Tin tức

Nguyên nhân và cách xử trí khi bé bị đi ngoài

Ngày 09/10/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Bé bị đi ngoài thường xuyên sẽ khiến cơ thể bị mất nước và điện giải. Tình trạng tiêu chảy kéo dài ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng trên, cách xử trí như thế nào?

1. Nguyên nhân khiến bé bị đi ngoài?

Hiện tượng đi ngoài thường xuyên ở trẻ do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Dưới đây là một số tác nhân chính khiến bé bị đi ngoài:

- Nhiễm Rotavirus:

Theo thống kê, trường hợp trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus chiếm khoảng 40% trong tổng số ca bệnh. Bệnh này thường xuất hiện vào mùa đông và kéo dài từ 3 - 9 ngày. 

- Nhiễm vi khuẩn:

Khi cơ thể nhiễm những loại vi khuẩn như: E.coli, Shigella, Salmonella, Vibrio cholerae,… sẽ khiến bé đi ngoài thường xuyên. Tiêu chảy do nhiễm khuẩn ở trẻ thường diễn ra vào mùa hè.

- Nhiễm ký sinh trùng:

Nếu bé ăn phải thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm ký sinh trùng thì có thể bị tiêu chảy. 

- Cơ thể thiếu men Lactase:

Trong sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa có chứa nhiều đường Lactose. Đối với những trẻ thiếu hụt men Lactase thì không thể tiêu hóa và hấp thu hoàn toàn được loại đường này. Do đó, bé có thể bị đi ngoài khi uống sữa, do đường Lactose bị ứ đọng lại trong ruột, sau đó chuyển thành axit lactic gây tiêu chảy.

Những trẻ thiếu men Lactase khi uống sữa có thể bị tiêu chảy

Những trẻ thiếu men Lactase khi uống sữa có thể bị tiêu chảy

- Dị ứng hoặc ngộ độc thức ăn:

Protein có trong các loại thực phẩm như: trứng, cá, hải sản,… có thể khiến trẻ bị dị ứng. Dị ứng có thể khiến bé bị đi ngoài thường xuyên. Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng ở trẻ.

- Ăn uống không hợp lý:

Bé có thể bị tiêu chảy nếu ăn quá nhiều thức ăn chưa được nấu chín hoặc chế biến không sạch sẽ. Đồng thời, khi cho trẻ uống nhiều loại nước trái cây có chứa Sorbitol - một loại đường khó tiêu cũng có thể khiến bé bị đi ngoài.

- Sử dụng thuốc kháng sinh:

Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong cơ thể. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng làm chết các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa, đồng thời làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột. Do đó, việc cho trẻ uống thuốc kháng sinh để điều trị khi bị bệnh có thể khiến trẻ bị tiêu chảy.

Thuốc kháng sinh làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột khiến bé bị đi ngoài

Thuốc kháng sinh làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột khiến bé bị đi ngoài

2. Dấu hiệu nhận biết bé bị đi ngoài

Tình trạng tiêu chảy kéo dài sẽ khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng. Vì vậy, bố mẹ nên nhận biết sớm và có biện pháp xử lý kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những dấu hiệu giúp bố mẹ có thể nhận biết tình trạng đi ngoài thường xuyên ở trẻ:

- Đi ngoài nhiều lần trong ngày:

Khi bị tiêu chảy, trẻ có thể đi ngoài trên 3 lần/ngày, kèm theo tăng lượng dịch trong phân. Đi ngoài nhiều lần là dấu hiệu dễ nhận biết nhất. Lúc này, phân của bé sẽ trở nên lỏng, nhiều nước, có thể lẫn chất nhầy, đồng thời phân có mùi tanh hoặc mùi chua rất khó chịu.

Đi ngoài nhiều lần là dấu hiệu thường gặp ở trẻ bị tiêu chảy

Đi ngoài nhiều lần là dấu hiệu thường gặp ở trẻ bị tiêu chảy

- Đau rát hậu môn:

Đi ngoài nhiều lần làm niêm mạc ở vùng hậu môn bị tổn thương. Do đó, bé thường hay quấy khóc vì bị đau rát và khó chịu ở hậu môn.

- Trẻ mệt mỏi, biếng ăn:

Bé luôn cảm thấy khát nước do cơ thể mất quá nhiều nước và điện giải. Đồng thời, việc nôn ói và đi ngoài nhiều khiến trẻ mệt mỏi. Vì vậy, trẻ trở nên chán ăn, bỏ bú và chỉ muốn uống nước.

- Nôn ói:

Nếu bị tiêu chảy do Rotavirus hoặc tụ cầu thì trẻ sẽ bị nôn ói liên tục. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể bị mất nhiều nước và điện giải. Đồng thời, niêm mạc mắt của trẻ cũng trở nên khô, da mất sự đàn hồi, tụt huyết áp thậm chí có thể ngất xỉu.

Khi bị tiêu chảy do Rotavirus hoặc tụ cầu, bé thường bị nôn ói

Khi bị tiêu chảy do Rotavirus hoặc tụ cầu, bé thường bị nôn ói

3. Mẹ nên làm gì khi bé bị đi ngoài?

Để ngăn chặn tình trạng đi ngoài ở trẻ, bố mẹ có thể áp dụng các cách cầm tiêu chảy dưới đây:

- Bù nước:

Tiêu chảy, nôn ói khiến cơ thể bé bị mất nhiều nước và điện giải. Do đó, mẹ nên cho trẻ uống Oresol để nhanh chóng bù lại lượng nước và các chất điện giải đã mất. Mẹ chỉ nên pha và sử dụng sản phẩm này, theo đúng hướng dẫn mà nhà sản xuất ghi trên bao bì. Nếu sau 24 giờ mà trẻ không uống hết dung dịch đã pha thì mẹ nên đổ hết và pha lại. Đồng thời, mẹ có thể bổ sung thêm các loại nước trái cây để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.

- Ăn uống hợp lý:

Khi bị tiêu chảy, mẹ vẫn có thể cho bé ăn bình thường để tránh hiện tượng kiệt sức. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên cho bé ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, mềm, lỏng, ít dầu mỡ để phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương. Trẻ chưa ăn được nhiều, do đó mẹ nên cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Đối với trẻ còn ở giai đoạn bú sữa, cách bù nước tốt nhất lúc này là mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn và bú với cữ lâu hơn. Bởi vì, sữa mẹ không chỉ là nguồn thức ăn thiết yếu mà còn là nguồn cung cấp nước cho bé.

Khi bị tiêu chảy, mẹ nên cho bé ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ để đường ruột của bé nhanh hồi phục

Khi bị tiêu chảy, mẹ nên cho bé ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ để đường ruột của bé nhanh hồi phục

- Cho uống men vi sinh:

Men vi sinh cung cấp các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, từ đó cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột. Vì vậy, bố mẹ nên bổ sung men vi sinh để giảm dần tình trạng tiêu chảy và giúp bé nhanh chóng hồi phục.

Nếu cơ thể trẻ xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao, nôn ói nhiều, phân lẫn máu,… thì bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

4. Cách phòng tránh để bé không bị đi ngoài

Trẻ bị tiêu chảy gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì vậy, việc phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ là rất quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa mà bố mẹ có thể tham khảo:

  • Bình bú và dụng cụ đựng thức ăn của bé nên được vệ sinh bằng nước sôi và để khô.

  • Khi chăm sóc và cho trẻ ăn, mẹ nên rửa tay sạch sẽ với xà phòng. Đồng thời, mẹ nên cũng nên rửa tay cho bé trước và sau khi ăn.

  • Nên cho trẻ ăn những thức ăn đã được nấu chín và có nguồn gốc rõ ràng.

  • Thường xuyên làm sạch đồ chơi của bé, tránh những loại vi sinh vật có thể bám vào khi trẻ ngậm đồ chơi vào miệng.

  • Để tăng cường sức đề kháng giúp trẻ chống lại bệnh tật, mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu.

Nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu để tăng cường sức đề kháng và giúp trẻ phát triển tốt

Nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu để tăng cường sức đề kháng và giúp trẻ phát triển tốt

Bé bị đi ngoài thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì vậy, bố mẹ nên phát hiện sớm và có biện pháp ngăn chặn tiêu chảy kịp thời. Đặc biệt, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường, bố mẹ phải nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, ngay từ lúc này, bố mẹ nên áp dụng các biện pháp đơn giản mà bài viết đã chia sẻ để phòng ngừa tiêu chảy cho bé nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ