Tin tức
Nguyên nhân ung thư phổi và cách phòng bệnh ai cũng cần biết
- 14/04/2025 | Ung thư phổi có chữa được không? Giải đáp chi tiết từ bác sĩ
- 08/05/2025 | Giải đáp: Ung thư phổi giai đoạn 2 có chữa được không và chữa như thế nào?
- 30/05/2025 | Tầm quan trọng của chẩn đoán hình ảnh trong sàng lọc và chẩn đoán ung thư phổi
- 08/06/2025 | Vai trò của giải phẫu bệnh trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi
- 19/06/2025 | Nhận diện dấu hiệu ung thư phổi ở nữ giới đặc trưng nhất
1. Ung thư phổi là bệnh gì? Triệu chứng như thế nào?
Ung thư phổi là tình trạng tế bào trong phổi phát triển mất kiểm soát và hình thành khối u ác tính. Nếu không được điều trị kịp thời, những tế bào và khối u ung thư có thể xâm lấn các mô lân cận và di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Ung thư phổi là một trong những loại ung thư có nguy cơ tử vong cao.
Người bệnh ung thư phổi có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm
Ung thư phổi gồm ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Bệnh có thể chia thành nhiều giai đoạn khác nhau để giúp các bác sĩ đánh giá mức độ bệnh và từ đó đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh có thể tiến triển âm thầm trong thời gian dài, khiến việc phát hiện sớm gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bệnh có thể được điều trị hiệu quả với những trường hợp nhận biết bệnh sớm và áp dụng đúng phương pháp.
Ở giai đoạn đầu, ung thư phổi rất khó phát hiện. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiến triển, triệu chứng bệnh càng rõ ràng, cụ thể như sau:
- Ho kéo dài: Bệnh nhân Ung thư phổi có thể bị ho kéo dài trong nhiều tuần, đã dùng thuốc mà vẫn không khỏi. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể gặp phải tình trạng ho ra máu, ho ra đờm có mùi hôi,...
- Khó thở: Những khối u ung thư có thể khiến đường thở bị thu hẹp lại hoặc gây ra tràn dịch màng phổi. Đó chính là lý do khiến người bệnh cảm thấy khó thở khi gắng sức, thậm chí khó thở khi nghỉ ngơi.
- Đau ngực: Nếu thường xuyên bị đau ngực, đau vai, đau cánh tay, đau tăng lên khi ho, hít thở sâu hoặc cười,... bạn không nên chủ quan vì đây rất có thể là triệu chứng cảnh báo ung thư phổi.
- Sụt cân dù vẫn áp dụng chế độ ăn bình thường và không tập quá sức.
- Mệt mỏi, suy nhược.
- Thường xuyên bị nhiễm trùng hô hấp.
- Ngoài những triệu chứng nêu trên, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như đau xương, đau đầu, sưng mặt hoặc cổ, chán ăn, vã mồ hôi ban đêm,... đặc biệt nếu bệnh đã lan đến các cơ quan khác.
2. Nguyên nhân ung thư phổi
Ung thư phổi có thể xảy ra do những yếu tố liên quan đến môi trường sống, lối sống và gen di truyền. Dưới đây là một số nguyên nhân ung thư phổi và yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thường gặp:
- Khói thuốc lá: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Cả người hút thuốc chủ động và người hít phải khói thuốc (hút thuốc thụ động) đều có nguy cơ cao. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý về đường hô hấp.
Hút thuốc lá là nguyên nhân ung thư phổi phổ biến
Trong khói thuốc chứa hàng trăm chất độc hại, nhiều chất trong đó có khả năng gây tổn thương tế bào phổi. Thời gian đầu, phổi có thể khắc phục được những tổn thương này. Tuy nhiên, nếu bạn hút thuốc lá mỗi ngày và trong suốt một thời gian dài, phổi sẽ mất đi khả năng chữa lành những tổn thương. Những tế bào phổi đã bị tổn thương sẽ không còn hoạt động hiệu quả như lúc đầu và tăng nguy cơ phát triển những tế bào, khối u ác tính.
- Tiếp xúc với Radon: Đây là một loại khí phóng xạ tồn tại trong tự nhiên. Thông qua những vết nứt nhỏ trên nền móng, loại khí phóng xạ này có thể xâm nhập vào các tòa nhà và gây hại cho sức khỏe. Việc hít phải khí radon trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi.
- Tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại khác: Những người thường xuyên làm việc hoặc sống trong môi trường có amiăng, thạch tín, niken, silic, crôm... có nguy cơ cao bị tổn thương phổi mạn tính và phát triển ung thư.
- Yếu tố di truyền: Một số người có đột biến gen di truyền làm giảm khả năng sửa chữa ADN hoặc chuyển hóa độc chất từ khói thuốc, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
- Từng điều trị bằng xạ trị vùng ngực: Những người đã từng xạ trị do mắc các loại ung thư khác (như ung thư vú, lympho) có thể có nguy cơ cao hơn mắc ung thư phổi về sau.
Ngoài những nguyên nhân ung thư phổi nêu trên, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi có thể kể đến như sau:
- Tiền sử mắc bệnh phổi: Nếu một người có tiền sử mắc các bệnh về phổi như viêm phế quản mạn tính, bệnh lao hay phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD),... thì nguy cơ mắc ung thư phổi cũng cao hơn so với những người không mắc bệnh về phổi.
- Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc dù không trực tiếp hút.
- Môi trường ô nhiễm hoặc không tiếp xúc với khói bụi công nghiệp.
3. Cách phòng ngừa ung thư phổi
Ngoài nguyên nhân ung thư phổi, cách phòng ngừa căn bệnh này cũng là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn phòng ngừa bệnh hiệu quả:
- Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc: Từ những thông tin nêu trên, bạn có thể thấy rằng, những chất độc hại trong khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Do đó, từ bỏ thói quen hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.
Từ bỏ thói quen hút thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phổi và nhiều loại ung thư khác
- Bảo vệ phổi nếu bạn phải sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm không khí bằng cách:
+ Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
+ Dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày.
+ Dùng máy lọc không khí.
+ Trồng thêm cây xanh.
- Phòng tránh khí radon: Radon là loại khí phóng xạ tự nhiên có thể tích tụ trong nhà, đặc biệt là ở tầng hầm. Bạn nên:
+ Kiểm tra nồng độ radon nếu sống ở khu vực có nguy cơ.
+ Bịt kín các vết nứt ở nền móng, tường, sàn nhà.
+ Lắp đặt hệ thống thông gió hiệu quả để khí radon không tích tụ trong nhà.
- Nếu phải làm việc trong môi trường hóa chất độc hại thì cần sử dụng đồ bảo hộ.
- Muốn phòng ngừa bệnh ung thư phổi và bảo vệ sức khỏe, bạn đừng quên duy trì chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đủ các nhóm chất thiết yếu cho cơ thể.
- Tập thể dục đều đặn không chỉ giúp bạn giải tỏa căng thẳng mà còn nâng cao sức đề kháng, kiểm soát cân nặng và giảm viêm mạn tính.
- Theo dõi cơ thể, không chủ quan với những triệu chứng bất thường và đi khám sức khỏe định kỳ.
Ăn uống khoa học để ngăn ngừa ung thư phổi
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân ung thư phổi và một số cách phòng bệnh hiệu quả. Để được tư vấn kỹ hơn hoặc có nhu cầu đặt lịch khám, quý khách vui lòng liên hệ đến Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giải đáp và hướng dẫn cụ thể.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
