Tin tức
Những điều nên biết về bã đậu amidan
Những điều nên biết về bã đậu amidan
Sự xuất hiện của các ổ bã đậu amidan khiến cho hơi thở có mùi hôi nên cản trở giao tiếp của người bệnh. Đặc biệt, nếu kéo dài tình trạng này thì nguy cơ viêm nhiễm amidan hốc mủ rất cao. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về khối bã đậu ở hốc amidan cùng tính chất nguy hiểm và cách xử trí với chúng.
1. Bã đậu amidan - nguyên nhân và triệu chứng
1.1. Bã đậu amidan là gì?
Amidan có nhiều khe kẽ. Các loại tàn tích của xác vi khuẩn, xác tế bào chết, chất tiết, xác bạch cầu,... nếu không được bài xuất hết ra ngoài sẽ tích tụ lại và canxi hóa thành khối màu vàng hoặc trắng ở những khe kẽ này gọi là bã đậu amidan. Những khối bã đậu bám đọng ở amidan thường có kích thước khác nhau, gây ra mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến sự tự tin khi giao tiếp. Không những thế, nếu tạo thành mảng lớn thì chúng sẽ làm viêm sưng amidan.
Các ổ bã đậu hình thành trong các hốc nhỏ ở hai bên amidan
1.2. Nguyên nhân gây ra bã đậu amidan
Bã đậu amidan chủ yếu là kết quả của sự dư thừa canxi tích tụ ở hốc amidan lâu dần sinh ra viêm nhiễm và mủ. Lượng canxi dư thừa này thường là do thực phẩm hàng ngày và sự ma sát của thức ăn theo thời gian khiến các khối bã đậu ngày càng nhiều, diễn tiến nghiêm trọng.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác cũng có thể hình thành nên bã đậu amidan là:
- Cấu trúc amidan: khe rãnh và các hốc vốn có của amidan chính là nơi để thức ăn vướng lại, vi khuẩn và virus có môi trường phát triển, tích tụ canxi dư thừa và hình thành ổ bã đậu amidan
- Mắc bệnh viêm amidan nhưng không điều trị dứt điểm: đây là yếu tố thúc đẩy bệnh tái phát và hốc bã đậu ngày càng viêm nhiễm nặng hơn.
- Thời tiết: sự thay đổi thời tiết đột ngột làm cơ thể không kịp thích nghi cũng là điều kiện thuận lợi để tác nhân gây bệnh tấn công amidan và gây viêm amidan hốc mủ.
- Vệ sinh răng miệng kém: khiến cho thức ăn mắc kẹt lại ở khe hốc trong amidan từ đó tạo điều kiện để vi khuẩn, virus phát triển và hình thành bã đậu amidan.
- Thói quen ăn uống: ăn nhiều đồ nóng hoặc gia vị dễ gây kích ứng, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng làm hệ miễn dịch suy giảm,... từ đó khiến cho amidan dễ bị tác nhân gây bệnh tấn công.
- Viêm mũi xoang mạn tính: dịch ở xoang chảy xuống cổ họng khiến cho vi khuẩn mắc lại hốc amidan từ đó hình thành bã đậu amidan.
1.3. Triệu chứng viêm amidan hốc bã đậu
Người bị viêm bã đậu amidan thường có các triệu chứng:
- Amidan sưng đau, tấy đỏ.
- Miệng bị hôi do sự kết hợp của ổ mủ bã đậu với tình trạng tăng sinh vi khuẩn hình thành khí lưu huỳnh trong cổ họng.
- Họng bị đau và khó nuốt do tăng kích thích hạt bã đậu.
- Trong cổ họng, ở hai bên amidan có các hạt trắng nhỏ li ti.
- Mũi và tai có cảm giác đau nhức.
- Sốt cao, mất ngủ, chán ăn,...
Nhận diện viêm amidan hốc mủ bã đậu
2. Bã đậu amidan nguy hiểm hay không, xử trí thế nào?
2.1. Bã đậu amidan có nguy hiểm hay không?
Bình thường các khối bã đậu amidan chỉ gây ra cảm giác vướng khó chịu kèm theo mùi hôi trong cổ họng chứ không tác động nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu chúng tồn tại lâu ngày, phát triển về kích thước thì rất dễ gây viêm amidan hốc mủ, áp xe amidan và nhiều biến chứng khác như:
- Tại chỗ: hình thành và tăng lên các ổ mủ amidan khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, khó nói chuyện, khó ăn uống.
- Ảnh hưởng đến đường hô hấp trên: do tai mũi họng thông nhau nên viêm nhiễm bã đậu amidan kéo dài rất dễ gây viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa,...
- Toàn thân: tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, viêm cầu thận, viêm khớp,...
2.2. Xử trí khi bị bã đậu amidan
2.2.1. Lấy bã đậu amidan tại nhà
Khi bã đậu amidan mới bắt đầu hình thành với số lượng ít, kích thước nhỏ và chưa gây ảnh hưởng gì nhiều thì có thể tự lấy chúng bằng cách: - Dùng bàn chải và tăm bông:
Đầu tiên bạn hãy đứng trước gương và há rộng miệng sao cho có thể quan sát được vị trí amidan có chứa ổ bã đậu. Tiếp sau đó hãy lấy tăm bông nhúng vào nước muối sinh lý và nhẹ nhàng ấn vào ổ bã đậu, cứ làm như vậy từ từ đến khi các khối bã đậu sắp bung ra thì lấy bàn chải lấy khối bã đậu ra khỏi miệng.
Cần lưu ý rằng cách loại bỏ các ổ bã đậu này tương đối đơn giản nhưng nếu không tiệt trùng tăm bông và bàn chải cẩn thận, thao tác quá mạnh tay có thể gây chảy máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng amidan.
Khi ổ bã đậu amidan mới hình thành có thể dùng tăm bông tự lấy chúng ra
- Dùng nước muối loãng để súc miệng
Hãy lấy nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng tự pha để súc miệng hàng ngày. Việc làm này có tác dụng kháng viêm, sát trùng nên sẽ làm sạch ổ bã đậu amidan, giảm nguy cơ viêm nhiễm và khiến cho ổ bã đậu amidan tự bong dần dần. Khi súc miệng bằng nước muối hãy nhớ khò cổ họng 5 - 10 phút cho nước muối ngấm sâu vào niêm mạc họng để đạt hiệu quả tốt nhất.
2.2.2. Can thiệp y tế điều trị viêm amidan hốc mủ
Viêm amidan hốc mủ do sự tồn tại lâu ngày của bã đậu amidan là một bệnh lý không thể chủ quan. Ban đầu triệu chứng của bệnh thường nhẹ nhưng nếu để kéo dài mà không điều trị thì rất dễ gặp phải biến chứng.
Vì thế nếu khối bã đậu amidan không thể loại bỏ hoặc kèm theo các triệu chứng viêm nhiễm thì người bệnh cần thăm khám bác sĩ Chuyên khoa Tai mũi họng để được kiểm tra, chẩn đoán và có phác đồ điều trị cụ thể. Hầu hết các trường hợp viêm amidan hốc mủ đều sẽ được điều trị bằng thuốc để kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn sự diễn tiến của bệnh. Ngoài ra, nếu thấy cần thiết, bác sĩ cũng sẽ tư vấn phẫu thuật cắt amidan.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám và điều trị hiệu quả viêm amidan hốc mủ có thể liên hệ qua qua tổng đài 1900 56 56 56 để đặt lịch trước cùng bác sĩ Tai mũi họng của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Bằng cách này, quý khách sẽ được kiểm tra, đánh giá và chẩn đoán đúng vấn đề mà mình đang gặp phải đồng thời biết cách điều trị để ngăn chặn mọi hệ lụy sức khỏe do viêm amidan hốc mủ gây ra.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!