Tin tức
Nguyên nhân và triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ai cũng nên biết
- 01/01/2024 | Cách tự chữa thoát vị địa đệm tại nhà hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả
- 01/10/2023 | Thoát vị đĩa đệm là gì? Ai có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm?
- 05/05/2023 | Đau cột sống lưng: các nguyên nhân, triệu chứng và cách ngăn ngừa
1. Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?
Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, gồm hai phần chính:
- Nhân nhầy: Chất dịch bên trong đĩa đệm, có tác dụng giảm chấn động và tạo độ linh hoạt cho cột sống.
- Vòng sợi: Bao quanh nhân nhầy, giữ cho đĩa đệm ở đúng vị trí.
Bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng xảy ra khi phần nhân nhầy trong đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép lên các dây thần kinh quanh cột sống.
Hình ảnh mô phỏng bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
2. Nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?
2.1. Lão hóa
Tuổi tác là một trong những yếu tố dễ dẫn đến gây thoát vị đĩa đệm. Tuổi tác càng tăng thì tính đàn hồi của đĩa đệm càng giảm, đĩa đệm cũng khô cứng và dễ bị tổn thương hơn. Theo thời gian, vòng sợi quanh nhân nhầy bị rách. Đây chính là nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
2.2. Chấn thương
Bị chấn thương, tai nạn ở vùng lưng rất dễ gây tổn thương đĩa đệm cột sống thắt lưng. Tổn thương đó chính là cơ hội để nhân nhầy thoát ra ngoài và gây chèn ép lên dây thần kinh.
2.3. Tư thế sai
Ngồi hoặc đứng sai tư thế trong thời gian dài có thể tạo áp lực lên cột sống và đĩa đệm. Đặc biệt, khi nâng vác vật nặng thực hiện sai tư thế cúi lưng cũng có thể gây ra thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
2.4. Yếu tố nguy cơ
- Thừa cân
Thừa cân làm tăng áp lực lên cột sống, đặc biệt là vùng thắt lưng. Phải chịu đựng áp lực này liên tục có thể làm cho đĩa đệm bị tổn thương và dẫn đến thoát vị.
- Di truyền
Do yếu tố gen di truyền nên một số người có cấu trúc đĩa đệm yếu hơn. Vì thế, họ có nguy cơ với bệnh lý này cao hơn người bình thường.
- Nghề nghiệp
Người làm nghề lái xe, người mẫu thường xuyên đi giày cao gót,... có nguy cơ cao hơn với thoát vị đĩa đệm.
3. 5 triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng phổ biến nhất
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân nhưng dưới đây là các tình trạng dễ gặp nhất:
3.1. Đau lưng
Đau lưng dữ dội là triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng không thể bỏ qua. Người bệnh xuất hiện cơn đau đột ngột và dữ dội, kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Vị trí đau mạnh nhất ở vùng thắt lưng. Cảm giác đau có thể chạy lan theo đường chạy của dây thần kinh tọa xuống đến mông hoặc chân.
Đau thắt lưng dữ dội do dây thần kinh bị chèn ép khi thoát vị đĩa đệm
3.2. Đau lan xuống chân
Đau lan xuống chân là kết quả từ việc đĩa đệm chèn vào dây thần kinh tọa. Người bệnh thường cảm thấy đau nhiều hơn ở mặt sau đùi và bắp chân. Triệu chứng này thường xuất hiện khi người bệnh đứng lâu, cúi hoặc ho, hắt hơi.
3.3. Tê bì chân
Người bị thoát vị đĩa đệm còn dễ cảm thấy tê bì ở vùng lưng dưới, nhất là mông và chân. Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng này xuất hiện do dây thần kinh bị chèn ép gây ảnh hưởng đến quá trình truyền tín hiệu thần kinh.
Không những thế, người bệnh còn thường xuyên có cảm giác như bị kim châm ở vùng lưng dưới, hông và chân.
3.4. Yếu cơ
Chèn ép dây thần kinh có thể khiến cho các cơ do dây thần kinh đó điều khiển bị suy yếu. Đây là lý do khiến cho người bệnh khi đứng quá lâu một chỗ, mang vác đồ nặng hay di chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn.
3.5. Khó khăn trong việc vận động
Người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường gặp khó khăn khi cúi người, xoay người hoặc đứng dậy sau khi ngồi lâu. Việc thực hiện các động tác này gây đau và cản trở sự linh hoạt của cột sống.
4. Biến chứng có thể xảy ra khi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng không điều trị sớm
Biến chứng do thoát vị có thể xảy ra khi người bệnh không nhận diện sớm triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng để điều trị ngay. Thường gặp nhất là các tình trạng:
- Rối loạn tiểu tiện: Người bệnh bị mất kiểm soát trong việc tiểu tiện nên tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu.
- Yếu liệt chi dưới: Nếu dây thần kinh bị chèn ép quá mức và kéo dài, người bệnh có thể mất cảm giác và sức mạnh ở hai chân. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị liệt hai chân, mất khả năng đi lại.
- Hẹp ống sống: Không gian dây thần kinh trong cột sống bị thu hẹp do thoát vị nên các triệu chứng như tê bì, đau và yếu cơ ngày càng nghiêm trọng.
Hẹp ống sống do người bệnh không phát hiện ra triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng để điều trị
5. Làm cách nào để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng?
- Chú ý để thực hiện đúng tư thế ngồi, đứng, cúi lưng, đặc biệt là khi nâng vật nặng. Điều này giúp cột sống được bảo vệ trước các nguy cơ gây thoát vị.
- Tập các bài tập thể dục giúp hệ cơ được tăng sức mạnh, cột sống thêm linh hoạt để giảm áp lực cho vùng đĩa đệm.
- Duy trì cân nặng ổn định để giảm áp lực lên cột sống, đặc biệt là vùng thắt lưng.
- Hạn chế thực hiện hành động mang vật nặng quá sức. Trường hợp cần nâng vật nặng, khi nâng hãy chú ý thao tác sao cho đúng và không cúi sai tư thế.
Sau những chia sẻ ở trên, mong rằng bạn có thể dễ nhận diện được triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng để thăm khám kịp thời, tìm hướng điều trị sớm. Đây cũng là cách giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của bệnh lý này tới chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa các biến chứng gây ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cùng bác sĩ chuyên khoa Cơ - xương khớp của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn đặt lịch hẹn nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!