Tin tức

Những dấu hiệu nhận biết ung thư lưỡi và cách phòng ngừa

Ngày 15/07/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Ly
Ung thư lưỡi là căn bệnh xuất hiện nhiều ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, bệnh đang ngày càng trẻ hóa do sự thờ ơ với sức khỏe bản thân và những thói quen xấu hàng ngày gây ra. Nguy hiểm hơn, ung thư lưỡi thường phát hiện trễ do các triệu chứng giống với bệnh nhiệt miệng thông thường. Do đó bài viết này sẽ giúp bạn nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh và cách phòng ngừa nó.

1. Ung thư lưỡi là gì?

Ung thư lưỡi là dạng ung thư xảy ra ở vùng miệng và lưỡi. Căn bệnh này phát triển từ những tế bào vảy trên bề mặt của lưỡi từ đó gây tổn thương và dần gây khối u ở đó. Trong giai đoạn đầu bệnh thường có những triệu chứng không rõ ràng và rất mơ hồ, vì thế mà người bệnh chủ quan để đến khi giai đoạn muộn mới phát hiện.

Ung thư lưỡi thường bị nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng thông thường

Ung thư lưỡi thường bị nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng thông thường

2. Nguyên nhân gây bệnh

Cho đến hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây nên nhưng theo các chuyên gia, những người mắc bệnh thường có các yếu tố sau đây:

  • Hút thuốc lá: Khói thuốc không những tác động lên phổi mà chúng còn tác động lên khoang miệng của người hút. Trong thuốc lá có chứa nicotin, chất này gây tổn thương bề mặt niêm mạc của lưỡi gây loét, lâu dần nếu không điều trị sẽ dẫn đến ung thư ác tính.

  • Nghiện rượu: Đây là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh, theo nghiên cứu của các chuyên gia cứ 100 bệnh nhân mắc ung thư lưỡi thì có khoảng 70 - 80 người mắc bệnh do nghiện rượu. Những chất có trong rượu kích hoạt gen tiền ung thư khi sử dụng quá mức.

  • Tiếp xúc với tia bức xạ: Những người làm việc trong môi trường có tia bức xạ hay những nạn nhân của các vụ đánh bom hạt nhân tiếp xúc trực tiếp với tia, sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi cao hơn so với người bình thường.

  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh: Ngoài những nguy cơ do thói quen và môi trường sống thì căn bệnh này cũng có thể do di truyền mà có. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh của những thành viên khác cao hơn bình thường. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào khẳng định rằng ung thư lưỡi do di truyền.

  • Chế độ ăn uống: Các thực phẩm ăn vào cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ức chế hay làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Không phải các chất dinh dưỡng đều tốt cho cơ thể có một số loại khi sử dụng quá mức nhu cầu của cơ thể cũng dễ dàng gây bệnh.

  • Virus HPV: Khi nghe đến HPV hầu hết đều cho rằng chủng virus này chỉ gây bệnh ở đường sinh dục thì mới đây các nhà khoa học đã tìm ra một vài loài gây bệnh ung thư lưỡi ở người.

Chất nicotin có trong thuốc lá làm tổn thương niêm mạc lưỡi

Chất nicotin có trong thuốc lá làm tổn thương niêm mạc lưỡi

3. Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh là khá rõ ràng nhưng hay bị nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng thông thường, từ đó người bệnh thường phớt lờ những dấu hiệu này. Sau đây là một số triệu chứng được phân thành các giai đoạn như sau:

Giai đoạn khởi phát

Ở giai đoạn này, các triệu chứng bệnh rất mơ hồ và bị nhầm lẫn với một số bệnh thông thường, gồm:

  • Đau lưỡi: đây là triệu chứng đầu tiên khi mới mắc bệnh. Bệnh nhân có cảm giác như có dị vật trên bề mặt lưỡi, bị mắc xương cá nhưng hầu như cơn đau chỉ thoáng qua nên không được quan tâm đến.

  • Xuất hiện mảng trắng: các mảng này bám chặt vào bề mặt lưỡi và dần lan rộng ra xung quanh. Cũng đồng thời gây chảy máu trên lưỡi mà không có nguyên nhân.

  • Xuất hiện hạch cổ: tuy nhiên triệu chứng này không gặp ở hầu hết các bệnh nhân, hạch cổ nổi rõ khi các vi khuẩn hay virus đã vượt qua được hàng rào bảo vệ thứ nhất của cơ thể và đang tấn công vào hàng rào bảo vệ thứ hai chính là hạch, làm cho các hạch này sưng cứng và nổi rõ lên bề mặt da.

Ung thư lưỡi giai đoạn khởi phát xuất hiện các mảng trắng ở lưỡi

Ung thư lưỡi giai đoạn khởi phát xuất hiện các mảng trắng ở lưỡi

Giai đoạn toàn phát

Các triệu chứng dần xuất hiện rõ hơn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Hầu hết ung thư lưỡi được bắt gặp ở giai đoạn này:

  • Giai đoạn này triệu chứng đau lưỡi vẫn xuất hiện nhưng cường độ tăng cao và liên tục, gây cản trở cho hoạt động nói và nhai. Khi sử dụng các loại thực phẩm nóng, cay sẽ khiến cơ đau lan đến tận tai.

  • Tăng tiết nước bọt, máu chảy trong miệng khi bệnh nhân nhổ ra thì thấy có máu lẫn trong nước bọt.

  • Hơi thở có mùi hôi do các tế bào lưỡi chết đang diễn ra quá trình phân hủy tạo mùi hôi.

  • Khó nói, khó nuốt: lưỡi của người bệnh như bị cố định, khít hàm khó di chuyển dẫn đến triệu chứng này.

  • Sụt cân: do gặp các vấn đề như đau lưỡi ảnh hưởng ít nhiều đến cảm giác ngon miệng khi ăn và đau khi nuốt nên người bệnh bỏ ăn dẫn đến sụt cân.

  • Xuất hiện các vết loét to nhỏ trên bề mặt lưỡi: Các vết loét phát triển và lan rộng ảnh hưởng đến vận động lưỡi, bên trên vết loét là lớp da mỏng nên rất dễ gây chảy máu. Ngoài ra một số bệnh nhân không xuất hiện vết loét mà có các khối u nhọt khi nhấn vào sẽ có dịch màu trắng như mủ chảy ra.

Giai đoạn tiến triển

Ở giai đoạn này bệnh tiến triển nhanh và theo chiều hướng xấu. Các vết loét ăn sâu vào lưỡi gây đau đớn dữ dội, chảy máu và gây nhiễm khuẩn. Vùng hoại tử ngày càng mở rộng dẫn đến miệng có mùi hôi khó chịu. Trong giai đoạn này việc đến thăm khám bác sĩ rất quan trọng, tuy nhiên việc thăm khám cũng làm tăng đau đớn cho người bệnh, do đó thường phải gây tê để khám.

Giai đoạn cuối

Đây là giai đoạn cuối cùng của ung thư lưỡi, là lúc căn bệnh này đến đỉnh điểm các triệu chứng nặng và rầm rộ:

  • Rối loạn tiêu hóa: ăn mau no, chướng bụng, đầy hơi, đi phân lẫn máu, buồn nôn,…

  • Mệt mỏi: bệnh nhân sức khỏe ngày càng suy kiệt, mệt mỏi thường xuyên và cường độ tăng dần.

  • Sụt cân nhanh: do việc tiếp nhận thức ăn ngày càng khó khăn, và đau đớn nên việc ăn uống của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

  • Tổn thương lưỡi: phần lưỡi tự do là nơi bị tổn thương nặng nề nhất, phần dưới lưỡi, đầu lưỡi và bề mặt lưỡi cũng bị tổn thương.

4. Phòng ngừa mắc bệnh

Mọi người đều có khả năng mắc bệnh ung thư như nhau, do đó việc phòng ngừa căn bệnh nan y này là không vô nghĩa với bất kỳ ai. Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa:

  • Vệ sinh, chăm sóc răng miệng đúng cách: giữ vệ sinh răng miệng giúp làm tăng hệ miễn dịch cho khoang miệng, nếu răng miệng không sạch thì đây chính là nơi sản sinh ra một lượng lớn vi khuẩn tấn công niêm mạc miệng, là biến đổi tế bào gây ung thư.

  • Chế độ ăn hợp lý: ăn các loại thực phẩm lành mạnh như rau, trái cây, thay thế các thực phẩm chiên nướng dầu mỡ bằng các món luộc hoặc hấp.

  • Loại bỏ các thói quen xấu: ngưng hút thuốc, uống rượu bia cũng như sử dụng các chất kích thích hay gây nghiện.

  • Rèn luyện thể dục thể thao: tham gia các hoạt động thể dục thể thao tăng sức đề kháng để chống lại bệnh tật.

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ tránh ung thư lưỡi

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch

Hy vọng qua bài viết này bạn đã có thêm kiến thức về căn bệnh này và cách phòng tránh nó. Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì hãy đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.