Tin tức
Nguyên nhân và các dấu hiệu nhận biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- 27/04/2022 | Khó thở do trào ngược dạ dày nguy hiểm như thế nào?
- 16/03/2022 | Những người bị trào ngược dạ dày nên ăn gì để nhanh khỏe?
- 01/04/2022 | Khó thở khi bị trào ngược dạ dày - Dấu hiệu nguy hiểm không thể bỏ qua
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng dịch vị dạ dày bị trào ngược lên thực quản, điều này có thể xảy ra thường xuyên hoặc từng lúc. Đây thường là biểu hiện sinh lý của cơ thể và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như sinh hoạt thường nhật của bệnh nhân, tuy nhiên đó cũng có khả năng là vấn đề bệnh lý dẫn tới các biến chứng như viêm thực quản, suy dinh dưỡng hay tác động tới hệ hô hấp.
Cơ chế trào ngược dạ dày thực quản
Một số triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày thực quản:
-
Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng: ợ hơi khi đói, ợ chua thường xuất hiện vào buổi sáng và ợ nóng thường khiến bệnh nhân cảm thấy nóng rát ở vùng bụng dưới lan lên cổ. Các biểu hiện ợ này sẽ càng xảy ra nhiều khi bệnh nhân ăn quá no, vừa ăn xong lại nằm ngay, khi đầy bụng, uống nước hoặc cúi gập người về phía;
-
Đau tức ngực: ngực có triệu chứng đè ép, thắt lại xuyên ra lưng và cả cánh tay. Biểu hiện này thường gây nhầm lẫn với các bệnh lý tim mạch;
-
Buồn nôn hoặc nôn: xuất hiện khi ăn no, có cảm giác mắc nghẹn thức ăn. Nhất là khi đi tàu xe rất dễ bị say, nôn khi ốm nghén,...;
-
Ho, khản giọng: axit dạ dày khi trào ngược sẽ tác động tới dây thanh quản khiến cho bộ phận này bị sưng tấy, dẫn tới khàn giọng, ho, nói khó;
-
Khó nuốt: khi bệnh diễn biến nặng, người bệnh thường xuyên bị trào ngược axit lên thực quản. Theo thời gian điều này sẽ làm sưng tấy, phù nề niêm mạc tại thực quản gây nên hiện tượng khó nuốt hoặc nuốt nghẹn, luôn cảm thấy có gì đó vướng ở cổ;
-
Đắng miệng: thường thì dịch vị trào ngược lên trên sẽ kéo theo cả dịch mật nên người bệnh sẽ có cảm giác đắng miệng;
-
Miệng tiết nhiều nước bọt: tương tự như khi ta ăn đồ chua, miệng sẽ tiết ra nhiều nước bọt khi tiếp xúc với dịch axit dạ dày nhằm giúp trung hòa lượng axit này;
-
Biểu hiện khác: sụt cân, chán ăn, thiếu máu, xuất huyết đường tiêu hóa,...
2. Trào ngược dạ dày thực quản xuất phát từ nguyên nhân nào?
Có thể chia các nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này thành 3 loại: nguyên nhân do thực quản, nguyên nhân tại dạ dày và do các yếu tố khác. Cụ thể như sau:
Nguyên nhân do thực quản:
-
Thoát vị hoành: cơ hoành nằm ở vị trí giữa khoang bụng và khoang ngực, hình dẹt vòm phân tách hai khu vực này. Khi cơ này co lại sẽ tạo lực để cơ thắt dưới thực quản ngăn hiện tượng trào ngược axit dạ dày xảy ra. Nếu bệnh nhân bị thoát vị hoành thì sẽ khiến cơ thực quản bị ảnh hưởng gây trào ngược dịch vị dạ dày;
-
Suy cơ thắt dưới thực quản: đây là phần cơ nằm ở phía cuối thực quản, là nơi tiếp giáp với dạ dày. Thông thường phần cơ này sẽ mở ra khi ta nuốt thức ăn, sau đó sẽ khép kín lại để ngăn không cho dịch vị và thức ăn trào ngược từ dạ dày lên trên. Khi cơ này bị yếu đi thì tình trạng trào ngược dạ dày xảy ra là một điều tất yếu.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng này bao gồm: giảm tiết nước bọt, rối loạn nhu động thực quản, tác dụng phụ của thuốc, sử dụng bia rượu, thuốc lá, cafein thường xuyên, ăn nhiều đồ dầu mỡ,...
Trào ngược dạ dày thực quản sẽ khiến bệnh nhân phải trải qua những triệu chứng khó chịu
Nguyên nhân tại dạ dày:
-
Dạ dày bị ứ đọng thức ăn: hẹp môn vị, ung thư dạ dày, viêm dạ dày sẽ cản trở sự lưu thông của các chất từ dạ dày xuống ruột. Từ đó khiến áp lực trong dạ dày gia tăng dẫn tới hiện tượng trào ngược;
-
Đột ngột bị tăng áp lực ổ bụng, ví dụ như khi ho, hắt hơi hay vận động gắng sức cũng là nguyên nhân khiến dịch vị dạ dày bị trào ngược lên thực quản.
Các nguyên nhân khác:
-
Thói quen ăn uống không khoa học, lành mạnh: ăn khuya, ăn quá no, ăn nhiều đồ chiên rán hoặc đồ chua khi bụng đói,... khiến cơ co thắt thực quản phải chịu nhiều áp lực, dẫn tới cơ này yếu dần đi, đóng mở thất thường gây trào ngược;
-
Stress kéo dài: tình trạng này làm tăng tiết cortisol dẫn đến tăng sản sinh axit trong dạ dày, dạ dày vì thế mà co bóp nhiều hơn ngay cả khi không có thức ăn và do đó dịch vị dễ bị trào ngược lên trên;
-
Béo phì: cân nặng quá khổ sẽ làm tăng áp lực lên ổ bụng, trong đó có dạ dày làm yếu trương lực của cơ thắt thực quản dưới;
-
Các yếu tố khác: bệnh nhân bị sa dạ dày, cơ thắt thực quản dưới yếu, chấn thương do tai nạn,...
3. Gợi ý các món ăn và các lưu ý dành cho bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản
Bên cạnh các phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa và thủ thuật khác thì bệnh nhân cũng cần thay đổi chế độ ăn uống sao cho phù hợp, lành mạnh hơn, đó là nên tăng cường những thực phẩm như sau:
-
Đậu đỗ: gồm đậu đỏ, đậu xanh, đậu Hà Lan,... chứa rất nhiều chất xơ và amino axit rất hữu ích trong việc kiểm soát nồng độ axit trong dạ dày;
-
Bánh mì hay bột yến mạch: có tác dụng thấm bớt dịch vị dạ dày, hạn chế nguy cơ trào ngược;
-
Đạm dễ tiêu: thịt ngan, thịt thăn lợn, thịt gà,... giúp trung hòa axit, hạn chế triệu chứng khó chịu do trào ngược dạ dày thực quản gây ra;
-
Nghệ và mật ong: đây đều là những gia vị quen thuộc trong gian bếp của người Việt, không những có công dụng gia tăng hương vị cho các món ăn mà còn giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản;
-
Sữa chua: giàu lợi khuẩn, kích thích tiêu hóa rất tốt cho người bị bệnh dạ dày nhưng không nên ăn lúc đói.
Ngoài ra người bệnh cần lưu ý:
-
Hạn chế những món làm tăng tiết axit hoặc gây kích thích lên cơ thắt dưới thực quản như đồ cay nóng, nước có gas, hoa quả nhiều axit như dứa, cam, chanh,...;
-
Chọn những thực phẩm có tính kiềm giúp trung hòa axit như bánh mì, bột yến mạch, các món ăn chế biến từ bột mì,...;
-
Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý;
-
Kiêng uống bia rượu, cà phê và không hút thuốc lá;
-
Không ăn quá no và ăn khuya;
-
Không mặc quần áo quá bó nhất là phần eo;
-
Về tư thế cơ thể: không nằm trong khoảng 2 giờ sau khi ăn xong, không cúi người quá lâu và khi ngủ nên nằm kê đầu cao khoảng 15cm so với chân.
Không nên nằm ngay sau khi vừa ăn xong
Nếu sau khi đã áp dụng các phương pháp trên một thời gian nhưng không có sự thay đổi tích cực nào, người bệnh cần được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Dựa trên nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp với mục tiêu là kiểm soát hiệu quả các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, chữa lành các tổn thương và hạn chế biến chứng.
Nếu bạn đang có những biểu hiện bất thường nghi ngờ mắc trào ngược dạ dày thực quản, hãy đến khám ngay tại Chuyên khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị bệnh.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch khám và tư vấn thêm, hãy liên hệ qua tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!