Tin tức

Những thay đổi thú vị của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 

Ngày 05/01/2023
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Khác với tháng trăng mật trước đó, trẻ sơ sinh tháng thứ 2 khi đã quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ sẽ có những sự thay đổi đáng kể cả về thể chất lẫn nhận thức, chu kỳ sinh hoạt hàng ngày. Tùy thuộc vào thói quen và thể trạng của từng bé mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng cách chăm sóc trẻ sao cho phù hợp nhất.

1. Những dấu mốc phát triển của trẻ sơ sinh tháng thứ 2

Trẻ sơ sinh tháng thứ 2 sẽ trải qua những thay đổi đáng kể về giấc ngủ, thể chất, giác quan và hình thành tính cách. Ở tháng đầu tiên đa phần các bé sẽ dành cả ngày chỉ để ăn và ngủ thì sang tháng thứ 2 bé đã dần nhận thức được mọi thứ xung quanh và trở nên lanh lợi hơn. Cụ thể như sau:

Về giấc ngủ

Trẻ sơ sinh tháng thứ 2 cần được ngủ trong khoảng 15 - 17 giờ mỗi ngày. Trong đó ban ngày là 6 - 7 tiếng chia thành 3 - 4 giấc ngủ ngắn, 8,5 - 10 tiếng còn lại là giấc ngủ đêm.

Từ giữa tuần thứ 6 đến tuần thứ 8, bé có xu hướng ngủ giấc đêm dài hơn và ban ngày bé sẽ tỉnh táo hơn. Có những bé chỉ khoảng 30 phút sau ăn là sẽ có dấu hiệu buồn ngủ. Do đó mẹ hãy giúp bé duy trì thói quen này để không bị rối loạn giấc ngủ.

Giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh

Giấc ngủ rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh

Về thể chất

Thường thì những tháng đầu đời (trong đó có tháng thứ 2) trẻ thường tăng cân nhanh, trung bình trẻ tăng từ 150 - 200 gram/tuần, chiều cao tăng khoảng 2,5 - 3,8 cm/tháng. Cơ bắp của trẻ sẽ phát triển cứng cáp hơn nên chân tay bé sẽ dễ dàng duỗi ra, co lại, chuyển động linh hoạt hơn so với tháng đầu tiên mới chào đời.

Trong trường hợp mẹ nhận thấy trẻ tăng chậm về thể chất hoặc không tăng lên, cha mẹ cũng đừng quá lo lắng. Ngoài 2 chỉ số về cân nặng và chiều cao thì cha mẹ cũng cần phải quan tâm đến chu vi vòng đầu và thể trạng của bé.

Về phản xạ

Giai đoạn trẻ sơ sinh tháng thứ 2 đã biết cách phối hợp vận động tay chân nên bé sẽ không chịu nằm im mà sẽ bắt đầu cử động linh hoạt hơn và khám phá thế giới xung quanh. Đôi khi bé sẽ xòe nắm hai bàn tay và túm lấy các vật để cạnh mình, có những trẻ còn cho tay vào miệng. Bé cũng rất thích đạp duỗi hai chân.

Cổ và đầu của bé đã cứng cáp hơn rất nhiều. Có những em bé có thể ngẩng cao đầu khi nằm sấp, hoặc tự nghiêng đầu sang hai bên.

Về giác quan

Sự thay đổi rõ rệt nhất ở những trẻ sơ sinh tháng thứ 2 đó là các giác quan, cụ thể như sau:

  • Thị giác: mắt bé mở to hơn và quan sát được các vật trong khoảng cách xa hơn so với khi mới chào đời. Bé rất thích ngắm nhìn các vật xung quanh chuyển động. Ở thời điểm này bé mới chỉ có thể nhìn mọi thứ theo 2 màu đen trắng. Do đó cha mẹ nên mua đồ chơi nhiều màu sắc cho trẻ nhìn để kích thích thị giác của bé phát triển.

  • Thính giác: lúc này bé đã nhạy cảm hơn với âm thanh từ ngoài môi trường. Có những trẻ còn tỏ ra thích thú khi được nghe giọng nói của cha mẹ và từ đồ vật phát ra âm thanh. Trẻ cũng rất dễ bị giật mình bởi tiếng động lớn, ồn ào;

  • Vị giác và khứu giác: điều đặc biệt đó là em bé 2 tháng tuổi giờ đây đã có khả năng ghi nhớ mùi hương của mẹ - người gần gũi với bé nhất kể từ khi sinh ra. Mùi hương của mẹ giúp bé cảm thấy an toàn, ngủ ngon và bớt quấy khóc hơn. Về vị giác thì bé thích vị ngọt, ghét vị đắng;

  • Xúc giác: khả năng tự tiếp cận và sờ nắm đồ vật của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 còn nhiều hạn chế. Vì vậy cha mẹ nên chủ động cho bé tự cầm nắm và sờ đồ vật xung quanh với chất liệu khác nhau. Bên cạnh đó cha mẹ hãy dành thời gian để vỗ về và ôm ấp trẻ nhiều hơn vì điều này giúp phát triển xúc giác cho trẻ.

Trẻ sơ sinh tháng thứ 2 đã có những phát triển nhất định về giác quan

Trẻ sơ sinh tháng thứ 2 đã có những phát triển nhất định về giác quan

2. Trẻ sơ sinh tháng thứ 2 thường gặp phải bệnh lý gì?

Sức đề kháng của trẻ sơ sinh vẫn còn rất non nớt nên dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống bên ngoài. Dưới đây là những triệu chứng dễ gặp ở trẻ sơ sinh tháng thứ 2 cha mẹ cần lưu ý:

  • Ho: tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do hen suyễn, cảm lạnh hoặc viêm phổi. Vì vậy vào mùa đông cha mẹ hãy nhớ mặc ấm cho trẻ, giữ ấm đặc biệt là ở vùng cổ, vùng bụng, ngực, lưng, lòng bàn tay, bàn chân cho bé. Nếu nằm phòng điều hòa thì chỉ để nhiệt độ ở mức vừa phải, không quá thấp cũng không quá cao và không để trẻ nằm ngay dưới hướng gió điều hòa;

  • Hắt hơi: đường hô hấp của trẻ dễ bị kích ứng bởi các tác nhân như bụi bẩn, lông chó mèo, phấn hoa, nước hoa,... Nên gia đình nhớ vệ sinh nhà cửa, chăn ga gối đệm cho bé thường xuyên và không để thú cưng lại gần trẻ. Nếu hắt hơi kèm triệu chứng sổ mũi nhiều ngày không khỏi, cha mẹ hãy đưa bé đi khám để trẻ được khơi thông đường thở và tìm hiểu nguyên nhân;

  • Tưa miệng: là khi trong lưỡi bé xuất hiện nhiều mảng trắng, khó loại bỏ. Nguyên nhân gây tưa miệng thường là do trẻ bị nhiễm nấm Candida albican hoặc virus;

  • Trào ngược dạ dày: dạ dày của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 vẫn còn nằm ngang, thể tích nhỏ và chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ rất dễ bị nôn trớ, trào ngược sau khi ăn xong. Sau 6 tháng hiện tượng sinh lý này sẽ được cải thiện nhưng nếu đây là tình trạng bệnh lý thì trẻ sẽ có những triệu chứng như sụt cân, quấy khóc, viêm phổi tái phát nhiều lần,... Lúc này cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để được điều trị y tế.

3. Những điều cha mẹ cần làm để trẻ phát triển toàn diện

Nhằm giúp trẻ được phát triển toàn diện, cha mẹ nên chú ý đến những điều dưới đây:

  • Cho bé ăn đúng cách: nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 sẽ cao hơn trước đó. Vì vậy mẹ nên cho bé ăn đủ lượng sữa cần thiết vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Trung bình trẻ sẽ ăn sữa khoảng 4 - 5 lần/ngày, mỗi cữ ăn cách nhau khoảng 2,5 - 3 tiếng. Mẹ nên giảm dần cữ ăn ban đêm của bé và cho bé bú nhiều hơn vào ban ngày;

  • Giấc ngủ cho trẻ: Nhiều trẻ sơ sinh chưa có khả năng phân biệt được ngày đêm nên cha mẹ cần giúp bé bằng cách tắt điện vào buổi tối khi bé đi ngủ và bật đèn sáng vào ban ngày. Điều này giúp tránh được hiện tượng “ngủ ngày cày đêm" ở trẻ. Thường thì cứ 30 phút sau khi ăn xong trẻ sẽ cảm thấy buồn ngủ, lúc này cha mẹ hãy vỗ ợ hơi cho bé và vỗ về để bé dễ ngủ hơn. Không gian ngủ của bé cần được dọn dẹp sạch sẽ, thoáng khí và yên tĩnh;

  • Thường xuyên trò chuyện cùng bé: để kích thích thính giác và khả năng ngôn ngữ cho bé, cha mẹ hãy thường xuyên kể chuyện, nói chuyện, hát cho bé nghe. Bé sẽ đáp lại bằng những âm thanh “ê a" và dù chưa nói được rõ chữ nhưng đây được coi là tiền đề cho sự phát triển về ngôn ngữ và nhận thức sau này của trẻ.

Hãy trò chuyện cùng bé mọi lúc mọi nơi để kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ

Hãy trò chuyện cùng bé mọi lúc mọi nơi để kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ

  • Cho bé tiêm chủng đúng lịch: khi cho bé tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch sẽ giúp phòng ngừa được các bệnh nguy hiểm như bại liệt, uốn ván, bạch hầu, phế cầu khuẩn,... Các trung tâm tiêm chủng sẽ thông báo lịch tiêm cho trẻ, vì vậy cha mẹ cần ghi nhớ đúng ngày và hãy đánh dấu vào nhật ký để tiêm chủng đúng hạn cho bé.

Sự phát triển của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 và cả những năm tháng sau này là điều vô cùng quan trọng. Do đó các bậc phụ huynh hãy thường xuyên tham khảo và cập nhật những kiến thức bổ ích trong việc nuôi dạy trẻ để con em mình được phát triển khỏe mạnh cha mẹ nhé!

Nếu cha mẹ đang có nhu cầu được tư vấn kỹ lưỡng hơn về cách chăm sóc trẻ sơ sinh hoặc các vấn đề về sức khỏe khác của bé, hãy liên hệ ngay với MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để đặt lịch khám cùng các Chuyên gia, bác sĩ Chuyên khoa Nhi của MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.