Tin tức

Nhận biết những triệu chứng sốc tim điển hình nhất

Ngày 19/03/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Sốc tim mặc dù không thường gặp như các triệu chứng tim mạch khác song lại vô cùng nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao chủ yếu do can thiệp y tế không kịp thời. Không nhiều người hiểu rõ về triệu chứng sốc tim cũng như xử lý đúng cách khi bản thân hoặc người thân gặp phải tình trạng này.

1. Sốc tim là gì?

Trong y học, sốc tim được định nghĩa là tình trạng giảm tưới máu trầm trọng tại cơ quan và tổ chức trong cơ thể do giảm cung lượng tim. Sốc tim là tình trạng cấp tính vô cùng nguy hiểm, tỉ lệ tử vong và biến chứng cao. Bệnh nhân nếu được can thiệp y tế ngay lập tức, tỷ lệ sống sót khoảng 50%, những bệnh nhân sống sót cũng thường gặp biến chứng sức khỏe.

Nhận diện sớm triệu chứng sốc tim giúp can thiệp điều trị hiệu quả

Nhận diện sớm triệu chứng sốc tim giúp can thiệp điều trị hiệu quả

Thực tế, đến 80% bệnh nhân sốc tim xuất phát từ nhồi máu cơ tim cấp, có tổn thương nhiều nhánh mạch vành. Vẫn có trường hợp sốc tim xảy ra ở bệnh nhân suy tim cấp song tỉ lệ chỉ chiếm khoảng 4%.

Cụ thể, các nguyên nhân khác thường dẫn tới sốc tim bao gồm: 

  • Suy thất cấp (nhồi máu cơ tim).

  • Suy thất phải cấp.

  • Các biến cố cơ học như hở van 2 lá do đứng dây chằng, cột cơ, thủng vách liên thất, vỡ thành tự do, ép tim cấp.

  • Các rối loạn có thể đi kèm như nhiễm khuẩn huyết, chảy máu, rối loạn nhịp tim, rối loạn điện giải.

Ngoài những nguyên nhân chính trên, có thể có các nguyên nhân ít gặp khác.

Sốc tim thường xảy ra ở bệnh nhân có bệnh lý tim nền hoặc ở các đối tượng có yếu tố nguy cơ như: người cao tuổi, từng bị đau tim hoặc suy tim kể cả cấp tính, bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc mắc bệnh mạch vành.

Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch có nguy cơ sốc tim cao hơn

Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch có nguy cơ sốc tim cao hơn

Trước khi sốc tim xảy ra ở bệnh nhân có bệnh lý tim mạch trước đó thường có triệu chứng đau tức ngực. Vì thế nhận diện tình trạng đau tức ngực và theo dõi, loại bỏ nguy cơ có thể giúp đối tượng nguy cơ cao này phòng ngừa sốc tim xảy ra.

2. Triệu chứng sốc tim như thế nào?

Sốc tim xảy ra đột ngột, triệu chứng cũng rất rõ ràng nhưng chuyển biến nặng nhanh chóng, vì thế nhận biết và cấp cứu cho bệnh nhân sốc tim cần thực hiện càng nhanh càng tốt. Cụ thể, khi cơn sốc tim xảy ra, tùy vào nguyên nhân mà bệnh nhân sẽ có biểu hiện khác nhau như:

  • Khó thở, thở nhanh, khò khè.

  • Mặt và các đầu chi tím tái.

  • Nhiệt độ cơ thể giảm sâu, da lạnh, người lạnh.

  • Vã mồ hôi đi kèm với cơn đau tức ngực, mất sức toàn thân.

  • Trên da xuất hiện những mảng thâm tím bất thường, nếu ấn vào mảng thâm tím sẽ nhạt đi nhưng dần trở về như cũ.

  • Nhịp tim nhanh, giảm CO2, sau đó kéo theo tình trạng thở nhanh, thở nông.

  • Có suy thận và tăng thể tích máu.

  • Ứ huyết phổi, tăng áp lực đổ đầy thất trái.

  • Sốc do tim đi kèm với phù phổi cấp hoặc nổi tĩnh mạch cổ.

  • Huyết áp thấp với huyết áp tâm thu < 80 mmHg, nếu dùng thuốc có mạch, huyết áp tâm thu < 90 mmHg trở lên trong trên 30 phút.

Bệnh nhân sốc tim có thể xuất hiện vết thâm tím bất thường trên da

Bệnh nhân sốc tim có thể xuất hiện vết thâm tím bất thường trên da

Người bệnh có bệnh lý tim mạch hoặc cơn đau tức ngực trước đó cần nhận biết sớm sốc tim và có thể sử dụng thuốc được chỉ định để giảm tạm thời triệu chứng bệnh.

3. Cần làm gì nếu có triệu chứng sốc tim?

Bệnh nhân có biểu hiện sốc tim cần xác định càng nhanh chóng càng tốt tình trạng sốc tim này, loại trừ các nguyên nhân gây triệu chứng tương tự như: huyết áp thấp, sốc, thiếu máu, nhiễm trùng toàn thân,… Bệnh nhân cần được thông báo về tình trạng với bác sĩ cấp cứu để được can thiệp duy trì khả năng sinh tồn.

Nguyên tắc điều trị:

  • Cấp cứu theo thứ tự ABC.

  • Tìm và điều trị theo nguyên nhân gây sốc tim.

  • Oxy liệu pháp và thông khí nhân tạo nếu cần.

  • Đặt đường truyền tĩnh mạch.

  • Catheter tĩnh mạch trung tâm.

  • Điều chỉnh thăng bằng kiềm toan thuốc vận mạch.

  • Điều trị can thiệp theo từng nguyên nhân.

Cụ thể:

3.1. Theo dõi dấu hiệu sinh tồn

Bệnh nhân sốc tim phải duy trì theo dõi dấu hiệu sinh tồn để kịp thời xử lý bằng:

  • Thiết lập đường truyền tĩnh mạch để truyền dịch, thuốc cho bệnh nhân sốc tim.

  • Cung cấp oxy, nếu bệnh nhân không thể tự thở qua đường mũi, có dấu hiệu suy hô hấp nặng hoặc rối loạn nhịp thở thì cần cho thở máy, đặt nội khí quản hỗ trợ thở.

  • Theo dõi bão hòa oxy động mạch.

  • Đảm bảo thể tích toàn hoàn dựa trên theo dõi áp lực nhĩ phải.

  • Theo dõi lượng nước tiểu tiết ra.

  • Theo dõi huyết động để điều chỉnh, can thiệp kịp thời.

  • Kiểm soát rối loạn kiềm toan và điện giải.

Bệnh nhân sốc tim cần được hỗ trợ thở oxy

Bệnh nhân sốc tim cần được hỗ trợ thở oxy

3.2. Dùng thuốc can thiệp

Thuốc vận mạch thường được sử dụng khẩn cấp cho bệnh nhân sốc tim để duy trì sự sống, giảm tình trạng cản trở lưu thông máu hoặc nguy cơ biến chứng.

  • Thuốc vận mạch: thường dùng như Noradrenalin, Dobutamin,…

  • Thuốc giãn mạch: Thường dùng Nitroglycerin dạng truyền tĩnh mạch.

  • Thuốc trợ tim: dùng Digitalis (không dùng cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp mà chỉ dùng cho suy tim do bệnh van tim hoặc kèm rung nhĩ nhanh), thuốc tăng sức co bóp cơ tim như Amrinone, Milrinone,…

  • Thuốc lợi tiểu: thường dùng Bumetanide và Furosemid đường tiêm tĩnh mạch.

3.3. Hỗ trợ cơ học tuần hoàn

Các phương pháp can thiệp có thể sử dụng như máy sốc tim, máy tim phổi nhân tạo, bơm bóng ngược dòng động mạch chủ,…

3.4. Điều trị nguyên nhân

Cần xác định và điều trị sốc tim từ nguyên nhân để tránh tái phát hoặc bệnh lý tiến triển nghiêm trọng hơn. Nếu do hẹp tắc lòng mạch, các biện pháp tái tưới máu như dùng thuốc tiêu huyết khối, mổ làm cầu nối chủ vành, can thiệp động mạch vành là cần thiết. Nếu do nguyên nhân khác, cần điều trị tích cực theo nguyên nhân gây bệnh.

 Điều trị từ nguyên nhân mới ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ sốc tim

 Điều trị từ nguyên nhân mới ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ sốc tim

Bệnh nhân có triệu chứng sốc tim cần được cấp cứu can thiệp càng sớm càng tốt mới có thể giữ được tính mạng cũng như hạn chế tối đa biến chứng tới sức khỏe. Cung cấp đầy đủ thông tin về triệu chứng, dấu hiệu và bệnh sử liên quan để bác sĩ dễ dàng chẩn đoán tìm nguyên nhân.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.