Tin tức

Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp là gì và các phòng ngừa bệnh

Ngày 27/01/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Nhiễm trùng đường hô hấp trên là những bệnh lý hô hấp thường gặp ở mọi đối tượng, thời điểm thường mắc phải trong năm là mùa thu và đông. Phần lớn bệnh do virus gây ra, song vẫn có trường hợp do vi khuẩn bệnh sẽ nặng và khó điều trị hơn. Nắm được cụ thể nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp là gì sẽ giúp bệnh nhân chủ động chăm sóc và điều trị đúng cách.

1. Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp là gì?

Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan thuộc đường dẫn khí trên như: thanh quản, khoang mũi, lỗ mũi, đường mũi, hầu họng,… Bệnh xảy ra cấp tính, nghĩa là triệu chứng bệnh xuất hiện đột ngột, dồn dập nhưng không kéo dài.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường xảy ra khi giao mùa

Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường xảy ra khi giao mùa

Người lớn thường mắc nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ít nhất 1 lần trong năm, với trẻ nhỏ hay người già có hệ miễn dịch yếu có thể mắc nhiều lần hơn. Thời gian mắc bệnh thường từ 3 - 14 ngày, nếu triệu chứng kéo dài hơn được gọi là nhiễm trùng đường hô hấp trên mạn tính.

Mặc dù là bệnh thường gặp và thường không kéo dài nhưng nếu người bệnh không chú ý điều trị, chăm sóc tốt, bệnh có thể tiến triển thành các bệnh nặng hơn như viêm phổi, viêm xoang,…

2. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp thường gặp

Tác nhân gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp thường là virus, chúng dễ dàng lây nhiễm qua tiếp xúc gần với người khác theo giọt bắn hô hấp. Các bệnh lý thường gặp bao gồm:

2.1. Cảm lạnh

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất phổ biến, bệnh không xảy ra ở một cơ quan cụ thể mà thường là toàn bộ hệ hô hấp trên. Thông thường, virus xâm nhập sẽ bám vào niêm mạc mũi hoặc cổ họng gây bệnh tại chỗ, sau mới lan sang các cơ quan khác của hệ hô hấp.

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng xảy ra ở toàn bộ hệ hô hấp trên

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng xảy ra ở toàn bộ hệ hô hấp trên

Cảm lạnh gây những triệu chứng bệnh điển hình như: đau họng, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, cơ thể mệt mỏi,… Trong thời gian mắc bệnh, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi khi hệ miễn dịch phải hoạt động nhiều hơn chống lại tác nhân gây bệnh.

Để rút ngắn thời gian mắc bệnh cũng như giảm nhẹ triệu chứng, bệnh nhân cần nghỉ ngơi nhiều hơn, bổ sung nhiều chất lỏng cùng thức ăn giàu dinh dưỡng. Một số loại thuốc có thể dùng để giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh như: thuốc trị nghẹt mũi, thuốc giảm đau họng, thuốc xịt mũi giảm tắc nghẽn,…

Hầu hết bệnh cảm lạnh không kéo dài quá 7 - 10 ngày, tuy nhiên nếu bệnh nặng và kéo dài, bạn cần đến gặp bác sĩ. Đặc biệt khi bạn đang mắc phải bệnh lý mạn tính, bệnh hô hấp nặng khiến triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.

2.2. Viêm họng

Viêm họng còn gọi là đau họng, tuy nhiên ngoài triệu chứng này thì người bệnh còn gặp tổn thương phức tạp hơn. Đó là khi liên cầu khuẩn tấn công và gây nhiễm trùng vòm họng hoặc liên quan đến nhiễm trùng amidan. Các trường hợp viêm họng do virus thường nhẹ hơn, triệu chứng cũng không kéo dài.

Khi bị viêm họng, người bệnh sẽ có các triệu chứng: cảm giác đau rát trong họng, người mệt mỏi, đỏ viêm họng, đau khi nuốt,… Để giảm triệu chứng, có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hay ibuprofen, bổ sung nhiều chất lỏng, súc miệng với nước muối hoặc dùng viên ngậm giảm đau họng,…

Viêm họng do virus rất dễ lây lan cho người xung quanh

Viêm họng do virus rất dễ lây lan cho người xung quanh

Nếu triệu chứng nặng dần, kéo dài nhiều ngày thì cũng cần đi khám bác sĩ vì thường do liên cầu khuẩn gây nhiễm trùng nặng.

2.3. Viêm thanh quản

Nhiều người nhầm lẫn viêm thanh quản với viêm họng, tuy nhiên đây là hai bệnh lý khác nhau dù cùng thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Viêm thanh quản có thể do virus hoặc khi sử dụng thanh quản quá mức như khi giảng bài, hô hét,…

Bệnh viêm thanh quản gây ra các triệu chứng như: mất tiếng, khàn tiếng, đau họng, hắng giọng, sưng các tuyến nước bọt,… Để giảm đau, giúp thanh quản nhanh hồi phục, người bệnh nên hạn chế nói, súc miệng với nước muối, uống nhiều nước và giữ độ ẩm phù hợp trong môi trường.

Viêm thanh quản thường không nặng, song cần chú ý đi khám với các trường hợp bệnh kéo dài đến hàng tuần hoặc người bệnh bị ho ra máu.

2.4. Viêm xoang

Viêm xoang xảy ra ở các hốc chứa không khí nằm trong hộp sọ, khi vi sinh vật tấn công gây viêm ở niêm mạc xoang. Từ đó, niêm mạc xoang bị kích thích tiết nhiều dịch nhờn hơn, bít tắc trong lỗ xoang gây đau, tăng áp lực vùng xoang,…

Bệnh nhân viêm xoang sẽ gặp các triệu chứng sau: Đau đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, cảm giác căng tức, đau phía trong vùng mặt, mất khứu giác, chảy dịch đặc ở mũi và sau họng, ho nhiều,…

Viêm xoang có thể tái phát và kéo dài nếu không điều trị tốt

Viêm xoang có thể tái phát và kéo dài nếu không điều trị tốt

Viêm xoang có thể trở thành mạn tính với triệu chứng bệnh kéo dài, hay tái phát nếu chủ quan trong điều trị. Khi mắc bệnh, cần thông rửa mũi bằng nước muối sinh lý, xông mũi và thuốc trị nghẹt mũi để giảm viêm tắc do nghẹt dịch trong xoang. Nếu đau nhiều, có thể dùng đến các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hay ibuprofen.

3. Cách phòng ngừa bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên

Thực tế không thể phòng tránh hoàn toàn khả năng nhiễm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên vì nguyên nhân gây bệnh đa dạng, nhất là virus dễ lây nhiễm từ người sang người. Song để giảm rủi ro lây nhiễm bệnh vào thời điểm giao mùa, hãy tăng cường sức khỏe hệ hô hấp bằng những cách sau:

  • Ngừng hút thuốc, kể cả ở gần những người hút thuốc lá.

  • Che mũi, miệng khi hắt hơi hoặc ho.

  • Khử trùng tay và các bề mặt chạm tay thường xuyên, không đưa tay lên mũi, miệng.

  • Tránh dùng chung vật dụng cá nhân như ly uống nước, khẩu trang,… với người khác.

  • Tránh lại gần người có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc tới nơi đông người trong không gian kín, nhỏ hẹp trong thời gian dịch bùng phát.

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, rau củ quả, thực phẩm tươi chế biến cùng lối sống lành mạnh, ngủ sớm và đủ giấc,… để tăng cường sức khỏe chung.

  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

  • Súc miệng, họng và vệ sinh vùng mũi bằng nước muối sinh lý vừa có tác dụng sát khuẩn, vừa giúp niêm mạc đường hô hấp khỏe mạnh hơn.

Như vậy MEDLATEC đã cùng bạn đọc tìm hiểu nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp là gì cũng như các dấu hiệu của bệnh. Khi mắc phải những bệnh này, cần nghỉ ngơi, theo dõi và điều trị tại nhà sớm tránh khi triệu chứng bệnh đã nặng. Ngoài ra, cần có biện pháp nâng cao sức khỏe để ngăn ngừa bệnh chủ động.

Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.