ngoài ra, những trẻ bị sinh non, nhẹ cân hoặc mắc các bệnh lý bẩm sinh, di truyền cũng có đề kháng kém hơn trẻ bình thường. Và những trẻ này thường dễ bị virus, vi khuẩn, nấm tấn công, gây bệnh, trong đó có nấm miệng.

Nhiễm nấm từ mẹ

Trẻ có thể bị nhiễm nấm Candida albicans từ mẹ. Cụ thể, những trẻ được sinh thường qua đường âm đạo hay những trẻ bú mẹ trực tiếp có nguy cơ cao bị nhiễm nấm dẫn đến nấm miệng nếu như mẹ bị nhiễm nấm Candida albicans trong khi mang thai và cho con bú.

Mẹ đang cho con bú bị nhiễm nấm Candida albicans có thể lây sang con

Mẹ đang cho con bú bị nhiễm nấm Candida albicans có thể lây sang con 

3. Cách trị nấm miệng ở trẻ

Phương pháp trị nấm miệng ở trẻ sẽ khác nhau đối với trẻ sơ sinh còn bú mẹ và trẻ lớn hơn.

Trong đó, đối với trẻ sơ sinh còn bú mẹ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng nấm dành cho trẻ em cùng với kem chống nấm vú cho mẹ để điều trị hiệu quả. Nếu bé dùng bình sữa, cha mẹ nên vệ sinh núm ti và bình sữa bằng dung dịch nước và giấm với tỉ lệ 1:1 mỗi ngày, sau đó phơi khô để ngăn ngừa sự phát triển của nấm.

Đối với trẻ lớn hơn bị nấm miệng, cha mẹ có thể cho trẻ ăn sữa chua không đường hoặc sử dụng viên nang acidophilus hoặc dạng lỏng, nhằm hỗ trợ giảm nhiễm trùng. Sữa chua và acidophilus không trực tiếp tiêu diệt nấm, nhưng chúng có thể hỗ trợ trong việc phục hồi và duy trì sự cân bằng của vi khuẩn có lợi trong cơ thể.

Nếu trẻ bị nấm miệng nặng, lan rộng, việc đi khám và dùng thuốc là cần thiết. Thông thường, bác sĩ sẽ kê thuốc Miconazole hoặc Nystatin để điều trị nấm miệng cho trẻ. Trong đó, Miconazole thoa trực tiếp lên các mảng trắng trong miệng để tiêu diệt nấm. Còn Nystatin được dùng bằng cách rơ niêm mạc lưỡi miệng.

Việc sử dụng thuốc nào tùy thuộc vào quá trình thăm khám của bác sĩ. Và mẹ cần chắc chắn việc tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc một cách chính xác để đảm bảo điều trị hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ.

Song song với dùng thuốc điều trị, cha mẹ cần chú ý đến cách vệ sinh miệng cho trẻ để tăng hiệu quả và phòng ngừa bệnh tái phát. Mẹ hãy sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh miệng cho bé. Với trẻ nhỏ, mẹ có thể dùng băng gạc hoặc bông gòn thấm nước muối rồi lau sạch lưỡi, nướu và miệng. Với trẻ lớn, mẹ hãy hướng dẫn trẻ dùng nước muối sinh lý để súc miệng, ít nhất 2 lần/ ngày.

Về chế độ dinh dưỡng, với những trẻ dễ bị nấm miệng hay các vấn đề về răng miệng, mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống của bé. Nên tránh cho bé ăn bánh kẹo, đồ ngọt hay thực phẩm chứa đường vì những thực phẩm này làm tăng sinh nấm và vi khuẩn gây nấm miệng, sâu răng. Thay vào đó, mẹ nên chú trọng đến một chế độ ăn cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất, nhằm tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Cha mẹ nên cho bé ăn đa dạng rau củ quả trong thực đơn

Cha mẹ nên cho bé ăn đa dạng rau củ quả trong thực đơn

4. Lưu ý khi trị và phòng nấm miệng cho trẻ

Khi thực hiện điều trị nấm miệng cho trẻ tại nhà, mẹ cần lưu ý:

  • Sử dụng thuốc đúng hướng dẫn. Thường các loại thuốc kháng nấm chỉ được dùng trong thời gian ngắn để tránh làm mất cân bằng hệ vi sinh trong cơ thể. Vì vậy, mẹ không được kéo dài thời gian dùng thuốc hơn chỉ định.
  • Chỉ dùng nước muối sinh lý để vệ sinh miệng cho trẻ, tránh dùng mật ong, lá rau ngót hay cây cỏ mực vì trong những thành phần này có thể chứa bào tử nấm, vi khuẩn, làm bệnh thêm nghiêm trọng.
  • Không nên dùng tay hay bất kỳ vật dụng nào để gỡ bỏ các mảng trắng trong miệng bé. Việc này không chỉ khiến bé đau, khó chịu mà còn làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng.
  • Khi bôi thuốc hay vệ sinh miệng cho bé, nên thực hiện trước khi bé ăn để bé không bị nôn trớ sữa hay thức ăn. Đối với trẻ sơ sinh, việc bôi thuốc dạng gel cần hết sức thận trọng để tránh thuốc làm tắc nghẽn cổ họng, ngạt thở.

Cho bé dùng thuốc theo toa của bác sĩ khi điều trị nấm miệng

Cho bé dùng thuốc theo toa của bác sĩ khi điều trị nấm miệng

Ngoài ra, để phòng nấm miệng ở trẻ tái phát, mẹ hãy thực hiện các biện pháp sau.

  • Cho trẻ uống đủ nước.
  • Chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ nhóm chất để nâng cao miễn dịch.
  • Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhanh, đồ ngọt, thực phẩm dễ gây dị ứng.
  • Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng, đủ bước và không cho tay vào miệng.
  • Dùng nguồn nước sạch để vệ sinh và nấu ăn cho trẻ. 
  • Đảm bảo không gian sống sạch sẽ, thoáng đãng.
  • Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh lây nhiễm bệnh.
  • Chủ động tiêm phòng đầy đủ vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 
  • Đặc biệt, mẹ cần chú ý đến sức khỏe của mình, nhất là trong giai đoạn đang cho con bú mẹ. 

Với những chia sẻ trên đây, chắc hẳn bạn đã biết được nấm miệng ở trẻ là gì, do đâu và làm thế nào để điều trị, phòng ngừa tái phát. Mọi nhu cầu kiểm tra sức khỏe và thăm khám bệnh lý cho bé yêu nhà mình, bạn hãy an tâm lựa chọn Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách có thể đăng ký lịch khám theo nhu cầu bằng cách gọi đến hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.