Tin tức
Máy sốc điện tim: phân loại, cấu tạo và những lưu ý cần biết
- 20/03/2021 | Nhận biết những triệu chứng sốc tim điển hình nhất
- 17/03/2021 | Sốc tim: triệu chứng và cách điều trị hiệu quả hiện nay
- 19/08/2021 | Sốc tim: triệu chứng, nguyên nhân và cách xử trí đúng
1. Sốc tim là gì?
Sốc tim (hay còn được gọi là sốc tim mạch) là tình trạng xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng các nhu cầu của cơ thể. Điều này dẫn đến sự thiếu oxy và dưỡng chất cho các cơ quan trong cơ thể, gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Sốc tim là tình trạng xảy ra khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng các nhu cầu của cơ thể
Nguyên nhân phổ biến của sốc tim, bao gồm:
- Nhồi máu cơ tim: Xảy ra khi một số động mạch cung cấp máu giàu oxy cho tim bị nghẹn tắc;
- Rối loạn nhịp tim nghiêm trọng: Nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim;
- Bệnh tim nặng: Các bệnh lý nghiêm trọng của tim mạch như bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại;
- Viêm cơ tim: Tình trạng nhiễm trùng gây tổn thương, viêm nhiễm cơ tim;
Bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi và những người mắc các bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch, người có tiền sử mắc nhồi máu cơ tim... Khi bị sốc tim các bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như thở nhanh, thở dốc, nhịp tim nhanh, mất ý thức, đổ mồ hôi, lạnh bàn tay và chân... Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới đột quỵ, ngừng tim, tổn thương các cơ quan não, gan, thận, thậm chí là tử vong.
Vì vậy, sốc tim luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm không thể lường trước được, việc can thiệp các biện pháp y tế và có những phương pháp điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
2. Thông tin tổng quan về máy sốc điện tim
Máy sốc điện tim là một thiết bị y tế được sử dụng trong thủ thuật sốc điện. Đây là một thủ thuật đơn giản, nguyên lý hoạt động là dùng năng lượng điện có điện thế lớn giúp ngăn chặn các tình trạng rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, rung thất, nhịp tim nhanh… giúp cho tim đập lại bình thường.
Máy sốc điện tim là thiết bị được sử dụng để thực hiện thủ thuật sốc điện
Máy sốc điện tim thường được thiết kế gồm các bộ phận chính sau đây:
- Bộ phận tạo xung điện: Một tụ điện tích điện từ dòng điện xoay chiều có khả năng phóng ra dòng điện theo yêu cầu;
- Bản sốc điện: Tùy vào vị trí sốc ngoài lồng ngực hay bên trong sẽ có kích cỡ khác nhau;
- Dây điện cực có từ 3 đến 5 cực;
- Màn hình giúp hiển thị các thông số kỹ thuật như thông tin sóng điện, nhịp tim của bệnh nhân;
- Nút chọn cách thức sốc điện đồng bộ;
- Nút chọn mức năng lượng điện;
- Nút nạp điện;
- Nút phóng điện.
Dựa trên các ứng dụng và đối tượng sử dụng khác nhau, máy sốc điện tim được chia làm 3 loại chính, cụ thể như sau:
- Máy sốc điện ngoài tự động: Máy giúp tự động phân tích nhịp tim của bệnh nhân và chẩn đoán xem có cần sốc điện hay không. Máy thường được đặt ở nơi công cộng, nhiều người qua lại, có hướng dẫn sử dụng đơn giản bằng giọng nói hoặc màn hình hiển thị, được thiết kế để người ngoài chuyên môn y tế cũng có thể sử dụng trong các tình huống khẩn cấp;
- Máy sốc điện ngoài thủ công: Loại máy này yêu cầu người sử dụng phải có chuyên môn y tế, thường là các bác sĩ, y tá, nhân viên cấp cứu, được sử dụng chủ yếu trong các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám và xe cứu thương;
- Máy sốc điện trong: Là một thiết bị nhỏ được cấy dưới da (chủ yếu ở vùng ngực) giúp theo dõi nhịp tim và tự động sốc điện khi phát hiện ra nhịp tim bất thường. Máy được cấy ghép cho những người có nguy cơ cao bị ngừng tim đột ngột và rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, bảo vệ bệnh nhân 24/24 mà không cần can thiệp từ bên ngoài.
Có nhiều loại máy sốc điện tim với vai trò và ứng dụng khác nhau
Các loại máy sốc điện này đều có vai trò quan trọng trong việc khôi phục lại nhịp tim bình thường, hỗ trợ cứu sống người bệnh bị ngừng tim đột ngột.
3. Những lưu ý quan trọng về liệu pháp sốc điện
Khi sử dụng máy sốc điện tim cần quan tâm một số những lưu ý quan trọng sau đây để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình thực hiện:
- Chỉ sử dụng máy sốc điện tim khi đã có kiến thức được đào tạo và hướng dẫn bởi các chuyên gia y tế;
- Kiểm tra các bộ phận của máy sốc điện tim trước khi sử dụng, đảm bảo máy hoạt động một cách bình thường;
- Lựa chọn mức năng lượng điện phù hợp với cơ thể của bệnh nhân;
- Đặt đúng vị trí điện cực của máy sốc điện trên ngực của bệnh nhân;
- Sốc điện đúng cách, lựa chọn các sốc điện phù hợp với tình trạng của bệnh nhân;
- Tránh các vật kim loại tiếp xúc với điện cực vì chúng có thể dẫn điện và gây nguy hiểm;
- Đảm bảo cơ thể bệnh nhân và môi trường xung quanh khô ráo;
- Không chạm vào bệnh nhân trong quá trình máy phân tích nhịp và ấn nút sốc điện, điều này có thể ảnh hưởng tới kết quả phân tích và có nguy cơ bị điện giật;
- Không sử dụng cho trẻ sơ sinh, một số máy sốc điện không phù hợp sử dụng cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
Lưu ý các nguyên tắc an toàn khi sử dụng máy sốc điện tim
Trên đây là những thông tin chi tiết và cập nhật về máy sốc điện tim, bao gồm cấu tạo, nguyên lý hoạt động, phân loại và nguyên tắc an toàn trong quá trình sử dụng. Khi gặp tình trạng sốc tim hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được hỗ trợ và xử trí kịp thời.
Người dân có nhu cầu tư vấn sức khỏe hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ thăm khám, điều trị tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, vui lòng liên hệ đến hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!