Tin tức
Những điều nên biết về biểu hiện và điều trị herpes sinh dục
- 01/07/2023 | Cách phát hiện herpes sinh dục như thế nào
- 01/07/2023 | Biến chứng của herpes sinh dục là gì, có nguy hiểm không?
- 01/07/2023 | Tìm hiểu về phương pháp điều trị herpes sinh dục
1. Herpes là bệnh gì?
Herpes là bệnh do virus Herpes simplex (HSV) gây ra với đặc trưng là mụn rộp và vết loét chủ yếu ở bộ phận sinh dục, hậu môn và vùng miệng. Đây là nhóm virus có thể tự tăng sinh sau khi đã xâm nhập vào bên trong tế bào lành. Lúc này, chúng sẽ phá hủy cấu trúc của tế bào để gây nhiễm trùng da.
2 chủng HSV gây nên bệnh herpes sinh dục
Con đường lây nhiễm virus HSV chủ yếu là:
- Type HSV-1:
+ Dùng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống với người bệnh.
+ Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ thương tổn của người bệnh.
+ Quan hệ tình dục bằng đường miệng với người bệnh có vết loét chứa HSV.
- Type HSV-2:
+ Không dùng biện pháp bảo vệ an toàn khi quan hệ tình dục với người bị herpes.
+ Cùng lúc có quan hệ tình dục với nhiều người.
2. Biểu hiện và điều trị herpes sinh dục như thế nào?
Việc nhận diện biểu hiện và điều trị herpes sinh dục phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, cụ thể như sau:
2.1. Các biểu hiện của bệnh herpes sinh dục
Không phải bệnh nhân nào bị herpes sinh dục cũng có biểu hiện, đại đa số là không có biểu hiện gì. Với những trường hợp điển hình, bệnh xuất hiện với các biểu hiện đặc trưng như :
- Xuất hiện các mụn nước hoặc vết loét ở bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Các tổn thương này đứng lẻ tẻ hoặc tạo thành từng cụm
- Đau bộ phận sinh dục hoặc hậu môn, kèm theo ngứa ngáy, rất khó chịu
- Đau khi đi tiểu hoặc đại tiện (khi vết loét ở hậu môn)
- Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, có thể sốt nhẹ. hạch bạch huyết sưng.
Đặc trưng mụn nước ở bệnh herpes sinh dục
- Herpes tái phát
Có những người chỉ bùng phát herpes duy nhất một lần nhưng cũng có trường hợp tái phát liên tục sau vài tháng hoặc vài năm. Khi cơ thể đã sản sinh được kháng thể để chống lại virus thì các đợt tái phát sẽ dần dần ít lại. Biểu hiện bệnh ở giai đoạn này ít nghiêm trọng và nhanh chấm dứt hơn so với lần nhiễm đầu. Mụn nước có số lượng ít hơn, cảm giác đau đớn giảm và thời gian tự lành cũng chỉ trong vòng vài ngày.
2.2. Phương pháp điều trị bệnh herpes
2.2.1. Biện pháp chẩn đoán
Để kịp thời nhận diện biểu hiện và điều trị herpes hiệu quả thì ngay khi có hiện tượng nổi mụn nước hoặc vết loét ở vùng sinh dục, đau buốt khi tiểu tiện hay khi quan hệ, chảy dịch tiết có mùi hôi bất thường ở vùng kín,... người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám ngay.
Bên cạnh việc thăm khám triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng để có căn cứ đưa ra chẩn đoán chính xác. Bệnh phẩm được sử dụng thường là dịch ở vùng có tổn thương nghi nhiễm herpes và dịch bên trong nốt mụn nước.
Với những người đã có tiếp xúc với virus HSV nhưng không có biểu hiện thì vẫn lấy dịch ở bộ phận sinh dục xét nghiệm. Ngoài ra, còn có xét nghiệm máu sẽ tìm ra kháng thể HSV. Tuy nhiên, xét nghiệm này vẫn có khả năng âm tính giả nếu tiến hành trước 12 tuần đầu sau khi nhiễm bệnh.
2.2.2. Phương pháp điều trị
Việc điều trị herpes sẽ đạt hiệu quả cao nhất nếu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có biểu hiện của bệnh. Có nhiều phương pháp trị herpes nhưng vẫn cần đảm bảo đúng nguyên tắc: điều trị tại chỗ để chống bội nhiễm kết hợp dùng thuốc kháng virus để cải thiện triệu chứng và hạn chế bài xuất HSV.
Nhận diện biểu hiện và điều trị herpes càng sớm càng nhanh đạt hiệu quả
- Điều trị tại chỗ
Các dung dịch sát khuẩn là cần thiết để điều trị tại chỗ cho bệnh nhân herpes: kem bôi acyclovir, milian hoặc betadine. Thuốc nên được dùng ngay khi nổi mụn nước. Phổ biến nhất là thuốc acyclovir bôi với khoảng cách 3 - 4 giờ/1 lần và 5 - 6 lần/ngày, liên tiếp trong 7 ngày. Thuốc hầu như chỉ phát huy tác dụng với bệnh nhẹ và cần được dùng càng sớm càng hiệu quả.
- Điều trị toàn thân
Thuốc được sử dụng để điều trị toàn thân chủ yếu là: acyclovir, valacyclovir, famciclovir,...:
+ Acyclovir 400mg: 1 viên/lần, 3 lần/ngày. Trường hợp thay thế bằng acyclovir 200mg thì dùng liều 1 viên/lần, 5 lần/ngày. Thuốc cần dùng liên tiếp 7 - 10 ngày để giảm đau, giảm thương tổn do virus gây ra.
+ Valacyclovir 500mg: 2 lần/ngày, dùng liên tiếp 3 ngày để giảm đau, làm lành vết loét nhanh chóng.
+ Famciclovir 250mg: 3 lần/ngày, dùng liên tiếp 5 - 10 ngày để nhanh lành tổn thương, ngăn ngừa bệnh tiến triển. Thuốc cần hết sức thận trọng khi dùng cho người bị bệnh thận.
Về cơ bản, hiện không có thuốc đặc trị bệnh herpes, những loại thuốc trên đây chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng và thời gian mà triệu chứng xuất hiện. Các loại thuốc kháng virus chỉ có tác dụng giảm khả năng lây truyền bệnh trong đợt bùng phát chứ không có tác dụng phòng ngừa bệnh ở người bình thường. Bác sĩ thường chỉ định thuốc kháng virus bào chế dạng viên hoặc kem bôi, chỉ khi có biểu hiện nghiêm trọng mới dùng đến thuốc kháng virus đường tiêm.
Bệnh herpes có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm đến sự sống của trẻ sơ sinh nên thai phụ nếu bị nhiễm bệnh lý này cần chủ động thông báo với bác sĩ sản khoa, khám thai đều đặn để được theo dõi thai kỳ cẩn thận đồng thời có biện pháp phòng ngừa để thai nhi không bị lây nhiễm.
Những nội dung chia sẻ trên đây hy vọng giúp quý khách hàng biết được các biểu hiện và điều trị herpes sinh dục để chủ động phát hiện, biết cách ứng phó khi nghi ngờ nhiễm bệnh. Mọi thắc mắc hay cần hỗ trợ can thiệp y tế đối với bệnh lý này, quý khách có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 để nhận được tư vấn chính xác từ tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!