Tin tức
Nhiễm não mô cầu: Những thông tin cần lưu tâm
- 25/09/2024 | Viêm màng não mô cầu là gì? Làm sao để phòng tránh?
- 08/10/2024 | Viêm não mô cầu B và C: nguyên nhân và triệu chứng nhận diện
- 19/12/2024 | Viêm màng não mô cầu ACYW giá bao nhiêu?
1. Nhiễm não mô cầu: Nguyên nhân và triệu chứng cảnh báo
1.1. Nguyên nhân gây nhiễm não mô cầu
Nhiễm não mô cầu là tình trạng viêm xảy ra ở lớp màng bao quanh não và tủy sống. Bệnh do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Vi khuẩn não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp khi có sự tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh.
Vi khuẩn Neisseria meningitidis xâm nhập vào đường hô hấp, đi vào máu và tới não. Các chủng vi khuẩn thường gặp của nhóm này là A, B, C, W, Y và X.
Nguy cơ cao đối với lây nhiễm não mô cầu thường gặp ở:
- Trẻ <5 tuổi, thanh thiếu niên và người trưởng thành 15 - 24 tuổi.
- Người sống, làm việc trong môi trường đông đúc.
- Người bị suy giảm miễn dịch.
- Người sống ở các khu vực đang có dịch não mô cầu.
Vi khuẩn Neisseria meningitidis - tác nhân gây nhiễm não mô cầu
1.2. Triệu chứng cảnh báo nhiễm não mô cầu
Ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân nhiễm khuẩn não mô cầu thường bị sốt cao đột ngột, cứng cổ, cử động cổ khó khăn, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, nhạy cảm với ánh sáng,...
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, vi khuẩn gây bệnh tấn công vào máu, gây ra nhiễm trùng huyết. Người bệnh sẽ gặp phải triệu chứng nặng hơn như: Phát ban da dạng vết đỏ hoặc tím dưới da không mất đi khi dùng tay ấn vào, lú lẫn, mất ý thức, co giật, suy hô hấp,...
2. Nhiễm não mô cầu và những biến chứng nguy hiểm
Nếu không phát hiện để điều trị ngay, bệnh nhân bị nhiễm não mô cầu có thể gặp phải các biến chứng:
- Tổn thương não vĩnh viễn
Vi khuẩn Neisseria meningitidis gây viêm và tổn thương lớp màng bảo vệ não và tủy sống. Nếu không điều trị sớm, vi khuẩn có thể gây phù não, xuất huyết não làm chết tế bào thần kinh. Điều này khiến cho người bệnh phải đối mặt với các di chứng lâu dài như giảm trí nhớ, mất khả năng tư duy, rối loạn hành vi, giảm chức năng vận động,...
- Mất thính lực
Nếu nhiễm não mô cầu làm tổn thương dây thần kinh thính giác, người bệnh sẽ bị giảm thính lực hoặc điếc vĩnh viễn.
- Hoại tử tứ chi
Trong trường hợp nhiễm trùng huyết do não mô cầu, vi khuẩn có thể gây tắc nghẽn mạch máu, làm hoại tử các mô ở tay, chân. Lúc này, bệnh nhân buộc phải cắt bỏ chi để bảo toàn tính mạng.
- Suy đa cơ quan
Vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu, làm suy giảm chức năng của các cơ quan như gan, thận, phổi,... Suy đa cơ quan là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, thường dẫn đến tử vong.
- Tử vong
Các biến chứng do nhiễm khuẩn não mô cầu nếu không được điều trị ngay có nguy cơ cao đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Trường hợp được cứu sống, nhiều bệnh nhân vẫn phải đối mặt với các di chứng nặng nề suốt đời.
Nhiễm não mô cầu gây tổn thương tế bào thần kinh não, dễ để lại di chứng nặng nề về vận động
3. Cách chẩn đoán và điều trị nhiễm não mô cầu
3.1. Chẩn đoán
Chẩn đoán nhiễm não mô cầu cần được thực hiện nhanh chóng với các phương pháp:
- Xét nghiệm dịch não tủy
Đây là phương pháp chính được dùng để chẩn đoán viêm màng não do nhiễm não mô cầu. Người bệnh sẽ được chọc dò tủy sống thắt lưng để lấy mẫu dịch não tủy. Dịch não tủy sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định sự hiện diện của vi khuẩn Neisseria meningitidis.
- Xét nghiệm máu
Ngoài xét nghiệm dịch não tủy, xét nghiệm máu cũng giúp phát hiện vi khuẩn não mô cầu trong máu, đặc biệt là trong giai đoạn nhiễm trùng huyết. Xét nghiệm này chính là căn cứ để bác sĩ đánh giá được tính chất nghiêm trọng của bệnh.
- Chẩn đoán hình ảnh
Để loại trừ các nguyên nhân khác hoặc đánh giá mức độ tổn thương ở não, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT-Scanner hoặc chụp MRI.
3.2. Điều trị
Điều trị nhiễm não mô cầu là sự kết hợp giữa nhiều phương pháp khác nhau kết hợp với các biện pháp hỗ trợ:
- Dùng thuốc kháng sinh
Sử dụng thuốc kháng sinh là phác đồ chính khi điều trị viêm não do nhiễm khuẩn mô cầu. Người bệnh được tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa. Các loại kháng sinh thường được bác sĩ sử dụng như: Penicillin, Ceftriaxone, Cefotaxime,... với liều lượng và thời gian sử dụng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Điều trị biến chứng
Trường hợp người bệnh gặp phải các biến chứng như nhiễm trùng huyết, tổn thương não, suy đa cơ quan,... bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chuyên sâu phù hợp với hiện trạng sức khỏe người bệnh.
Nếu bệnh nhân bị hoại tử tứ chi do tắc mạch, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ mô chết để ngăn không cho nhiễm trùng lan rộng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo không có biến chứng thêm và thực hiện các biện pháp giúp phục hồi chức năng cho vùng bị cắt bỏ.
- Biện pháp hỗ trợ
Bệnh nhân nhiễm não mô cầu cũng cần được bù nước và điện giải để cơ thể không bị mất nước do sốt cao và nôn.
Nhân viên y tế tại MEDLATEC tiêm vắc xin phòng não mô cầu cho khách hàng
Nhiễm não mô cầu là trường hợp cực kỳ nguy hiểm bởi tính chất diễn biến phức tạp của biến chứng. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả nhờ các phương pháp điều trị và tiêm vắc xin phòng ngừa. Mỗi cá nhân nên chủ động đến cơ sở tiêm phòng để được tư vấn và thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh.
Trường hợp xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ nhiễm não mô cầu như đã đề cập ở trên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, thực hiện những kiểm tra giúp chẩn đoán đúng, điều trị bệnh tích cực.
Quý khách hàng nếu nghi ngờ có dấu hiệu của nhiễm não mô cầu có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hỗ trợ đặt lịch khám nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
