Tin tức

Móng chân có sọc đen: nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 01/10/2023
Lương Thanh Thủy
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Móng chân có sọc đen là hiện tượng bất thường, không ít người gặp phải và xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Vậy tình trạng này là do đâu và khắc phục bằng cách nào, bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi đó.

1. Tại sao móng chân có sọc đen?

Móng chân có sọc đen là hiện tượng trên móng chân có các sọc đen chạy dọc theo chiều móng, có thể làm thay đổi màu sắc móng hoặc không, đôi khi cũng có thể đi kèm với sự thay đổi hình dạng của móng. Nguyên nhân của tình trạng này thường xuất phát từ:

Thường xuyên đi giày chật có thể gây chèn ép và khiến móng chân có sọc đen

Thường xuyên đi giày chật có thể gây chèn ép và khiến móng chân có sọc đen

1.1. Chấn thương

Đây là một trong các nguyên nhân thường gặp dẫn đến sự xuất hiện các sọc đen trên móng chân. Chấn thương có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

- Va đập: va đập móng chân vào một vật cứng hoặc vật có trọng lượng nặng thì móng chân có thể bị chấn thương gây tụ máu bầm và xuất hiện sọc đen.

- Móng chân bị chèn ép hoặc cắt móng chân không đúng cách: khi móng chân bị chèn ép trong thời gian dài (thường do đi giày chật) hoặc cắt móng chân quá sâu có thể gây tổn thương móng, làm cho nó biến màu và xuất hiện sọc đen.

- Chấn thương nghiêm trọng: điển hình là chấn thương do tai nạn, chơi thể thao,... có thể gây tăng sản xuất melanin và vì thế móng chân có sọc đen.

1.2. Bệnh nấm móng

Nấm móng thường phát triển ở môi trường tối và ẩm ướt nên nếu thường xuyên đi giày ẩm ướt hoặc móng chân không được “thở” thì rất dễ bị nấm móng. Vi nấm thường phát triển mạnh bên dưới móng chân và gây ra một lớp móng bị tối màu, đặc biệt có thể làm xuất hiện sọc đen trên móng.

1.3. Tác động của hóa chất

Việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc, làm đẹp móng chân chứa hóa chất mạnh có thể gặp tác dụng phụ là biến màu móng chân trong đó có hiện tượng xuất hiện sọc đen.

1.4. Nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân phổ biến đã đề cập, thì hiện tượng móng chân có sọc đen còn có thể xuất phát từ một số bệnh lý như: thiếu máu do thiếu sắt, bệnh tim, bệnh thận, bệnh tiểu đường, ung thư tế bào hắc tố,...

Việc tìm ra nguyên nhân móng chân có sọc đen là rất cần thiết vì đây chính là căn cứ để đưa ra cách điều trị hiệu quả giúp chấm dứt hiện tượng này.

2. Phương pháp khắc phục tình trạng móng chân có sọc đen

Điều trị móng chân có sọc đen phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này:

2.1. Trường hợp do chấn thương

Hầu hết các trường hợp móng chân có sọc đen do chấn thương sẽ biến mất khi móng phát triển. Lúc này, móng mới sẽ thay thế dần phần móng đã bị tổn thương. Trong thời gian này bạn nên giữ móng chân sạch sẽ bằng cách:

Móng chân bị sọc đen do tác động của ngoại lực cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, để cho móng tự bong tróc

Móng chân bị sọc đen do tác động của ngoại lực cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, để cho móng tự bong tróc

+ Rửa móng chân hàng ngày bằng nước ấm và dung dịch sát khuẩn, chú ý rửa kỹ vùng móng và phần da xung quanh.

+ Không tự ý lấy phần móng chân bị sọc đen ra khỏi móng vì điều này có thể gây chấn thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên kiểm tra để đảm bảo không có dấu hiệu nhiễm trùng cũng rất cần thiết. Trong trường hợp phát hiện nhiễm trùng cần khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định loại thuốc chống nhiễm trùng phù hợp. Thông thường, với trường hợp nhiễm trùng bác sĩ sẽ hướng dẫn dùng kem chống nhiễm trùng để bảo vệ móng chân.

Để tránh tái diễn trường hợp móng chân có sọc đen do nguyên nhân chấn thương thì bên cạnh việc áp dụng các biện pháp nêu trên, bạn cũng cần:

- Lựa chọn giày phù hợp cho từng hoạt động cụ thể để tránh gây tổn thương cho móng chân. Tùy vào hoạt động mà bạn hãy chọn giày bảo hộ, giày chạy, giày đá bóng,... cho phù hợp.

- Cắt móng chân đúng cách để tránh cắt quá sâu làm tổn thương móng.

2.2. Trường hợp do nấm móng

Nếu nguyên nhân gây sọc đen cho ngón chân được bác sĩ chẩn đoán là do nấm móng thì thường sẽ được đề xuất điều trị bằng thuốc chống nấm hoặc các phương pháp khác phù hợp.

- Thuốc chống nấm: bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nấm móng dạng uống hoặc dạng bôi.

- Chăm sóc hằng ngày: bên cạnh việc bôi thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ người bệnh cũng cần chăm sóc móng chân hàng ngày, đảm bảo rửa và làm sạch móng, cắt móng đúng cách, thường xuyên thay tất và để chân được “thở” để không tạo môi trường thuận lợi cho vi nấm hoạt động.

- Điều trị nâng cao: nếu bị nấm móng ở mức độ nghiêm trọng thì tùy vào trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị nâng cao như loại bỏ móng hoặc dùng tia laser để tiêu diệt tác nhân gây bệnh.

Móng chân có sọc đen kèm biểu hiện sưng tấy bất thường cần khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân

Móng chân có sọc đen kèm biểu hiện sưng tấy bất thường cần khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân

2.3. Trường hợp do chấn thương nghiêm trọng

Với trường hợp chấn thương nghiêm trọng gây ra sọc đen và có các triệu chứng khác như sưng, đau hoặc chảy mủ thì cũng cần đến bác sĩ ngay lập tức để được kiểm tra và xác định xem tình trạng này có liên quan đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hay không.

Các biện pháp điều trị trong trường hợp này có thể bao gồm:

- Chụp X-quang để xác định tình trạng và mức độ tổn thương.

- Phẫu thuật hoặc điều trị ngoại khoa nếu chấn thương nghiêm trọng.

- Đối với trường hợp móng chân có sọc đen liên quan đến bệnh lý thì cần điều trị bệnh lý tiềm ẩn thì hiện tượng này mới có thể được xử lý triệt để.

Với các trường hợp đã được điều trị ngoại khoa hoặc phẫu thuật, ngay sau đó bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc móng chân cũng như đơn thuốc cần sử dụng để tránh tình trạng bệnh tái phát hoặc gặp phải biến chứng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Một số trường hợp móng chân có sọc đen do thiếu máu vì thiếu sắt thì cách khắc phục tốt nhất là bổ sung thực phẩm giàu chất sắt vào chế độ ăn hàng ngày như: các loại hạt, ngũ cốc, hoa quả, rau xanh,...

Không phải mọi trường hợp móng chân có sọc đen đều nguy hiểm nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng có thể chủ quan với hiện tượng này. Nếu bạn thấy có dấu hiệu bất thường đi kèm với móng chân sọc đen thì nên khám bác sĩ chuyên khoa để biết chính xác về tình trạng của mình và điều trị hiệu quả khi cần thiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ