Tin tức
Nhiễm trùng sơ sinh sớm - Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị
- 14/02/2022 | Những nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng và cách phòng ngừa
- 09/02/2022 | Top các dấu hiệu của nhiễm trùng tai ở trẻ cha mẹ không nên bỏ qua
Nhiễm trùng sơ sinh là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao
1. Nhiễm trùng sơ sinh sớm là gì?
Nhiễm trùng sơ sinh là tình trạng cơ thể trẻ bị các vi sinh vật xâm nhập, thông thường bệnh sẽ do vi khuẩn phát triển trong giai đoạn sơ sinh gây ra. Biểu hiện của bệnh rất đa dạng và hầu như không có đặc trưng như: ăn bú kém, thân nhiệt thay đổi, nôn, bụng chướng, tiêu chảy, giảm vận động, ngừng thở, suy hô hấp, tim chậm, vàng da, co giật. Việc điều trị bệnh thường phải sử dụng liều kháng sinh kết hợp là Ampicillin cùng với Cefotaxime hay Gentamicin, để thu hẹp phổ kháng sinh.
Ở giai đoạn sơ sinh, trẻ rất dễ mắc bệnh do có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, đặc biệt là những trẻ sinh thiếu ngày. Bệnh lý thường xảy ra trong khoảng từ lúc mới chào đời đến 28 ngày tuổi. Nhiễm trùng sơ sinh sớm sẽ rơi vào 3 ngày đầu tiên sau khi trẻ được sinh ra, nhiễm trùng sơ sinh muộn sẽ là từ sau 3 ngày tuổi đến 28 ngày tuổi. Công tác điều trị bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng và vị trí nhiễm khuẩn của bệnh nhi.
2. Nguyên nhân mắc bệnh
Bệnh lý này có rất nhiều tác nhân gây ra, nhưng sẽ có nguyên nhân chính như bệnh có liên quan đến cơ thể thai phụ, trẻ bị nhiễm bệnh khi đi qua âm đạo để ra ngoài. Hay do nhiễm phải một số vi khuẩn như E.Coli, Streptococcus nhóm B, Listeria Monocytogenes, Haemophilus Influenzae,… Ngoài ra, trẻ có thể bị phơi nhiễm virus như Herpes, thủy đậu gây nguy hiểm cho bệnh nhi sơ sinh. Virus đi vào máu khi trẻ còn đang trong bụng mẹ hay có thể là nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh.
Trẻ có thể vô tình nhiễm khuẩn từ âm đạo trong quá trình sinh
3. Những loại nhiễm trùng sơ sinh sớm phổ biến
Dưới đây là một số loại bệnh nhiễm trùng thường gặp ở giai đoạn bệnh khởi phát sớm:
Bệnh liên cầu khuẩn tan máu nhóm B (Streptococcus nhóm B)
Bệnh được gặp ở trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ, nguyên nhân gây bệnh là những vi khuẩn ở âm đạo hay trực tràng của cơ thể mẹ. Đa số trẻ bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus này trong quá trình sinh, người mẹ không phát hiện bệnh cũng như điều trị bằng kháng sinh.
Trẻ nhiễm bệnh có những dấu hiệu nhiễm trùng đặc trưng như: thân nhiệt cao, khó thở, quấy khóc, bỏ bú,… Hậu quả khi bệnh tiến triển nặng là để lại các biến chứng nguy hiểm gồm: viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu,… Nhưng nếu phát hiện sớm, được theo dõi và điều trị bằng kháng sinh thích hợp thì sức khỏe của trẻ không bị ảnh hưởng nhiều.
Bệnh nhiễm khuẩn Listeria
Chủng vi khuẩn Listeria là tác nhân gây bệnh khá phổ biến, các tình trạng nghiêm trọng có thể gặp là viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong. Đa phần trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh sớm từ trong thai kỳ là do cơ thể mẹ tồn tại vi khuẩn này.
Listeria chủ yếu có trong thực phẩm bị bệnh như thịt động vật, rau quả, sữa chưa tiệt trùng, trái cây,… Do đó, mà các mẹ bầu nên lưu ý sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ăn chín uống sôi để hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm Listeria.
Dấu hiệu của bệnh cũng giống với bệnh lý nhiễm trùng khác như: bỏ bú, quấy khóc, tiêu chảy, sốt, mất nước,… Thực hiện xét nghiệm máu sẽ tìm được bệnh nguyên và được điều trị bằng kháng sinh.
Mẹ bầu nên lưu ý lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc trước khi sử dụng
Viêm màng não
Viêm màng não cũng là một dạng bệnh lý nhiễm trùng sơ sinh sớm. Nguyên nhân gây bệnh là do các vi khuẩn Streptococcus nhóm B, E. Coli, Listeria, virus,… do tiếp xúc với môi trường có mầm bệnh.
Bệnh thường gặp ở bệnh nhi có hệ miễn dịch kém, chúng làm tổn thương màng não, tủy sống. Khi mắc bệnh trẻ có các dấu hiệu như khó thở, ngủ lịm, ngủ quá nhiều so với bình thường, thân nhiệt lên xuống không đều.
Nếu không được phát hiện kịp thời, điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm gồm: mất thính giác, tổn thương thận, có vấn đề về trí nhớ, giảm nhận thức, thậm chí là tử vong.
Nhiễm khuẩn E.Coli
E.Coli là một loại vi khuẩn sống trong đường ruột rất phổ biến, có một vài chủng có độc lực mạnh gây bệnh ở hệ tiêu hóa, nguy hiểm cho trẻ sơ sinh nếu vô tình mắc phải. Bệnh nhi mắc bệnh thường là do tiếp xúc với mầm bệnh trong bệnh viện hay tại nhà, và còn có thể là bị phơi nhiễm trong âm đạo.
Khi mắc bệnh trẻ sẽ có một số dấu hiệu như sốt, bỏ bú, quấy khóc, bú kém, trẻ mất tập trung,… Sức khỏe bệnh nhi sẽ bị đe dọa khi bệnh để lại biến chứng suy thận, tổn thương niêm mạc ruột, viêm màng não.
4. Điều trị bệnh bằng cách nào?
Trong các loại bệnh lý nhiễm trùng nói chung và nhiễm trùng sơ sinh nói riêng, thì điều trị bằng liệu trình kháng sinh phù hợp có vai trò vô cùng quan trọng. Tiếp đó là theo dõi, chăm sóc, liệu pháp hỗ trợ triệu chứng.
Điều trị bằng kháng sinh
Với nhiễm trùng sơ sinh sớm, đa số trẻ sẽ được chỉ định sử dụng Beta - Lactam kết hợp với Aminosid. Nếu chưa có kháng sinh đồ thì sử dụng Penicillin, Ampicillin kết hợp với Gentamicin hay Amikacin. Tùy vào bệnh nhi nhiễm loại vi khuẩn nào mà lựa chọn kháng sinh phù hợp, thời gian điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng.
Nhiễm trùng khi không xảy ra biến chứng có thể điều trị vài ngày, nhưng khi đã xuất hiện biến chứng thì thời gian sẽ bị kéo dài ví như nhiễm trùng máu khoảng 10 ngày, viêm phổi từ 7 đến 10 ngày, viêm màng não là khoảng 2 đến 3 tuần,…
Sử dụng kháng sinh là phương pháp điều trị nhiễm trùng hiệu quả
Điều trị bằng chăm sóc
Vệ sinh và chăm sóc tốt cũng là một phương pháp giúp cải thiện triệu chứng nhiễm trùng và sẽ nhanh chóng lành bệnh. Bố mẹ cần lưu ý một số điều trong quá trình chăm sóc như: rửa tay, sát trùng khi tiếp xúc với bé. Điều trị và theo dõi bệnh tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc nhiều người và các cử chỉ thân mật như ôm hôn trẻ. Thay đổi chăn, ga, gối thường xuyên, đồng thời tiệt trùng giường và lồng ấp hàng ngày. Vệ sinh vị trí nhiễm trùng ngoài da bằng nước muối sinh lý. Sử dụng oxy già hay thuốc đỏ sát trùng cục bộ nếu vết thương có nhiều khe hốc. Bôi mỡ kháng sinh hay xanh methylen vào nốt mụn phỏng trên da.
Nhiễm trùng sơ sinh sớm là bệnh lý khá nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nên việc phát hiện và điều trị sớm vô cùng quan trọng. Nếu bố mẹ cần được tư vấn cho bé có thể liên hệ qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được các bác sĩ Nhi khoa tại MEDLATEC hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!