Tin tức

Nhận diện triệu chứng bệnh nhức đầu Migraine điển hình

Ngày 22/06/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Đau nửa đầu Migraine là một trong những bệnh đau đầu mãn tính chưa tìm ra nguyên nhân, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh. Triệu chứng bệnh nhức đầu Migraine thường bắt đầu xuất hiện ở tuổi trưởng thành, bệnh nhân cần kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống để hạn chế cơn đau.

1. Bệnh nhức đầu Migraine là gì?

Bệnh nhức đầu Migraine hay còn gọi là chứng đau nửa đầu thường gặp nhiều hơn ở nữ giới. Bệnh khởi phát là cơn đau đầu vừa hoặc nặng, trường hợp đau một nửa đầu thường nhói đau rất khó chịu. Đi kèm với đau đầu, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng khác do ảnh hưởng của thần kinh.

Triệu chứng bệnh nhức đầu Migraine

Nhức đầu Migraine thường xảy ra ở nữ giới

Ở từng người, vị trí cơn đau có thể khác nhau, có người chỉ đau một nửa bên đầu nhất định nhưng cũng có người mỗi lần tái phát lại đau ở vị trí khác nhau. Bệnh nhức đầu Migraine có thể khởi phát thường xuyên gây đau đến vài lần/tuần hoặc ít gặp hơn. 

Bệnh nhức đầu Migraine hiện được chia thành 3 nhóm sau:

Đau nửa đầu có dấu hiệu thoáng qua

Những bệnh nhân này trước khi có triệu chứng đau nửa đầu Migraine sẽ có dấu hiệu báo trước, ví dụ như nhìn thấy những tia sáng lóe lên.

Đau nửa đầu không có dấu hiệu thoáng qua

Đây là dạng nhức đầu Migraine phổ biến nhất, bệnh nhân sẽ xuất hiện những cơn đau nghiêm trọng và đột ngột mà không có dấu hiệu cảnh báo trước.

Đau nửa đầu Migraine có dấu hiệu thoáng qua nhưng không gây nhức đầu

Dạng này khá hiếm gặp. Bệnh nhân có đầy đủ dấu hiệu báo trước hoặc triệu chứng ảnh hưởng khác nhưng không bị đau đầu. 

Bệnh sẽ tiến triển theo nhiều giai đoạn, giai đoạn càng nặng thì cơn đau đầu cùng các triệu chứng bệnh càng xuất hiện thường xuyên, nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân cần điều trị tích cực bằng thuốc, chăm sóc và nghỉ ngơi tại nhà mới có thể kiểm soát đau đầu Migraine. 

2. Triệu chứng bệnh nhức đầu Migraine điển hình

Bệnh nhức đầu Migraine có thể khởi phát rất sớm từ khi bạn ở độ tuổi trẻ nhỏ hay thanh thiếu niên. Song đa phần đối tượng mắc bệnh là phụ nữ, khởi phát triệu chứng khi trưởng thành. Nhức đầu Migraine có 4 giai đoạn tiến triển với đặc điểm triệu chứng là khác nhau. Có những bệnh nhân không trải qua tất cả các giai đoạn này.

2.1. Triệu chứng bệnh nhức đầu Migraine giai đoạn sớm

Đây là giai đoạn kéo dài 1 - 2 ngày trước khi cơn đau đầu Migraine diễn ra. Tùy vào thể bệnh mà người bệnh sẽ gặp những dấu hiệu cảnh báo hoặc không, bao gồm:

  • Thèm ăn một số món.

  • Táo bón.

  • Thay đổi tâm trạng, từ buồn rầu sang hưng phấn bất thường.

  • Có cảm giác khát nước nhiều hơn, đi tiểu nhiều hơn.

  • Thường xuyên ngáp.

2.2. Triệu chứng nhức đầu Migraine giai đoạn tiền triệu

Dấu hiệu báo thoáng qua trước khi những cơn nhức đầu Migraine xuất hiện lúc này rõ ràng hơn, đặc biệt là các triệu chứng thần kinh. Mỗi triệu chứng xuất hiện có thể kéo dài từ vài phút đến 60 phút, bao gồm:

Trước khi nhức đầu Migraine xuất hiện, bệnh nhân thường có dấu hiệu thị giác thoáng qua

Trước khi nhức đầu Migraine xuất hiện, bệnh nhân thường có dấu hiệu thị giác thoáng qua

  • Mất thị lực tạm thời.

  • Rối loạn thị giác, bệnh nhân nhìn thấy những điểm sáng hoặc tia sáng lóe lên với nhiều hình dạng khác nhau không có thực

  • Cảm giác tê, yếu ở một bên cơ thể hoặc một bên mặt.

  • Cảm giác châm chích ở một bên cánh tay hoặc một bên chân.

  • Chứng mất khả năng hiểu ngôn ngữ tạm thời.

  • Ảo giác thính giác và khứu giác.

2.3. Triệu chứng giai đoạn đau nửa đầu Migraine

Cơn đau nửa đầu Migraine xuất hiện thực sự sẽ kéo dài từ 4 - 72 tiếng, mức độ và vị trí đau có thể khác nhau ở mỗi người. Nếu không can thiệp điều trị, cơn đau sẽ khiến bệnh nhân không thể làm việc hay hoạt động.

Cụ thể, cơn đau nửa đầu Migraine xuất hiện cùng triệu chứng khác như sau:

  • Đau nặng ở một nửa đầu bên trái hoặc bên phải

  • Tăng nhạy cảm với âm thành, ánh sáng, đôi khi với cả mùi hoặc xúc cảm khi chạm vào một số đồ vật.

  • Cơn đau đầu thường nhói lên, đau nghiêm trọng giống như bị đập vào đầu.

  • Bị buồn nôn, nôn mửa.

2.4. Triệu chứng giai đoạn sau nhức đầu Migraine

Khi cơn đau đầu nghiêm trọng nhất đã qua đi, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, tinh thần kiệt quệ không đủ tỉnh táo để sinh hoạt hay làm việc. Lúc này, họ cần nghỉ ngơi cả ngày mới có thể phục hồi tinh thần trở lại bình thường.

Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi khi cơn nhức đầu qua đi

Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi khi cơn nhức đầu qua đi

Song ở một số người, sau khi cơn đau đầu Migraine qua đi, họ cảm thấy phấn chấn hơn. Nếu sau cơn đau đầu Migraine, người bệnh vận động đầu đột ngột hoặc căng thẳng quá mức, cơn đau có thể tái phát nhanh chóng.

Như vậy, ngay khi những triệu chứng cảnh báo xuất hiện, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ giảm đau khi cơn đau xuất hiện thực sự. Đặc biệt các triệu chứng đau đầu Migraine nặng cần can thiệp y tế để phòng ngừa biến chứng.

3. Điều trị đau đầu Migraine như thế nào?

Nguyên nhân chính xác gây nhức đầu Migraine vẫn chưa được xác định, vì thế mục tiêu điều trị là chấm dứt triệu chứng bệnh và phòng ngừa các đợt tái phát. Bệnh nhân cần kết hợp và điều trị kiên trì giữa thuốc và các biện pháp chăm sóc tại nhà.

Phương pháp điều trị bệnh tập trung vào 3 điểm sau:

  • Tránh yếu tố kích hoạt.

  • Điều trị triệu chứng.

  • Điều trị dự phòng.

3.1. Thuốc điều trị đau đầu Migraine

Khi những cơn đau đầu Migraine và triệu chứng xuất hiện, có thể dùng thuốc giảm đau như: thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDS, thuốc giảm đau opioid,…

Mục tiêu điều trị bệnh là chấm dứt triệu chứng bệnh và phòng ngừa các đợt tái phát

Mục tiêu điều trị bệnh là chấm dứt triệu chứng bệnh và phòng ngừa các đợt tái phát

Sau cơn đau, bệnh nhân có thể dùng thuốc phòng ngừa hàng ngày để giảm tần suất xuất hiện của cơn đau cũng như mức độ cơn đau như: thuốc chẹn beta để hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống động kinh,…

3.2. Phòng ngừa và kiểm soát tại nhà

Triệu chứng nhức đầu Migraine sẽ được giảm nhẹ với các biện pháp sau:

  • Ngừng làm việc, nghỉ ngơi, nhắm mắt và nằm thư giãn trong không gian yên tĩnh, ít ánh sáng.

  • Bấm huyệt chữa đau đầu.

  • Uống nhiều nước và các loại nước hoa quả, nước ion.

  • Chườm mát vùng trán.

Một số biện pháp tăng hoạt động não và giảm căng thẳng mệt mỏi như: tập thiền, liệu pháp phản hồi sinh học, tập thể dục,… sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh nhức đầu Migraine tốt hơn trong tương lai. Hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ để chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tốt hơn, giảm triệu chứng bệnh nhức đầu Migraine xuất hiện.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.