Tin tức

Mổ sỏi thận nội soi: Những ai nên thực hiện? Cần lưu ý điều gì?

Ngày 17/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Mổ sỏi thận bằng phương pháp nội soi được nhiều người bệnh quan tâm và lựa chọn vì ít xâm lấn, hạn chế nguy cơ chảy máu và nhanh hồi phục sau mổ. Vậy những ai nên áp dụng phương pháp điều trị này và cần lưu ý gì sau phẫu thuật?

1. Triệu chứng và nguyên nhân gây sỏi thận 

Trước khi tìm hiểu sâu hơn về quy trình mổ sỏi thận bằng phương pháp nội soi, mời bạn cùng tìm hiểu một số triệu chứng và nguyên nhân phổ biến gây sỏi thận. 

Khi một số chất có nồng độ cao trong nước tiểu tạo thành tinh thể rắn sẽ hình thành nên sỏi thận. Có nhiều loại sỏi thận nhưng loại sỏi phổ biến nhất là tình trạng tinh thể canxi kết hợp với oxalat hay phosphat. 

Khi sỏi thận, bệnh nhân thường gặp phải một số dấu hiệu như sau: 

- Đau vùng thắt lưng, có những cơn đau quặn, đau lan xuống bộ phận sinh dục. 

Những cơn đau quặn có thể do sỏi thận gây ra

                                                                   Những cơn đau quặn có thể do sỏi thận gây ra

- Có lẫn máu trong nước tiểu. 

- Nước tiểu đục hơn, đổi màu và có mùi hôi. 

- Sốt. 

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân có sỏi thận nhưng lại không có triệu chứng bất thường và chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ. 

Sỏi thận có thể do một số nguyên nhân cơ bản như sau: 

- Thói quen ăn uống: Ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ và uống ít nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh sỏi thận. Khi bạn có thói quen ăn quá mặn hoặc ăn những thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều dầu mỡ, thận sẽ phải làm việc quá sức. Cùng với thói quen uống ít nước thì bạn có nguy cơ rất cao mắc bệnh sỏi thận.

Nhịn tiểu có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận

Nhịn tiểu có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận

- Thói quen sinh hoạt không khoa học như bỏ bữa sáng, thường xuyên thức khuya và nhịn tiểu,... có thể khiến thận không thể bài tiết nước tiểu và chất độc hại ra khỏi cơ thể. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nhiều cơ quan khác trong cơ thể. 

- Thói quen chăm sóc sức khỏe chẳng hạn như tự ý dùng thuốc kháng sinh mà chưa có chỉ định của bác sĩ, lạm dụng thuốc điều trị,...

2. Khi nào cần mổ sỏi thận bằng phương pháp nội soi?

Không phải tất cả những trường hợp sỏi thận đều phải mổ. Nếu kích thước sỏi nhỏ, các bác sĩ sẽ ưu tiên cho người bệnh dùng thuốc và kết hợp với việc thay đổi thói quen sống, chế độ ăn để sỏi có thể được đẩy ra ngoài thông qua đường tiểu. 

Tuy nhiên, nếu kích thước sỏi lớn sẽ rất khó để đào thải ra bên ngoài và có thể gây tổn thương cho các cơ quan đường tiết niệu khi sỏi di chuyển. Do đó, những trường hợp này cần can thiệp mổ lấy sỏi. Sau khi thăm khám và chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp mổ phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể. 

Mổ nội soi là phương pháp can thiệp lấy sỏi trong thận thông qua một đường rạch rất nhỏ trên da. Các phương pháp nội soi sỏi thận bao gồm:

- Phương pháp nội soi lấy sỏi thận qua da. 

- Phương pháp nội soi tán sỏi bằng ống soi cứng. 

- Nội soi tán sỏi bằng ống soi mềm.

Ưu điểm của phương pháp này là tỷ lệ sạch sỏi cao, xâm lấn tối thiểu, ít gây đau, phòng ngừa nguy cơ chảy máu, chăm sóc sau mổ dễ dàng và thời gian phục hồi nhanh chóng,...

Người bệnh sỏi thận được mổ nội soi sẽ nhanh phục hồi hơn

Người bệnh sỏi thận được nội soi sẽ nhanh phục hồi hơn

Tuy rằng, phương pháp này có nhiều ưu điểm và đảm bảo an toàn cho người sử dụng nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể áp dụng phương pháp này. Những trường hợp thường được chỉ định mổ sỏi thận bằng phương pháp nội soi bao gồm:

- Trường hợp bệnh nhân bị sỏi thận và xuất hiện triệu chứng như đau lưng âm ỉ kéo dài, đau quặn thận, tiểu ra máu, tiểu buốt, sốt, hay tái phát nhiễm trùng đường tiểu,...

- Kích thước sỏi thận từ 10 đến 20mm và có gây triệu chứng. 

- Sỏi thận kích thước lớn hơn 20 mm.

Những trường hợp gặp phải biến chứng cấp sỏi thận cấp tính không phù hợp với phương pháp mổ nội soi mà người bệnh cần được đặt thông niệu quản, mổ mở để lấy sỏi sớm để đảm bảo an toàn cho người bệnh. 

3. Mổ sỏi thận bằng phương pháp nội soi cần lưu ý những gì?

Sau khi mổ sỏi thận bằng phương pháp nội soi, người bệnh có thể cần được theo dõi tại viện trong khoảng 3 ngày. Vết thương mổ cần 10 đến 14 ngày để có thể phục hồi hoàn toàn. Sau từ 2 đến 4 tuần, bệnh nhân có thể phục hồi trở lại và hoạt động bình thường. 

Mổ sỏi thận cũng tồn tại một số nguy cơ rủi ro như chảy máu hay nhiễm trùng vết mổ, tụ máu trong ổ bụng, viêm phúc mạc, sang chấn những cơ quan lân cận như các mạch máu lớn, gan, thận, tụy,... Do đó, sau khi mổ, nếu có biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế để các bác sĩ xử trí sớm. 

Dưới đây là một số lưu ý dành cho bệnh nhân sau mổ sỏi thận:

- Tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ sau khi phẫu thuật, bao gồm việc dùng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau,... Những lưu ý của bác sĩ rất quan trọng và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi vết thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Người bệnh sỏi thận cần uống thuốc đúng liều lượng

Người bệnh sỏi thận cần uống thuốc đúng liều lượng

- Khi đi tiểu lần đầu tiên sau mổ, người bệnh thường có cảm giác đau nhói. Do đó, nên uống nhiều nước để việc đào thải nước tiểu và vụn sỏi dễ dàng hơn. 

- Khi hoạt động trở lại sau phẫu thuật, bạn cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hạn chế gặp phải nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật. 

- Người bệnh cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề ăn uống sau phẫu thuật. Tốt nhất nên ăn thức ăn dạng lỏng, mềm, ưu tiên lựa chọn những món ăn dễ tiêu mà vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. 

- Thông báo ngay với bác sĩ khi cơn đau không thuyên giảm, vết mổ bị chảy dịch, chảy máu, người bệnh bị sốt cao, đi tiểu ra máu,....

Như vậy mổ sỏi thận bằng phương pháp nội soi có nhiều ưu điểm như quy trình lấy sỏi nhẹ nhàng, ít gây đau đớn, tỷ lệ sạch sỏi cao, người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thường được áp dụng với người bệnh có sỏi thận không quá to và xuất hiện triệu chứng đơn giản, chưa gây biến chứng. Bên cạnh đó, nếu quyết định thực hiện phẫu thuật lấy sỏi thận, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế đáng tin cậy để đảm bảo cuộc phẫu thuật mang lại hiệu quả cao và an toàn cho người bệnh. 

Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra sức khỏe đường tiết niệu nếu có dấu hiệu bất thường

Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra sức khỏe đường tiết niệu nếu có dấu hiệu bất thường

Để được tư vấn thêm về các bệnh lý đường tiết niệu hoặc có nhu cầu đặt lịch khám sớm, mời quý khách hàng liên hệ đến Chuyên khoa Tiết niệu của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ