Tin tức
Nghiến răng ở trẻ và những điều ba mẹ cần biết
- 18/12/2021 | Giải đáp: Làm thế nào để hết nghiến răng khi ngủ hiệu quả
- 22/04/2021 | Nghiến răng khi ngủ có phải là triệu chứng của bệnh nguy hiểm?
- 29/01/2021 | Có nên sử dụng cách chữa bệnh nghiến răng khi ngủ bằng mẹo dân gian?
1. Trẻ bị nghiến răng do đâu?
Nghiến răng ở trẻ là hiện tượng hàm răng trên và hàm răng dưới của bé siết chặt vào nhau và phát ra tiếng “ken két”. Hiện tượng này rất phổ biến ở các bé trong độ tuổi 3 - 5, và thường xảy ra khi các bé ngủ do các nguyên nhân sau.
Tâm lý căng thẳng
Trẻ nhỏ có suy nghĩ đơn giản và cảm xúc dễ bị thay đổi. Đôi khi chỉ vì một lý do “nhỏ xíu” cũng đủ khiến bé cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Và để “đối phó” với cảm xúc tiêu cực này, khi ngủ, bé sẽ nghiến răng. Đây được cho là một cơ chế bình thường của cơ thể.
Quá trình mọc răng
Có thể nói đây là nguyên nhân phổ biến của chứng nghiến răng ở trẻ. Theo đó, các bé trong độ tuổi mọc răng sẽ có xu hướng nghiến chặt 2 hàm lại với nhau. Thói quen này nhằm thỏa mãn cảm xúc của bé, đồng thời, có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu và bớt đau hơn.
Bé nghiến răng do nhiều nguyên nhân như cảm xúc tiêu cực, đang mọc răng, bị dị ứng,…
Bị nhiễm giun kim
Bé trong độ tuổi vui chơi, khám phá nhưng chưa biết cách tự bảo vệ bản thân sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn, giun sán. Trong đó, giun kim - khi ký sinh trên cơ thể người sẽ tiết ra độc tố. Độc tố này có thể khiến các bé cảm thấy căng thẳng, lo lắng, bồn chồn. Từ đó dẫn đến thói quen nghiến răng, đặc biệt là lúc ngủ.
Cơ thể bị dị ứng
Nghiến răng thường gặp ở các bé có cơ địa dễ bị dị ứng. Bởi khi cơ thể xảy ra các phản ứng bất thường với thức ăn, đồ uống, sữa tắm, thuốc uống,… thì các bé sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Lúc này, nghiến răng có thể làm giảm được cảm giác này, giúp bé cảm thấy thoải mái hơn.
Sai lệch khớp cắn
Nghiến răng ở các bé không loại trừ nguyên nhân sai lệch khớp cắn. Bởi tình trạng này sẽ khiến bé cảm thấy khó khăn và khó chịu khi khép cơ hàm. Lúc này, 2 hàm của bé sẽ siết chặt nhau và gây ra hiện tượng nghiến răng.
2. Nghiến răng ở trẻ có những dấu hiệu và nguy cơ nào?
Ba mẹ cần sớm nhận biết các dấu hiệu nghiến răng ở trẻ để sớm can thiệp, tránh các biến chứng về sau.
Dấu hiệu nghiến răng ở trẻ
Ngoại trừ âm thanh “ken két” phát ra từ miệng bé, ba mẹ có thể nhận biết hiện tượng nghiến răng thông qua những dấu hiệu sau.
-
Răng của bé không đều mà bị mòn, thậm chí là mẻ.
-
Hoạt động nhai khó khăn, và bé cảm thấy đau hàm khi ăn uống.
-
Bé thấy đau ở hàm, tai, trán và đôi khi là toàn thân.
Nếu bé “than phiền” đau ở hàm, tai, trán,… thì đây là dấu hiệu của chứng nghiến răng
Nghiến răng ở trẻ tiềm ẩn nguy cơ gì?
Bé nghiến răng không phải là hiếm gặp, tuy nhiên, ba mẹ không nên chủ quan với hiện tượng này. Bởi thói quen nghiến răng kéo dài có thể dẫn đến các nguy cơ sau:
-
Răng bị mài mòn, phát triển không đều, dễ bị sâu răng.
-
Lớp men răng thuyên giảm khiến răng bị yếu, trở nên nhạy cảm với nhiệt độ, dễ bị ê buốt.
-
Tủy răng bị lồi.
-
Vùng xương hàm bị tổn thương, thậm chí là gãy.
-
Gây ra hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm.
3. Cần làm gì khi trẻ bị nghiến răng?
Hiện tượng nghiến răng có thể thuyên giảm và biến mất khi các bé lớn, các răng vĩnh viễn đã mọc. Tuy nhiên, một số bé vẫn không “từ bỏ” thói quen này, lúc này, ba mẹ cần có biện pháp can thiệp để tránh biến chứng.
Theo đó, tùy thuộc vào nguyên nhân mà có cách can thiệp phù hợp. Chẳng hạn, nếu do tâm lý tiêu cực thì ba mẹ nên giải tỏa cảm xúc này của bé bằng cách hát cho bé nghe, đọc thơ, kể chuyện hoặc cho bé tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí.
Trường hợp nghiến răng do bé cảm thấy đau khi mọc răng thì có thể chườm túi nước ấm lên má bé để giảm đau. Với bé nhỏ, cho bé ngậm núm ti giả cũng là một gợi ý để bé bớt bị khó chịu khi mọc răng và loại bỏ hiện tượng nghiến răng.
Đối với các nguyên nhân nghiến răng ở trẻ do bị dị ứng, nhiễm giun, đặc biệt là do răng mọc không đều, sai lệch khớp cắn thì ba mẹ nên cho bé đi khám để bác sĩ kiểm tra. Đặc biệt, bé gặp khó khăn khi ăn uống, không thể khép miệng, thường xuyên đau mỏi, mệt người thì không nên chủ quan và chậm trễ trong việc đưa đi khám.
Bé nghiến răng kéo dài và kèm theo các triệu chứng khác thì ba mẹ nên đưa bé đi kiểm tra
4. Biện pháp phòng ngừa chứng nghiến răng ở trẻ
Ba mẹ có thể phòng ngừa chứng nghiến răng cho bé yêu nhà mình bằng những cách đơn giản sau.
Chú trọng đến chế độ ăn uống
Bé bị thiếu chất có thể khiến tinh thần mệt mỏi, suy nhược, lâu dần dẫn đến căng thẳng, bất an, hình thành thói quen nghiến răng. Trong trường hợp này, ba mẹ nên chú trọng đến chế độ ăn giàu dinh dưỡng cho bé. Đặc biệt là bổ sung thêm sữa, các loại rau màu xanh đậm để tăng cường canxi, magie - là những chất giúp hệ thần kinh hoạt động hiệu quả hơn.
Khuyến khích bé vui chơi, vận động
Hãy khuyến khích bé tham gia các trò chơi giải trí và tập luyện thể dục. Bởi các hoạt động này sẽ giúp cơ thể sản sinh hormone endorphin, giúp giảm đau và căng thẳng. Khi cơ thể không cảm thấy thoải mái, dễ chịu thì sẽ phòng tránh được chứng nghiến răng.
Cho bé vui chơi và vận động để giải tỏa cảm xúc tiêu cực cũng là cách phòng ngừa chứng nghiến răng
Sử dụng dụng cụ bảo vệ hàm
Có thể phòng ngừa chứng nghiến răng ở trẻ bằng cách cho bé sử dụng dụng cụ bảo vệ hàm, tránh để các hàm chạm vào nhau. Tuy nhiên, ba mẹ không nên tự ý sử dụng, mà nên nhờ đến sự tư vấn của nha sĩ để đảm bảo sử dụng đúng cách, hiệu quả.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp ba mẹ hiểu hơn về chứng nghiến răng ở trẻ. Nếu tình trạng nghiến răng ở trẻ không thuyên giảm, kèm thêm những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cha mẹ có thể đưa bé đến khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tại đây, các bác sĩ Nhi khoa kết hợp cùng bác sĩ Răng Hàm Mặt sẽ tiến hành kiểm tra và hội chẩn để đưa ra hướng điều trị hiệu quả. Cha mẹ có thể gọi trước đến số Hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết về cách thức đặt lịch và quy trình khám tại Bệnh viện.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!