Tin tức
Nhiễm sán lá gan: Những thông tin nên biết
- 23/11/2024 | Lý do nên lựa chọn xét nghiệm giun sán tại nhà miền Tây và thời điểm thực hiện phù hợp
- 15/01/2025 | Bệnh sán lá ruột: Nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị
- 05/04/2025 | Bệnh sán chó có lây từ người sang người không? Cách phòng ngừa và xử trí khi nghi ngờ nhiễm...
1. Sán là gan có những loại nào?
Sán lá gan là nhóm ký sinh trùng thuộc lớp Trematoda, sống ký sinh trong gan động vật và người. Có hai loại phổ biến:
- Sán lá gan nhỏ: Clonorchis sinensis hoặc Opisthorchis viverrini. Nhóm sán này thường ký sinh ở ống mật của gan. Người bị nhiễm do ăn cá sống hoặc chưa nấu chín kỹ.
- Sán lá gan lớn: Fasciola hepatica, Fasciola gigantica. Đây là nhóm sán chủ yếu ký sinh ở gan động vật ăn cỏ như trâu, bò và có thể lây sang người thông qua ăn rau sống hoặc uống nước có ấu trùng sán.
Hình ảnh của sán lá gan lớn
2. Sán lá gan lây nhiễm sang người bằng cách nào?
Có hai loại sán lá gan, mỗi loại lây nhiễm sang con người theo từng cách thức khác nhau:
2.1. Sán lá gan nhỏ
Vật chủ chính là các loại động vật như mèo, chó, chuột, chồn,... và con người. Vật chủ trung gian đầu tiên truyền bệnh là ốc họ Thiaridae (ví dụ: Parafossarulus manchouricus, Bithynia spp). Vật chủ trung gian thứ hai truyền bệnh thường là cá nước ngọt,...
Sở dĩ con người bị lây nhiễm sán lá gan là do ăn phải những loài động vật chứa ấu trùng sán chưa được nấu chín. Ấu trùng này xuống dạ dày, tá tràng, theo đường mật lên gan và phát triển thành sán lá gan trưởng thành. Lúc này, sán sẽ sống ký sinh ở đường mật và gây bệnh tại đây.
2.2. Bệnh sán lá gan lớn
Vật chủ chính là động vật ăn cỏ, vật chủ trung gian lây truyền sán lá gan là ốc họ Lymnaea. Con người là vật chủ ngẫu nhiên.
Người bị lây nhiễm sán lá gan lớn khi uống nước chưa đun sôi kỹ hoặc rau mọc dưới nước có chứa ấu trùng sán.
3. Tiến triển của bệnh sán lá gan
Bệnh sán lá gan tiến triển qua 2 giai đoạn, gồm:
3.1. Giai đoạn xâm nhập và ủ bệnh
- Ở sán lá gan lớn, sau khi xuyên qua thành ruột, ấu trùng mất khoảng 6 - 8 tuần để di chuyển đến gan, gây viêm gan và hoại tử mô gan trong giai đoạn cấp.
- Ở sán lá gan nhỏ, triệu chứng thường kín đáo và sán có thể trưởng thành trong đường mật sau khoảng 1 tháng.
3.2. Giai đoạn phát triển tại đường mật
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, sán lá gan sẽ xuống dạ dày, tá tràng và vào gan qua đường mật. Sán lá gan trưởng thành tại đây, tiếp tục cư trú rồi di chuyển đến đường mật. Sán lá gan tiết ra độc tố và gây viêm, tổn thương mô gan - mật. Toàn bộ quá trình này thường xảy ra trong khoảng vài tháng.
4. Mức độ nguy hiểm của bệnh sán lá gan và triệu chứng thường gặp
4.1. Mức độ nguy hiểm của bệnh sán lá gan
Sán lá gan xâm nhập vào đường tiêu hóa nên đầu tiên, chúng sẽ khiến đường tiêu hóa bị rối loạn. Nếu không bị tiêu diệt, sán lá gan sẽ tiếp tục phát triển và khiến người bệnh gặp phải nhiều tổn thương nặng nề:
- Tổn thương gan, mật: Quá trình di chuyển đến và ký sinh tại gan, mật của sán khiến ống mật bị viêm, xơ hóa, đường dẫn mật bị tắc nghẽn.
- Áp xe gan, viêm đường mật: Độc tố do sán lá gan tiết ra gây nhiễm trùng nặng cho gan, mật.
- Ung thư đường mật: Có thể gặp phải ở bệnh nhân lây nhiễm sán lá gan nhỏ lâu ngày mà không được điều trị dứt điểm.
Sán lá gan không được điều trị sớm dễ gây viêm nhiễm hệ thống đường mật, nguy hiểm đến sự sống
4.2. Triệu chứng gặp phải khi mắc bệnh sán lá gan
4.2.1. Với trường hợp mắc bệnh do sán lá gan nhỏ
Số đông trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ chỉ tình cờ phát hiện khi xét nghiệm phân vì không có triệu chứng rõ ràng. Nếu số lượng sán ký sinh trong cơ thể trên 100 con thì mới gây nên các triệu chứng như: nôn, rối loạn tiêu hóa, táo bón và tiêu chảy xen kẽ, ăn không ngon miệng, nổi mẩn đỏ, đau bụng, sụt cân,...
Nếu sán gây tổn thương gan mật nghiêm trọng, người bệnh sẽ bị vàng da, ứ mật, sưng và đau ống dẫn mật, gan to,...
4.2.2. Với trường hợp mắc bệnh do sán lá gan lớn
Ở giai đoạn ủ bệnh, người bị nhiễm sán lá gan lớn có triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ, tiêu chảy, đau hạ sườn phải, nhức đầu,... Sang giai đoạn phát triển, do sán trưởng thành trong ống mật nên người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, gan to, vàng da, tiêu chảy xen kẽ táo bón, dị ứng, sức khỏe suy kiệt,...
5. Chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan như thế nào?
5.1. Chẩn đoán
Để chẩn đoán nhiễm sán lá gan, người bệnh cần thực hiện nhiều phương pháp kiểm tra khác nhau như:
- Xét nghiệm sinh hóa máu tìm kháng thể sán lá gan.
- Hút dịch tá tràng, xét nghiệm phân trứng: Tìm kiếm trứng sán để xác định đúng loại sán mắc phải.
- Xét nghiệm ELISA: Nồng độ kháng thể IgG và IgE tăng vượt ngưỡng cho thấy dương tính với sán lá gan.
- Chẩn đoán hình ảnh: Tùy từng trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng, chụp CT-Scanner đường mật,... để chẩn đoán và đánh giá mức độ tổn thương do sán lá gan gây nên.
Hình ảnh mô phỏng nội soi mật tụy ngược dòng chẩn đoán bệnh sán lá gan
5.2. Điều trị
Sau khi xác định được tác nhân gây bệnh, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc tiêu diệt sán như Triclabendazole, Praziquantel,... Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả, có ổ áp xe gan kích thước >5cm, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn sán ký sinh.
Bản thân người bị nhiễm sán lá gan rất khó xác định đúng khả năng lây nhiễm của mình. Vì thế, nếu đã có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn, hướng dẫn đặt lịch xét nghiệm ký sinh trùng giúp chẩn đoán đúng khả năng lây nhiễm.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
