Tin tức

Nguyên nhân dẫn đến hắng giọng và cách khắc phục hiệu quả

Ngày 15/09/2021
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Hắng giọng thường là thói quen của nhiều người khi bị căng thẳng hoặc để thu hút sự chú ý của người đối diện. Bên cạnh đó, hắng giọng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý hoặc do có vật lạ mắc kẹt ở cổ họng. Khi tình trạng này ảnh hưởng đến cuộc sống, nguyên nhân là do bệnh lý thì bạn nên đi kiểm tra để điều trị, lấy dị vật đường họng nếu có tránh gây tổn thương nghiêm trọng hơn.

1. Những nguyên nhân gây hắng giọng thường gặp

Không phải tất cả các trường hợp hắng giọng là triệu chứng bất thường, đây có thể chỉ đơn thuần là thói quen bạn làm khi lo lắng, căng thẳng hoặc muốn gây sự chú ý. Điều này không đáng lo ngại, bạn hoàn toàn có thể thay đổi thói quen nếu muốn. 

Hắng giọng có thể chỉ là thói quen vô thức của một số người

Hắng giọng có thể chỉ là thói quen vô thức của một số người

Bên cạnh đó, cần cẩn thận với những nguyên nhân bệnh lý hay vấn đề sức khỏe gây hắng giọng nhiều lần bao gồm:

1.1. Hắng giọng do trào ngược dạ dày thực quản

Phần lớn những người hay hắng giọng không phải do thói quen là liên quan đến bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Trào ngược thực quản xảy ra cả khi dịch dạ dày hoặc thức ăn trào ngược lên phần thực quản. Cảm giác ngứa rát khó chịu này khiến bạn hắng giọng.

Điều trị chứng trào ngược thực quản thường bằng thuốc nhưng bệnh dễ tái phát, khó điều trị dứt điểm nếu không điều trị tích cực kết hợp với thay đổi thói quen sống. Để hạn chế chứng trào ngược dạ dày cũng như giảm hắng giọng, bạn có thể áp dụng 1 số biện pháp đơn giản như:

  • Không nằm ngay sau khi ăn hoặc uống.

  • Nâng gối đầu cao hơn thân người 30 độ hoặc hơn.

  • Giảm cân nếu bạn đang bị béo phì.

  • Hạn chế các loại thức ăn cay, nhiều dầu mỡ, có tính acid. 

  • Giảm căng thẳng, stress quá mức.

  • Hạn chế rượu và caffein.

Ngoài ra, để điều trị triệt để tình trạng hắng giọng do trào ngược dạ dày, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để được thăm khám và tư vấn.

Hầu hết hắng giọng bệnh lý là do chứng trào ngược dạ dày

Hầu hết hắng giọng bệnh lý là do chứng trào ngược dạ dày

1.2. Chảy dịch mũi sau gây hắng giọng

Nguyên nhân khác dẫn đến chứng hắng giọng là do chảy dịch mũi sau, khiến cơ thể tăng sinh chất nhầy chảy xuống cổ họng gây khó chịu. Các triệu chứng khác đi kèm với hắng giọng do chảy dịch mũi sau bao gồm:

  • Buồn nôn do chất nhầy thừa di chuyển vào dạ dày.

  • Hôi miệng.

  • Ho nhiều vào ban đêm.

  • Đau họng.

Chảy dịch mũi sau có thể do dị ứng hoặc các nguyên nhân khác như: nhiệt độ quá thấp, nhiễm virus, lệch vách ngăn mũi, ăn thực phẩm quá cay, tác dụng phụ của thuốc,… Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà điều trị chứng chảy dịch mũi sau sẽ khác nhau. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên uống nhiều nước, dùng thuốc kháng Histamin, uống nước ấm, kê cao đầu khi ngủ,…

1.3. Hội chứng Tourette

Đây là một dạng rối loạn thần kinh khiến bệnh nhân bị co giật, ảnh hưởng đến thanh quản khiến họ phát ra những âm thanh bất thường cùng với chứng hắng giọng. Một số triệu chứng khác đi kèm thường gặp như: ho, hay lẩm bẩm, khịt mũi, lắc hoặc giật đầu, lặp đi lặp lại một vài từ, hay liếm môi, chép môi,…

Bệnh nhân mắc hội chứng này sẽ cần kết hợp điều trị bằng thuốc và trị liệu.

Hắng giọng có thể do dị ứng thực phẩm

Hắng giọng có thể do dị ứng thực phẩm

1.4. Dị ứng thực phẩm

Nếu hắng giọng đi kèm với chứng ngứa họng, sưng niêm mạc miệng, họng thì hãy kiểm tra có phải do dị ứng hay không. Các thực phẩm thường gây dị ứng này như sữa, gạo, trứng, đậu nành,… Khi đã xác nhận được tác nhân gây dị ứng, chỉ cần tránh xa chúng. 

Trong trường hợp dị ứng nghiêm trọng, dịch nhầy và sưng niêm mạc họng gây khó thở, bệnh nhân sẽ cần sự can thiệp của bác sĩ với các thuốc chống dị ứng. 

1.5. Hắng giọng do tác dụng phụ của thuốc

Đôi khi chứng hắng giọng do một số loại thuốc gây khó chịu ở cổ họng, điển hình là thuốc điều trị huyết áp. Nếu bạn gặp phải tình trạng này, hãy trao đổi với bác sĩ để có thể thay đổi thuốc điều trị phù hợp hơn.

1.6. Hắng giọng do rối loạn tic vận động mạn tính

Đây là một dạng rối loạn vận động và phát âm, chưa xác định rõ được nguyên nhân gây ra tình trạng này song ở những người mắc phải, đa phần bắt đầu trước 18 tuổi và kéo dài từ 4 - 6 năm.

Ngoài gây ra tình trạng hắng giọng, rối loạn tic vận động còn gây ra:

  • Nhăn mặt.

  • Hay càu nhàu và rên rỉ.

  • Mất kiểm soát đột ngột ở tay, chân và cơ thể.

  • Chớp mắt, nhún vai, co giật,…

Hắng giọng có thể đi kèm với mất kiểm soát cơ mặt

Hắng giọng có thể đi kèm với mất kiểm soát cơ mặt

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau, chủ yếu là liệu pháp hành vi và dùng thuốc để kiểm soát.

2. Khắc phục chứng hắng giọng như thế nào?

Nếu chứng hắng giọng kéo dài, ảnh hưởng đến sự tự tin và cuộc sống của bạn thì nên đi khám tìm nguyên nhân và điều trị. Nếu là thói quen xấu, bạn có thể cải thiện dần dần bằng một số mẹo nhỏ như:

  • Uống nước nhiều hơn, thường xuyên hơn, tốt nhất nên luôn mang theo chai nước bên người.

  • Tìm một hoạt động hay thói quen khác để thay thế khi bạn căng thẳng như nuốt nước bọt, gõ ngón tay,…

  • Tự theo dõi và thay đổi thói quen hắng giọng, nếu khó khăn hãy nhờ đến sự hỗ trợ của những người xung quanh.

  • Ăn kẹo mút hoặc nhai kẹo cao su, thói quen này giúp bạn quên đi việc hắng giọng.

Hắng giọng là thói quen có thể thay đổi bằng cách uống nước nhiều hơn, ăn kẹo cao su,...

Hắng giọng là thói quen có thể thay đổi bằng cách uống nước nhiều hơn, ăn kẹo cao su,...

Hắng giọng kéo dài có thể ảnh hưởng đến thanh âm, làm thay đổi giọng nói của bạn. Vì thế, nếu các biện pháp cải thiện này không hiệu quả, hãy tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị. Không nên quá lo lắng, các trường hợp nguyên nhân do bệnh lý thì cần điều trị bệnh lý để cải thiện triệu chứng.

Nếu có thắc mắc khác, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn. MEDLATEC luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ