Tin tức

Mẹ bầu cần làm gì khi mang thai 2 tháng bị sốt?

Ngày 04/10/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Sốt là hiện tượng hầu như ai cũng từng trải qua, điều này khá là bình thường. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai thì cần phải hết sức thận trọng vì các triệu chứng của sốt có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi trong bụng, đặc biệt là khi mẹ mới đang ở những tháng đầu của thai kỳ. Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn các mẹ bầu những việc cần làm khi mang thai 2 tháng bị sốt.

1. Mẹ bầu bị sốt khi nào?

Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng sốt như do nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,.... tấn công cơ thể qua đường hô hấp, đường máu và đường tiêu hoá. Sốt cũng được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Cụ thể là:

  • Sốt từ 37,5  - 38 độ C: sốt nhẹ, thai nhi ít bị ảnh hưởng.

  • Sốt từ 38 độ C trở lên: sốt nặng. Nếu tình trạng này kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm sẽ gây nguy hiểm tới thai nhi. Vì thế mẹ bầu không được chủ quan, nếu phát hiện ra tình trạng sốt cao cần đi khám ngay để được điều trị đúng cách, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm sau này.

2. Phân tích các nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai 2 tháng bị sốt

2.1. Sốt do nhiễm virus

Virus có thể khiến cho mẹ bầu sốt từ 38 độ C trở lên. Điều này sẽ khiến cho cơ thể bị mất nước, mệt mỏi rã rời, mất sức. Khi sốt cao, mẹ bầu cần tới khám tại bệnh viện và áp dụng những biện pháp hạ sốt ngay lập tức.

2.2. Bị bệnh cúm

Bà bầu khi bị cúm thường có các biểu hiện như: sốt, hắt hơi, sổ mũi, chán ăn, mệt mỏi, mất sức làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của thai nhi trong bụng mẹ.

Mang thai 2 tháng bị sốt

Nếu bị sốt cao trên 38 độ C kèm cảm giác buồn nôn, ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, mẹ bầu cần được điều trị tại bệnh viện

2.3 Viêm ruột thừa

Ruột thừa là một phần của hệ tiêu hoá, nằm ở vị trí bên phải bụng và thông với ruột già. Bà bầu bị viêm ruột thừa thường có triệu chứng: sốt, đau vùng hố chậu phải. Đi khám có thể phát  hiện rối loạn đại tiểu tiện. Khi xuất hiện dấu hiệu đau ruột thừa, mẹ bầu phải đi khám và điều trị ngay.

2.4. Viêm phổi

Đối với người bình thường khi bị mắc viêm phổi có thể được điều trị khỏi sau khoảng từ 2 - 3 tuần. Tuy nhiên đối với bà bầu diễn biến của viêm phổi và phác đồ điều trị sẽ phức tạp hơn do mức độ bệnh ở bà bầu thường nặng hơn và không phải loại thuốc nào bà bầu cũng sử dụng được vì có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. 

Các dấu hiệu nhận biết bà bầu bị viêm phổi: sốt, ho có đờm đục và bị đau ngực khi ho. Nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn qua đường hô hấp trên. Vì thế mẹ bầu cần chú ý giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh các tác nhân gây bệnh.

2.5. Viêm đường hô hấp trên 

Vi khuẩn và virus rất dễ tấn công và gây viêm đường hô hấp trên, biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau. Khi bị viêm đường hô hấp trên, phụ nữ mang thai thường bị sốt, thân nhiệt lúc nóng, lúc lạnh thất thường. Nếu đã tích cực hạ sốt bằng chườm ấm hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng không hiệu quả, mẹ bầu phải theo dõi tại cơ sở y tế.

2.6. Mắc bệnh viêm gan B

Đây là bệnh truyền nhiễm từ người sang người do virus HBV gây ra. Những phụ nữ mang thai bị mắc viêm gan B sẽ có hệ miễn dịch yếu hơn so với người bình thường. Cũng giống như các nguyên nhân gây hiện tượng sốt kể trên, nếu mẹ bầu gặp thêm các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi toàn thân thì cần đi kiểm tra sớm, nếu không tình trạng này sẽ dẫn đến thiếu máu và thiếu hụt dinh dưỡng cho thai nhi.

2.7. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu khá phổ biến ở những phụ nữ đang mang thai. Các dấu hiệu đặc trưng: 

  • Nhiễm trùng đường niệu gây nên hiện tượng sốt ở người mẹ.

  • Tiểu buốt, tiểu rắt, luôn cảm thấy buồn tiểu nhưng không tiểu được.

  • Buồn nôn hoặc nôn, chán ăn mệt mỏi.

  • Nước tiểu còn có màu đục và có thể lẫn máu. 

Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu khá phổ biến ở những phụ nữ đang mang thai

Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu khá phổ biến ở những phụ nữ đang mang thai

Lý do là vì sự gia tăng khối lượng cơ tử cung khi mang thai khiến đường tiết niệu bị chèn ép và ứ đọng nước tiểu. Từ đây nước tiểu hay bị trào ngược lên bàng quang, tạo cơ hội để chúng sinh sôi và gây bệnh. 

Nếu phát hiện ra những bất thường mẹ bầu cần đi thăm khám và được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra để phòng tránh nhiễm trùng đường tiết niệu, các mẹ cần lưu ý bổ sung nước đầy đủ hàng ngày, xét nghiệm nước tiểu theo lịch khám thai định kỳ, giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ và không nhịn tiểu. 

3. Mang thai 2 tháng bị sốt có nguy hiểm không? 

Nếu mẹ bầu sốt cao trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai nhi có nguy cơ rất cao phải đối mặt với biến chứng như: suy thai dẫn tới sảy thai, dị tật bẩm sinh thai, thai chết lưu,... bên cạnh đó, mức độ nguy hiểm do sốt gây nên còn phụ thuộc vào nguyên nhân dẫn tới sốt, cụ thể là:

  • Do nhiễm khuẩn: điều này rất dễ dẫn tới nhiễm trùng ối, sảy thai, thai chết lưu;

  • Do virus: sốt do virus thường gặp là do rubella, cúm, toxoplasma, CMV,... Hậu quả là khiến mẹ bầu sảy thai, thai bị dị tật bẩm sinh, thậm chí chết lưu. 

4. Phụ nữ mang thai 2 tháng bị sốt cần được chăm sóc ra sao? 

4.1. Chế độ dinh dưỡng 

  • Mẹ bầu nên ăn các loại rau củ quả chứa nhiều Vitamin C: bưởi, cam, táo, kiwi, nho, dâu tây, giá  đỗ, súp lơ, rau cải ngọt,... và bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin khác trong bữa ăn hàng ngày.

  • Kiêng đồ lạnh, đồ tanh, nộm gỏi, đồ tái sống, các loại hải sản ướp lạnh.

  • Không ăn đồ cay nóng và chiên rán. Tốt hơn hết mẹ bầu nên ăn đồ hấp luộc kèm theo trái cây tươi.

  • Uống nhiều nước và sữa ấm.

  • Ăn các món cháo, súp dễ tiêu: cháo sườn băm, cháo chân giò, cháo gà,...

4.2. Vệ sinh cơ thể 

Khi bị sốt, mẹ bầu có thể làm sạch cơ thể bằng cách lau người bằng nước ấm, hoặc tắm nhanh bằng nước ấm và lau người thật khô trước khi mặc quần áo. 

Nếu sốt nhưng kèm theo ớn lạnh thì tốt hơn hết là không nên tắm mà hãy dùng khăn thấm nước ấm để lau nách, trán, người để cơ thể dễ chịu và dịu cơn sốt.

4.3. Chế độ sinh hoạt

Mẹ bầu khi bị sốt cần được nghỉ ngơi, thư giãn, không nên làm việc khiến triệu chứng sốt càng nặng thêm. Các mẹ có thể tham khảo những cách dưới đây để hạ sốt và cảm thấy thoải mái hơn

  • Mặc quần áo rộng rãi để thoáng khí, không bó sát cơ thể.

  • Nghỉ ngơi ở nơi mát mẻ, thông thoáng: nếu trời quá nóng có thể sử dụng điều hoà kết  hợp quạt gió.

  • Hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Đi khám bệnh tại cơ sở y tế uy tín.

Mẹ bầu cần bổ sung nhiều nước, bao gồm cả nước lọc và nước trái cây khi bị sốt

Mẹ bầu cần bổ sung nhiều nước, bao gồm cả nước lọc và nước trái cây khi bị sốt

Trên đây là những lưu ý mẹ bầu mang thai 2 tháng bị sốt có thể tham khảo và áp dụng. Bên cạnh đó, nếu chị em phụ nữ có bất kỳ băn khoăn nào liên quan đến sức khỏe thai kỳ hoặc các vấn đề bệnh lý khác, hãy nhanh chóng liên hệ tới tổng đài 1900565656 của BVĐK MEDLATEC để được tư vấn viên hỗ trợ tư vấn các gói khám phù hợp các mẹ nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.