Tin tức
Bỏ túi phương pháp trị nhiệt miệng cực kỳ đơn giản tại nhà
- 24/04/2020 | Nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị nhiệt miệng hiệu quả
- 14/07/2020 | Nhận biết các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em sớm
- 18/06/2020 | Bạn cần làm gì khi con bị tay chân miệng
1. Bệnh nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng hay còn gọi là loét miệng, loét Aphthous, là một trong những căn bệnh lành tính phổ biến mà ít nhất ai cũng trải qua một vài lần trong đời. Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm nhưng sẽ khiến đời sống sinh hoạt hàng ngày của những người có biểu hiện này bị xáo trộn, nhất là trong ăn uống, giao tiếp. Các vết loét xuất hiện ở các mô mềm trong miệng như bên trong môi, má, dưới lưỡi hoặc trên nướu với kích thước nhỏ và nông, thường dưới 1cm.
Loét Aphthous là những đốm nhỏ màu trắng, viền đỏ nổi trên các mô mềm trong miệng
Bệnh có tính lặp gần giống nhau, mỗi lần xuất hiện thường kéo dài từ 10 - 15 ngày. Một số trường hợp thấy những người trong gia đình xuất hiện biểu hiện này cùng một thời điểm. Người bị loét miệng có thể thấy một hay một vài đốm nhỏ màu trắng hoặc vàng, xung quanh có viền đỏ xuất hiện bên trong miệng gây rát, đau.
Không giống với các biểu hiện của mụn nước hay viêm loét miệng do Herpes Virus trên môi gây ra, các vết loét của nhiệt miệng không nổi trên bề mặt hay phía ngoài miệng và hoàn toàn không có tính lây lan. Vết loét sẽ không ăn sau vào lớp biểu mô miệng, khi có sự cọ xát, vết loét sẽ gây ra đau đơn cho người bệnh, đặc biệt là khi ăn các loại thực phẩm có vị mặn, chua và cay hoặc làm cản trở đến quá trình giao tiếp.
2. Bệnh nhiệt miệng xuất phát từ những nguyên nhân nào?
Nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến loét Aphthous hiện nay vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên, một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ bị nhiệt miệng:
Suy giảm chức năng gan
Gan là bộ máy thanh lọc các chất độc có trong cơ thể do đó mà khi khả năng làm việc của gan suy yếu, các chất độc sẽ tích tụ dần. Việc tích tụ lâu ngày sẽ khiến có các loại độc tố có cơ hội gây hại đến cơ thể, một trong số đó có thể đọng lại ở vùng miệng, gây ra những bọng nước rồi sau đó vỡ ra, tạo thành các vết loét.
Gan hoạt động kém hiệu quả sẽ khiến cơ thể tích tụ nhiều chất độc
Hoạt động của hệ miễn dịch
Virus, vi khuẩn từ bên ngoài luôn chực chờ cơ hội để xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt với một nơi có nhiều điều kiện thuận lợi như miệng lại còn thường xuyên tiếp xúc với yếu tố bên ngoài thông qua ăn uống, giao tiếp thì lại cực kỳ dễ dàng. Trong khi đó, hoạt động của hệ miễn dịch suy yếu, không đủ khả năng để chống lại các loại vi sinh vật gây bệnh, chúng sẽ nhanh chóng sinh sôi và phát triển, đốt cháy niêm mạc miệng và tạo ra vết loét.
Ngoài ra, trong trường hợp miệng có vấn đề như xảy ra viêm lợi, viêm nướu, sâu răng, viêm chân răng,... thì phản ứng của hệ miễn dịch là kháng nguyên - kháng thể cũng có thể dẫn đến nhiệt miệng.
Thiếu các chất dinh dưỡng
Thiếu các loại vitamin như B9, B12, vitamin C và chất khoáng như kẽm, sắt hoặc thiếu axit folic đều là yếu tố dẫn đến nhiệt miệng.
Thiếu các loại vitamin và chất khoáng cũng có thể là nguyên nhân gây ra các vết loét ở miệng
Ngoài ra, các yếu tố như căng thẳng, stress, rối loạn nội tiết tố, thay đổi hormone, vấn đề về vệ sinh răng miệng hoặc sử dụng các loại thực phẩm gây tổn thương vùng miệng,... cũng có thể làm tăng nguy cơ bị loét Aphthous.
3. Phương pháp điều trị nhiệt miệng tại nhà
Bệnh nhiệt miệng không phải là bệnh nghiêm trọng, thường thì sau 1 - 2 tuần, các vết loét sẽ tự hết mà không cần sử dụng thuốc và không để lại sẹo. Tuy nhiên, trong quá trình xuất hiện sẽ gây đau đớn và nhiều bất tiện. Trong tây y hiện nay các loại thuốc như giảm đau, kháng sinh, kháng viêm, chống dị ứng thường được các bác sĩ kê toa để tiêu diệt các vết loét này. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể tự điều trị cho chính mình bằng những biện pháp an toàn hơn.
Để nhanh chóng khắc phục tình trạng nhiệt miệng, bạn có thể thử một vài biện pháp đơn giản sau:
Pha nước muối súc miệng hàng ngày
Nước muối có tính sát khuẩn cao lại an toàn và dễ pha chế. Pha một đến hai thìa cà phê muối vào 2/3 ly nước lọc, có thể cho thêm 2 muỗng nước ép nha đam rồi khuấy đều cho muối tan hết. Ngậm một ngụm trong miệng khoảng 10s, lặp lại vài lần, ngậm cuối cùng có thể ngửa cổ lên cao vừa phải để súc vùng cổ, không được nuốt. Thực hiện ngày 2 - 3 lần bạn sẽ thấy hiệu quả cực kỳ nhanh chóng.
Chế độ ăn uống
-
Cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, tối thiểu 2 lít nước. Tăng cường sử dụng các loại nước ép rau củ tự nhiên, nhất là nước ép rau má, cà chua, củ cải trắng,... đều có tác dụng hiệu quả với bệnh nhiệt miệng.
-
Cẩn thận với các loại thực phẩm cay nóng, các loại đồ nướng hoặc đồ chua. Không quá lạm dụng các loại thực phẩm này để hạn chế các tổn thương vùng miệng gây loét miệng, đồng thời cũng là cách để bạn bảo vệ dạ dày, đại tràng.
-
Ăn chè từ các loại đậu như đậu đen, đậu xanh đều có công dụng thanh lọc cơ thể và giải độc rất hiệu quả.
-
Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, chất khoáng, nên ăn các loại như cà chua, rau má, rau diếp cá, rau ngót, trứng lộn và các loại thịt mát như thịt vịt,...
-
Mỗi ngày bạn nên ăn một hũ sữa chua vì vi sinh vật có lợi trong sữa chua sẽ chữa lành các vết loét, đồng thời, vị thanh mát của sữa chua sẽ giúp giảm đau.
-
Bổ sung các loại vitamin B, C và sắt thông qua thức ăn hoặc thuốc bổ.
-
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng mật ong để bôi lên các vết loét mỗi ngày. Mật ong sẽ cho tác dụng trị loét miệng nhanh chóng.
Nước ép rau quả sẽ giúp bạn cung cấp đủ vitamin cho cơ thể và hạn chế được tình trạng loét miệng
Dù không nguy hiểm nhưng không có nghĩa nhiệt miệng không gây ra ảnh hưởng cho cơ thể. Trong trường hợp vết loét ngày càng lan rộng và khoét sâu vào bên trong hoặc biểu hiện kéo dài hơn 2 tuần không khỏi thì bạn nên đi gặp bác sĩ để được khám và có sự can thiệp kịp thời. Nếu bạn đang còn những thắc mắc khác cần giải đáp thì có thể liên hệ đến hotline: 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được trao đổi trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa của chúng tôi.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!