Tin tức

Mẹ bầu ăn vải được không và những lưu ý từ bác sĩ

Ngày 14/07/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Vấn đề “mẹ bầu ăn vải được không” đang được rất nhiều mẹ bầu quan tâm. Nhiều người hoàn toàn ủng hộ mẹ bầu ăn vải nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng mẹ bầu nên tránh xa loại quả này để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Vậy ý kiến nào là đúng. Hãy cùng theo dõi những phân tích từ chuyên gia trong bài viết dưới đây. 

1. Giải đáp thắc mắc mẹ bầu ăn vải được không?

1.1. Nhiều mẹ bầu lo ngại khi ăn vải

Trong số loại trái cây vào mùa hè, vải là một loại hoa quả được rất nhiều người yêu thích. Nguyên nhân là bởi loại quả này có hương vị thơm ngọt, dễ ăn và giá thành tương đối rẻ.

Điều quan trọng hơn là trong quả vải có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là các loại vitamin, khoáng chất và một số hợp chất chống oxy hóa. Thế nhưng nhiều mẹ bầu vẫn rất e ngại về việc bổ sung vải vào chế độ ăn mỗi ngày.

Vải có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, rất tốt cho mẹ bầu

Vải có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, rất tốt cho mẹ bầu

Chị H.T.L (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang mang thai tháng thứ 2 cho biết: “Tôi rất thích ăn vải, thậm chí nghiện vải. Nhưng vì đang mang bầu nên mùa hè năm nay, tôi không dám ăn một quả nào. Các chị cùng cơ quan đều khuyên tôi rằng ăn vải không tốt cho mẹ bầu. Không biết có chính xác hay không nhưng tôi vẫn cố “bóp mồm, bóp miệng”. Tôi nghĩ có kiêng, có lành”.

Ngược lại với ý kiến của chị H.T.L, nhiều mẹ bầu lại chia sẻ trên mạng xã hội rằng họ vẫn ăn vải và chỉ giảm lượng đi, hoàn toàn không kiêng loại quả này. Mẹ bầu này còn cho biết, nhiều người xung quanh cũng ăn vải khi mang thai và cuối cùng vẫn đảm bảo có một thai kỳ an toàn và sinh con khỏe mạnh.

Chính những luồng ý kiến khác nhau như vậy đã khiến cho rất nhiều mẹ bầu hoang mang về vấn đề “mẹ bầu ăn vải được không”.

1.2. Phân tích từ chuyên gia

Chế độ ăn của mẹ bầu là một vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ nên ăn nhiều trái cây và rau củ vì những thực phẩm này không phải trải qua chế biến mà còn có chứa vitamin và khoáng chất, cung cấp nhiều chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón của mẹ bầu.

Mẹ bầu không nên ăn nhiều vải cùng một lúc

Mẹ bầu không nên ăn nhiều vải cùng một lúc

Phụ nữ có thai nên ăn đa dạng các loại quả. Đối với quả vải, đây là loại quả có chứa nhiều vitamin như vitamin A, C, B, E,… và nhiều loại khoáng chất như Kali, sắt, canxi, kẽm,… cùng với nhiều hợp chất khác, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của vải là có quá nhiều đường nên những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ hoặc đang gặp vấn đề về rối loạn dung nạp đường huyết, hay đang có xu hướng tăng cân quá nhanh thì không nên ăn vải hoặc chỉ nên ăn rất ít. Nếu ăn loại quả này quá nhiều, thì chỉ sau 2 tiếng, chỉ số đường huyết của mẹ bầu sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp mẹ bầu có sức khỏe bình thường, chị em hoàn toàn có thể yên tâm ăn vải. Một lưu ý quan trọng là chỉ nên ăn với lượng vừa phải. Cụ thể, mỗi mẹ bầu không mắc bệnh tiểu đường thai kỳ chỉ nên ăn khoảng 8 quả vải mỗi ngày, đồng thời cần chia ra thành nhiều bữa. Không nên ăn dồn cùng lúc.

Bên cạnh đó, có một vấn đề là rất nhiều gia đình đang có thói quen ăn hoa quả sau bữa chính. Đây là một thói quen có thể không tốt cho sức khỏe. Các chuyên gia cho rằng, nên ăn trái cây trước các bữa chính trong ngày. Chất xơ mà các thực phẩm này cung cấp sẽ có tác dụng giảm hấp thu đường đơn từ các món ăn trong bữa chính. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên ăn trái cây trực tiếp để nhận được lượng chất xơ tối đa từ loại thực phẩm này.

Đối với những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, tăng cân nhiều, mang đa thai, có hiện tượng dư ối,… thì nên thận trọng và quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Tốt nhất, nên theo dõi sức khỏe sau mỗi bữa ăn bằng cách kiểm tra đường huyết. Qua đó, mẹ bầu có thể điều chỉnh để có một chế độ ăn phù hợp nhất.

2. Một số loại quả mẹ bầu không nên ăn

Trong chế độ ăn uống, mẹ bầu cũng cần lưu ý với một số loại thực phẩm dưới đây:

- Dứa có nguy cơ gây kích thích cơn co tử cung và làm tăng nguy cơ sảy thai:

Dứa là loại quả rất thơm ngon. Tuy nhiên, trong dứa lại có chứa chất bromelain, có nguy cơ làm mềm tử cung, kích thích co thắt tử cung. Vì thế, nếu ăn quá nhiều dứa khi mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu, có thể tăng nguy cơ sảy thai. Hơn nữa, nếu không gọt dứa sạch hết mắt dứa, có thể gây ngộ độc.

Đu đủ xanh không tốt cho mẹ bầu và thai nhi

Đu đủ xanh không tốt cho mẹ bầu và thai nhi

- Đu đủ xanh tăng nguy cơ sảy thai: Nếu như đu đủ chín rất tốt cho mẹ bầu và thai nhi thì đu đủ xanh lại hoàn toàn ngược lại. Trong quả đu đủ xanh hoặc chưa chín hẳn có chứa một số loại enzyme có thể gây co thắt tử cung và làm tăng nguy cơ sảy thai.

- Quả đào dễ gây dị ứng, ngứa

Loại quả này có tính nóng và còn có nhiều lông nên rất dễ gây dị ứng và rát họng. Hơn nữa một số chất trong đào có thể gây co thắt tử cung, nên mẹ bầu cũng không nên lựa chọn loại quả này.

Mẹ bầu ăn đào dễ bị dị ứng

Mẹ bầu ăn đào dễ bị dị ứng

- Táo mèo kích thích co bóp tử cung

Mẹ bầu cũng không nên tiêu thụ loại quả này vì nó có chứa một số chất làm tăng co bóp tử cung, dẫn đến tăng nguy cơ sinh non hoặc sảy thai.

- Không nên ăn chuối tiêu khi đói

Trong chuối tiêu có chứa nhiều magiê. Nếu đang đói, mẹ bầu không nên ăn chuối vì nó có thể gây mất cân bằng magiê và tác động không tốt đến hệ tim mạch.

Để được tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc bà bầu, cũng như đặt lịch thăm khám thai kỳ, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, các tổng đài viên của bệnh viện luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.