Tin tức

Nhận diện triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối và cách chăm sóc người bệnh

Ngày 08/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI.BSNT Phạm Văn Quang
Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư có tiên lượng xấu nhất hiện nay. Ở giai đoạn cuối, khối u đã di căn đến nhiều cơ quan khác nên sức khỏe người bệnh giảm sút rõ rệt, việc điều trị trở nên vô cùng phức tạp. Nhận biết triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối và biết cách chăm sóc hợp lý sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

1. Ung thư tụy giai đoạn cuối là như thế nào?

Giai đoạn cuối của Ung thư tụy thường đề cập đến giai đoạn 4, khi tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi, phúc mạc.

Do đã bước vào giai đoạn cuối của bệnh ung thư tụy nên tình trạng di căn đến các hệ cơ quan khác diễn ra nhanh chóng, thời gian sống của người bệnh đã bị rút ngắn đáng kể.

Ung thư tụy giai đoạn cuối có thể xâm lấn sang gan và nhiều cơ quan khác

Ung thư tụy giai đoạn cuối có thể xâm lấn sang gan và nhiều cơ quan khác

2. Triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối là gì?

Ung thư tụy là khó phát hiện sớm vì triệu chứng thường mơ hồ, không đặc hiệu ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, các dấu hiệu trở nên rõ rệt và nghiêm trọng hơn:

2.1. Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân

Đây là triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối diễn ra rất nhanh chóng và đột ngột. Người bệnh có thể giảm 5 – 10kg chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng dù không hề thay đổi về chế độ ăn hay sinh hoạt. Nguyên nhân khiến người bệnh bị giảm cân là:

- Khối u gây rối loạn khả năng hấp thu và tiêu hóa.

- Cơ thể phải tiêu hao nhiều năng lượng để chống lại sự nhân lên của tế bào Ung thư.

- Tâm lý lo âu, cảm giác chán ăn của người bệnh làm cho lượng dinh dưỡng nạp vào bị giảm sút nghiêm trọng.

2.2. Đau bụng dữ dội, lan ra sau lưng

Bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn cuối thường đau ở vùng thượng vị hoặc giữa bụng, sau đó lan ra sau lưng do khối u tụy xâm lấn hoặc chèn ép dây thần kinh. Cơn đau có đặc điểm:

- Đau liên tục, âm ỉ hoặc dữ dội.

- Tăng cảm giác đau vào ban đêm hoặc sau khi ăn.

- Đau đến mức người bệnh mất ngủ và mệt mỏi triền miên.

Đau bụng dữ dội triền miên có thể là triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối

Đau bụng dữ dội triền miên có thể là triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối

2.3. Vàng da, vàng mắt

Khối u tụy, nhất là khối u nằm ở đầu tuyến tụy sẽ chèn ép vào ống mật chủ, làm dịch mật không thể lưu thông và bị ứ lại trong gan. Khi đó, triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối mà bệnh nhân gặp phải là:

- Da và lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng.

- Phân bạc màu, nước tiểu màu sẫm như nước trà.

- Có thể kèm theo ngứa da toàn thân do muối mật tích tụ dưới da.

2.4. Buồn nôn và nôn

Khối u chèn ép dạ dày hoặc tá tràng khiến thức ăn không thể di chuyển xuống ruột non nên bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn cuối sẽ có triệu chứng:

- Đầy hơi, chướng bụng và buồn nôn sau ăn.

- Nôn ra thức ăn chưa tiêu hết và thường nôn kèm dịch mật.

2.5. Mệt mỏi và chán ăn kéo dài

Tâm lý lo lắng, mất ngủ, cảm giác đau đớn chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn cuối trở nên chán ăn, cơ thể suy kiệt do thiếu dinh dưỡng, mệt mỏi kéo dài,... Nếu người bệnh bỏ ăn rất dễ khiến cơ thể mất sức, không đủ khả năng đáp ứng điều trị.

2.6. Rối loạn tiêu hóa

Triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối dễ gặp nữa là tình trạng rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như:

- Tiêu chảy mạn tính, phân lỏng, nát, có mỡ, có mùi hôi.

- Táo bón kéo dài, đi ngoài khó khăn, đau bụng âm ỉ.

Tình trạng rối loạn này khiến người bệnh khó kiểm soát chế độ ăn, dễ mất nước và điện giải.

2.7. Khởi phát đái tháo đường

Trong một số trường hợp, đái tháo đường xuất hiện đột ngột ở người không có tiền sử, đây cũng có thể là triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối. Nguyên nhân của sự khởi phát này là do khối u xâm lấn làm tuyến tụy giảm tiết insulin, tăng đường huyết không kiểm soát. Bởi vậy, người bệnh sẽ có hiện tượng khát nước thường xuyên, đi tiểu nhiều lần,...

2.8. Các triệu chứng toàn thân khác

Ở giai đoạn cuối của bệnh, người bệnh thường xuất hiện nhiều triệu chứng toàn thân như:

- Sốt nhẹ kéo dài, thường gặp ở bệnh nhân có bội nhiễm đường mật.

- Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu dinh dưỡng hoặc chảy máu vi thể.

- Báng bụng nếu ung thư di căn gan gây xơ gan hoặc tắc tĩnh mạch cửa.

3. Tính chất nguy hiểm của bệnh ung thư tụy giai đoạn cuối và cách chăm sóc người bệnh

3.1. Ung thư tụy giai đoạn cuối nguy hiểm như thế nào?

Các triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối về cơ bản không thể chữa khỏi mà chỉ có thể kiểm soát tiến triển để giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Theo thông tin từ Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, ở giai đoạn này, tiên lượng sống của bệnh nhân không quá 1 - 2 năm. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm với trường hợp ung thư tuyến tụy PAC di căn chỉ khoảng 3%. 

Mục tiêu chính khi điều trị ung thư tụy giai đoạn cuối là giảm triệu chứng để kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân chứ không thể chữa khỏi bệnh.

Nếu không đáp ứng điều trị, bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn cuối thậm chí còn có nguy cơ gặp biến chứng xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng đường mật, tắc ruột,... Những biến chứng này trở thành nguyên nhân khiến bệnh thêm trầm trọng và tăng nguy cơ tử vong đột ngột.

Cải thiện triệu chứng là mục đích chính của điều trị ung thư tụy giai đoạn cuối

Cải thiện triệu chứng là mục đích chính của điều trị ung thư tụy giai đoạn cuối

3.2. Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn cuối

3.2.1. Chăm sóc dinh dưỡng

Chế độ ăn của người bệnh cần đảm bảo đầy đủ calo, protein và vi chất để duy trì thể trạng. Nên chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa/ngày, ưu tiên các món dễ tiêu hóa như súp, cháo, sữa... Cần tránh cho người bệnh ăn các món chiên xào, đồ ngọt, nước uống có gas. 

Trường hợp cần thiết bác sĩ có thể chỉ định thêm enzym tụy để cải thiện chức năng tiêu hóa. Nếu bệnh nhân không thể ăn uống thì bác sĩ có thể xem xét việc cung cấp dinh dưỡng qua ống thông dạ dày hoặc đường tĩnh mạch.

3.2.2. Giảm đau và kiểm soát triệu chứng

Tùy vào mức độ đau của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc dùng thuốc giảm đau phù hợp để tránh lệ thuộc và tác dụng phụ. Thuốc chống nôn như ondansetron, metoclopramide,... có thể được chỉ định để giúp người bệnh ăn uống tốt hơn, giảm nôn sau ăn.

Nếu cần thiết, người bệnh cũng có thể được kê đơn thuốc chống tiêu chảy, thuốc nhuận tràng, gây tê thần kinh hoặc chăm sóc giảm nhẹ chuyên sâu.

3.2.3. Hỗ trợ tâm lý

Ở giai đoạn cuối, người bệnh dễ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm, sợ hãi. Người thân cần thường xuyên động viên, lắng nghe và tạo môi trường sống tích cực, yên tĩnh cho bệnh nhân. Nếu cần thiết có thể nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý giúp người bệnh có được tinh thần tích cực trong giai đoạn này.

Tầm soát ung thư định kỳ là giải pháp tốt nhất để sàng lọc nguy cơ, tránh tình trạng phát hiện khi đã có triệu chứng ung thư tụy giai đoạn cuối. Quý khách hàng có nhu cầu tầm soát ung thư có thể liên hệ đặt lịch trước cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Từ khoá: ung thư tụy Ung thư

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ