Tin tức

Nguyên nhân gây suy giáp là gì? Có chữa khỏi bệnh được không?

Ngày 08/04/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Suy giáp là bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhất là phụ nữ trên 60 tuổi. Đây là một dạng rối loạn nội tiết tuyến giáp và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Cùng điểm danh những nguyên nhân gây suy giáp và một số phương pháp điều trị bệnh trong bài viết sau.

1. Triệu chứng bệnh suy giáp

Bệnh suy giáp còn có thể gọi là nhược giáp, suy giảm chức năng tuyến giáp, là tình trạng tuyến giáp không thể sản xuất đủ các loại nội tiết tố cần thiết để kiểm soát hoạt động trao đổi chất trong cơ thể, đó là hormone triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4). 

Suy giáp có thể xảy ra ở mọi độ tuổi

Suy giáp có thể xảy ra ở mọi độ tuổi

Ở giai đoạn đầu, bệnh suy giáp thường có những biểu hiện rất mờ nhạt. Những biểu hiện này gần giống với những biểu hiện do tuổi già, vì thế nhiều bệnh nhân thường chủ quan và bỏ qua bệnh. 

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy giáp: 

- Ăn không ngon. 

- Da khô, tái xanh. 

- Khả năng chịu lạnh kém. 

- Giảm sút trí nhớ, trầm cảm. 

- Giọng khàn.

- Táo bón. 

- Thay đổi nhịp tim. 

- Đau khớp hoặc các cơ. 

- Có những bất thường về kinh nguyệt. 

- Giảm ham muốn. 

- Khi bệnh đã chuyển biến nghiêm trọng, bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng như lưỡi phình to, phù mặt, phù tay chân, da sậm màu và xù xì. 

2. Nguyên nhân gây suy giáp

Suy giáp có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến: 

2.1. Bệnh viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto

Hệ miễn dịch của người bệnh sẽ tạo ra kháng thể để tấn công và làm tổn thương những mô tuyến giáp khỏe mạnh, gây ra viêm tuyến giáp. Khi quá trình này xảy ra, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng sản sinh ra các loại hormone tuyến giáp và gây suy giáp. 

2.2. Phẫu thuật tuyến giáp

Trong những trường hợp buộc phải phẫu thuật để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, tuyến giáp sẽ giảm sản xuất hormone hoặc ngừng hẳn hoạt động này. 

Phẫu thuật cắt tuyến giáp có thể gây suy giáp

Phẫu thuật cắt tuyến giáp có thể gây suy giáp

2.3. Xạ trị

Phương pháp dùng tia xạ để điều trị các loại ung thư vùng đầu cổ là nguyên nhân có thể gây ra bệnh suy giáp. 

2.4. Viêm tuyến giáp

Đây cũng là nguyên nhân khiến những tế bào tuyến giáp bị tổn thương, giảm khả năng hoạt động của cơ quan này. Ban đầu, viêm giáp có thể dẫn đến tình trạng tuyến giáp giải phóng cùng lúc tất cả hormone dự vào máu. Lúc này, lượng hormon giáp tăng quá cao một cách đột ngột và khiến cho bệnh nhân bị nhiễm độc giáp. Sau đó, tuyến giáp hoạt động kém đi, có thể bị suy giáp thoáng qua hoặc vĩnh viễn.

2.5. Thuốc

Thuốc điều trị bệnh giúp bạn cải thiện triệu chứng bệnh nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định. Trong đó, một số loại điều trị có thể làm tăng nguy cơ bị suy giáp, chẳng hạn như thuốc trị rối loạn tâm thần lithium.

2.6. Những nguyên nhân ít gặp

Ngoài những nguyên nhân gây suy giáp phổ biến nêu trên, bệnh còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau: 

- Suy giáp bẩm sinh: Một số trẻ bị suy giáp bẩm sinh. Thời gian đầu, bệnh thường không gây ra những triệu chứng rõ ràng. Đa số những trường hợp bị suy giáp bẩm sinh thường chưa xác định được nguyên nhân cụ thể khiến tuyến giáp phát triển bất thường.

- Rối loạn tuyến yên: Những trường hợp có khối u tuyến yên cũng có thể bị suy giáp. Tuy nhiên, nguyên nhân này rất ít gặp. 

- Thai kỳ: Một số phụ nữ bị suy giáp trong thời kỳ mang thai và có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. 

- Không ăn đủ i-ốt. 

3. Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không? 

Ngoài nguyên nhân gây suy giáp và triệu chứng suy giáp, người bệnh cũng rất quan tâm đến những biến chứng bệnh có thể gặp phải và đặc biệt là cơ hội chữa khỏi hoàn toàn bệnh suy giáp. 

Theo các chuyên gia, nếu phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp thì hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh. 

Ngược lại, bệnh suy giáp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm. Cụ thể như sau: 

- Gây bướu cổ to khiến bệnh nhân khó nhai nuốt và thậm chí là khó thở. 

- Tăng nguy cơ gặp phải những vấn đề về tim mạch, 

- Gây tổn thương các dây thần kinh ngoại biên khiến bệnh nhân gặp phải một số triệu chứng như gây đau, ngứa ran và tê ở chân, cánh tay.

- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. 

- Gây dị tật bẩm sinh: Những chị em mắc bệnh tuyến giáp nhưng không được kiểm soát bệnh có nguy cơ sinh ra trẻ mang dị tật bẩm sinh hay mắc suy giáp bẩm sinh. Những trẻ này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần. 

- Hôn mê phù niêm: Đây là biến chứng có thể gặp phải ở những người bị suy giáp thời gian dài không điều trị. Bệnh nhân cần được điều trị khẩn cấp để hạn chế nguy cơ tử vong. 

4. Chẩn đoán và điều trị suy giáp

Việc chẩn đoán sớm và điều trị bệnh kịp thời là những yếu tố quan trọng để kiểm soát bệnh suy giáp hiệu quả. 

4.1. Chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ sẽ thăm khám các triệu chứng lâm sàng cho người bệnh. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như: 

- Xét nghiệm đặc hiệu liên quan đến tuyến giáp để đánh giá sự thay đổi của các chỉ số TSH, T3, T4. 

- Xét nghiệm máu để nhận biết tình trạng có hồng cầu bình thường hoặc to, rối loạn mỡ máu, rối loạn điện giải,...

- Siêu âm tuyến giáp.

- Siêu âm tim.

- Chụp X-quang lồng ngực.

- Điện tâm đồ. 

- Một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khác nếu cần thiết. 

4.2. Điều trị suy giáp

Nếu nguyên nhân gây suy giáp do hậu quả khi dùng thuốc kháng giáp tổng hợp hay những bệnh nhân bị suy giáp thoáng qua do viêm giáp, người bệnh có thể tự hồi phục.

Phần lớn người bệnh suy giáp thường phải điều trị thay thế bằng hormon giáp. Đây là thuốc cần được dùng đều đặn hàng ngày để cơ thể được cung cấp đầy đủ cho nhu cầu của cơ thể. Tuy nhiên, bạn không nên dùng quá liều để tránh gặp phải những biến chứng như căng thẳng, loãng xương,... Trong quá trình điều trị bằng thuốc, người bệnh cần thường xuyên thực hiện các xét nghiệm máu để theo dõi tình trạng sức khỏe và từ kết quả này, bác sĩ sẽ điều chỉnh lượng thuốc cho bệnh nhân nếu cần thiết. 

Bạn nên đi kiểm tra tuyến giáp nếu có triệu chứng bất thường

Bạn nên đi kiểm tra tuyến giáp nếu có triệu chứng bất thường

Mong rằng, những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây suy giáp, biến chứng bệnh và phương pháp điều trị, kiểm soát bệnh. Nếu còn có thắc mắc cần được giải đáp hoặc có nhu cầu đặt lịch khám tại Chuyên khoa Nội tiết của Hệ thống Y tế MEDLATEC, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh chóng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ