Tin tức
Móng tay bị vàng cảnh báo gì về sức khỏe?
- 01/12/2023 | Mách bạn 5 cách dưỡng móng tay siêu đơn giản ngay tại nhà
- 30/06/2023 | Các bệnh về móng tay và biện pháp chăm sóc đúng cách
- 31/12/2023 | Cắn móng tay bị hoại tử và sự thật đằng sau
1. Những nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng móng
tay bị vàng
Móng tay khỏe mạnh vốn có màu trắng với phần bán nguyệt gần gốc màu hồng và bề mặt nhẵn, bóng, không gồ ghề, không có sọc hoặc rãnh.
Khi móng tay bị vàng, có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau:
Những nguyên nhân không phải bệnh lý
- Do sơn móng tay thường xuyên: những người có thói quen này, đặc biệt là sở thích sơn những màu sẫm thì có thể gặp tình trạng vàng móng tay. Nguyên nhân là do thành phần tạo màu trong sơn có thể phản ứng với keratin có trong móng khiến đổi màu. Ngoài ra, thành phần trong nước tẩy móng tay cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới những vết ố vàng.
Thường xuyên sơn màu đậm có thể khiến móng tay trở nên vàng
- Làm những công việc mà tay phải tiếp xúc nhiều với hóa chất: chẳng hạn như thợ làm móng, làm tóc, người dọn dẹp, phục vụ,... Đặc biệt, nếu không sử dụng găng tay thì móng có thể sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề, không chỉ vàng mà còn giòn, bong tróc, dễ gãy,...
- Thiếu vitamin: Khi chế độ ăn uống của bạn không cung cấp đủ vitamin cho cơ thể, móng tay chân cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chúng có thể không phát triển được, không có đủ dinh dưỡng, ngả vàng, giòn, yếu.
- Hút thuốc lá: có thể thấy đối với những người thường xuyên hút thuốc lá, không chỉ răng mà ngón tay, móng tay thường bị vàng. Nguyên nhân là do khói và chất nicotine có trong khói thuốc.
- Do một số chất trong kem bôi: chất dihydroxyacetone được xem là nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng móng tay chuyển vàng đậm. Chất này có thể gặp trong kem bôi làm nâu da, chúng phản ứng, tích tụ quanh lớp biểu bì, đồng thời, khiến cho móng tay bạn trở nên vàng.
Các nguyên nhân do bệnh lý
- Do nấm móng: Khi bị nhiễm nấm xâm nhập vào vùng móng tay của bạn, nó có thể gây ra tình trạng dày sừng, tích tụ vảy dưới móng. Từ đó, khiến cho móng tay bị chuyển sang màu vàng.
Một số bệnh có thể là nguyên nhân khiến móng tay ngả vàng
- Bệnh tiểu đường hoặc bệnh tuyến giáp: Khi mắc tiểu đường, sự phân hủy đường có thể gây ảnh hưởng tới collagen trong móng tay và khiến chúng chuyển vàng. Một số người bị bệnh tuyến giáp cũng khiến móng tay trở nên vàng, giòn, dễ gãy hơn.
- Hội chứng móng tay vàng: có liên quan tới sự hoạt động của hệ thống bạch huyết. Bình thường, hệ thống này mang bạch huyết đi tới khắp các bộ phận trong cơ thể bạn. Tuy nhiên, khi chúng gặp vấn đề, có thể khiến tích tụ bạch huyết, dẫn tới tình trạng sưng tấy ở nhiều bộ phận khác nhau và hội chứng móng tay vàng.
Tình trạng này phổ biến hơn cả với các trường hợp như:
● Phù bạch huyết.
● Một số dạng ung thư tại các bộ phận: hạch, phổi, vú,...
● Bệnh lý tự miễn dịch hoặc suy giảm miễn dịch.
Ngoài ra, đối với những người thực hiện cấy ghép nha khoa, khớp hoặc sử dụng thuốc có chứa titanium dioxide có thể cũng gặp hội chứng này.
2. Cần làm gì khi móng tay bị vàng?
Khi gặp hiện tượng móng tay bị vàng, trước hết, bạn cần xác định được nguyên nhân để có cách khắc phục phù hợp và hiệu quả.
Đối với các nguyên nhân liên quan tới bệnh lý
Bạn nên tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị dứt điểm các bệnh đang mắc phải, từ đó khắc phục tình trạng vàng móng tay. Khi bệnh được kiểm soát, hiện tượng này cũng sẽ mất đi.
Nếu móng tay vàng là do nấm, tùy mức độ và tình trạng mà bạn có thể được chỉ định một số loại thuốc uống cũng như thuốc bôi phù hợp. Một số loại thuốc có chứa thành phần ketoconazol, tavaborole,... thường được dùng trong trường hợp này.
Đối với các nguyên nhân không phải do bệnh lý
- Nếu móng vàng do hút thuốc, bạn cần từng bước cai thuốc lá bởi không chỉ làm vàng móng tay, răng, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe còn nghiêm trọng hơn thế. Chúng có thể dẫn tới một số bệnh ung thư như: phổi, vòm họng,...
- Với những người thường xuyên sơn móng tay: bạn có thể sử dụng thêm một lớp sơn lót không màu. Chúng sẽ giúp cho móng của bạn không phải tiếp xúc với lớp sơn trang trí đồng thời, còn khiến cho bề mặt móng bóng mịn hơn.
Khi muốn tẩy hoặc thay đổi màu móng, bạn cần thay loại nước tẩy màu có thành phần acetone bằng những thành phần nhẹ nhàng và an toàn hơn, chẳng hạn như baking soda hoặc hỗn hợp chanh với giấm,... Những cách tẩy này đòi hỏi nhiều thời gian hơn nhưng ít gây tác động tới móng.
- Với chế độ ăn thiếu vitamin: bạn có thể bổ sung bằng các loại thực phẩm có lợi cho sự phát triển của móng tay cũng như của tóc, chẳng hạn: quả kiwi, hạch, gạo lứt, trứng, cà rốt, bông cải xanh,...
Thực phẩm có thể giúp móng tay chắc khỏe hơn
- Nếu phải làm những công việc cần dùng tay nhiều, bạn nên hạn chế để tay tiếp xúc với hóa chất bằng cách đeo găng, bôi kem dưỡng tay phù hợp.
- Nếu là vàng do tiếp xúc với một số thành phần hóa chất bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng một số nguyên liệu tự nhiên như:
● Sử dụng hỗn hợp hydrogen peroxide và thuốc muối: trộn 1 muỗng hydrogen peroxide với 2 thìa nhỏ thuốc muối rồi dùng tăm bông chấm lên móng tay, để trong khoảng vài ba phút, sau đó rửa sạch. Bạn cũng có thể trộn thêm nước vào hỗn hợp rồi ngâm móng tay trong vài phút.
● Nước chanh: ngâm móng tay trong nước chanh cũng có thể khắc phục hiệu quả tình trạng chúng bị ngả vàng.
● Nếu là vết ố mới, bạn có thể dùng kem đánh răng chà lên trong vài phút.
3. Một số lưu ý để móng tay luôn sáng đẹp
Để móng tay luôn sạch sẽ, sáng đẹp, trước hết, bạn cần quan tâm tới sức khỏe, dinh dưỡng của bản thân. Đồng thời, nên lưu ý:
● Giữ cho móng được sạch sẽ và khô ráo là cần thiết song không nên rửa tay, ngâm tay trong nước quá thường xuyên.
● Dùng bao tay khi rửa bát, lau chùi, giặt giũ.
● Lựa chọn loại kem dưỡng ẩm chuyên biệt cho da tay và bôi cả lên phần móng.
● Không nên để móng tay quá dài, không cắn, tước móng tay.
Quan tâm tới tình trạng móng tay có thể giúp bạn nhận biết một vài thông tin sức khỏe
Có thể nói, quan tâm giữ gìn móng tay không chỉ giúp đảm bảo tính thẩm mỹ mà còn là một trong những cách để bạn sớm phát hiện ra một số vấn đề sức khỏe của bản thân mình.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!