Tin tức
Nhược giáp: 9 dấu hiệu nhận biết và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe
- 11/05/2022 | Chuyên gia tư vấn cách chữa bệnh suy giáp
- 16/05/2023 | Suy giáp ở trẻ: những điều cha mẹ không nên bỏ qua
- 11/09/2024 | Điều trị suy giáp bằng phương pháp nào hiệu quả tối ưu?
1. Lý giải nguyên nhân gây nên nhược giáp
Nhược giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đảm bảo nhu cầu hoạt động của cơ thể. Do tuyến giáp điều chỉnh nhiều chức năng cơ thể trong đó có quá trình trao đổi chất nên nhược giáp sẽ gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe.
Nhược giáp có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có giai đoạn sẽ làm tuyến giáp suy giảm chức năng.
- I-ốt là nguyên liệu quan trọng để tổng hợp hormone tuyến giáp nên thiếu i-ốt sẽ khiến tuyến giáp sản xuất thiếu hormone.
- Phẫu thuật tuyến giáp hoặc xạ trị tuyến giáp để điều trị một số bệnh lý khác của tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây ra nhược giáp.
- Tác dụng phụ ảnh hưởng đến tuyến giáp do quá trình dùng một số loại thuốc.
Chế độ ăn thiếu i-ốt trong thời gian dài rất dễ gây nhược giáp
2. Dấu hiệu thường gặp của bệnh nhược giáp
Các dấu hiệu của bệnh nhược giáp thường xuất hiện từ từ nên hầu như người bệnh không nhận ra ngay:
2.1. Thiếu năng lượng và mệt mỏi
Người mắc bệnh thường cảm thấy kiệt sức dù họ không làm việc nhiều. Khi nghỉ ngơi, tình trạng mệt mỏi, kiệt sức ở bệnh nhân cũng không thay đổi. Đây là kết quả từ việc thiếu hormone tuyến giáp khiến cho quá trình trao đổi chất và năng lượng của cơ thể bị suy giảm.
2.2. Tăng cân không lý do
Những người mắc nhược giáp thường gặp phải tình trạng tăng cân mà không rõ nguyên nhân. Mặc dù chế độ ăn uống không thay đổi, nhưng cân nặng của họ vẫn tăng lên. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu hụt hormone tuyến giáp làm chậm quá trình trao đổi chất, dẫn đến tích tụ mỡ thừa trong cơ thể.
2.3. Da khô, tóc mỏng và dễ gãy rụng
Nhược giáp cũng có thể ảnh hưởng đến làn da và tóc của người bệnh khiến cho da trở nên khô, xỉn màu và thiếu sức sống, dễ bị bong tróc hoặc nứt nẻ. Tóc người bệnh cũng trở nên mỏng, dễ rụng và thiếu độ bóng khỏe hơn bình thường. Tình trạng này là kết quả của việc thiếu hụt hormone tuyến giáp làm giảm khả năng cung cấp dưỡng chất cho tế bào da và tóc.
2.4. Luôn cảm thấy lạnh dù nhiệt độ môi trường bình thường
Do hormone tuyến giáp có vai trò là các hormone chuyển hóa nên người bị thiếu hormone tuyến giáp sẽ bị giảm chuyển hóa cơ sở dẫn đến giảm sinh nhiệt cơ bản, vì vậy cơ thể luôn thấy lạnh hơn bình thường.
Mô phỏng các dấu hiệu điển hình ở bệnh nhược giáp
2.5. Táo bón
Tuyến giáp hoạt động kém cũng sẽ khiến hoạt động của hệ tiêu hóa chậm lại. Điều này làm cho thức ăn di chuyển qua ruột lâu hơn, gây ra tình trạng táo bón kéo dài. Vì thế, người bị nhược giáp có thể đi đại tiện ít hơn bình thường hoặc đại tiện khó khăn do táo bón.
2.6. Sưng phù mặt, nhất là vùng mắt
Mặt sưng phù, nhất là khu vực xung quanh mắt cũng cảnh báo nhược giáp. Hiện tượng này là do lắng đọng glycosaminoglycan trong các mô bên dưới da. Quan sát mặt bệnh nhân thường thấy tình trạng thiếu sức sống, mệt mỏi và hơi bệu. Ngoài ra, vùng mắt cũng có thể bị sưng và khiến người bệnh có cảm giác mắt bị đè nặng.
2.7. Nhịp tim chậm
Giảm hormone tuyến giáp do nhược giáp khiến nhịp tim chậm và làm tăng sức cản mạch máu. Nếu không kiểm soát tốt rất dễ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
2.8. Rối loạn chu kỳ kinh
Ở phụ nữ, nhược giáp có thể gây ra các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ nhược giáp rất dễ có tình trạng kinh nguyệt không đều, có thể rong kinh. Lý do của sự rối loạn này là thiếu hụt hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến sự điều tiết của hormone sinh dục nữ.
2.9. Giảm tập trung và ghi nhớ, trầm cảm
Người bị nhược giáp rất dễ bị quên, khó tập trung vào công việc hoặc các hoạt động thường ngày. Ngoài ra người bệnh có thể cảm thấy chán nản, trầm cảm. Đây là một trong những triệu chứng phổ biến ở những người mắc bệnh trong thời gian dài nhưng không được điều trị.
3. Nhược giáp ảnh hưởng thế nào đối với sức khỏe người bệnh?
Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và thời gian mắc bệnh mà nhược giáp sẽ ảnh hưởng đến mỗi bệnh nhân với mức độ khác nhau:
3.1. Tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch
Khi hormone tuyến giáp thiếu hụt, quá trình trao đổi chất sẽ bị chậm gây tăng cholesterol máu, nhất là cholesterol xấu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như: Đau thắt ngực, suy tim,...
3.2. Suy giáp nghiêm trọng
Suy giáp nghiêm trọng do nhược giáp không được điều trị dễ dẫn đến các vấn đề:
- Suy hô hấp gây khó thở hoặc ngừng thở.
- Suy tim.
- Hôn mê.
Chẩn đoán đúng để điều trị sớm giúp kiểm soát ảnh hưởng của nhược giáp đối với sức khỏe
3.3. Sức khỏe sinh sản bị đe dọa
Ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc rong kinh do nhược giáp có thể khiến việc thụ thai trở nên khó khăn. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể là nguyên nhân khiến nữ giới bị hiếm muộn.
Nam giới bị nhược giáp dễ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng từ đó giảm khả năng sinh sản.
3.4. Suy giảm tinh thần và trí não
Các triệu chứng trầm cảm, giảm trí nhớ, rối loạn tâm lý và lo âu rất phổ biến ở những người mắc bệnh nhược giáp. Sự giảm sản xuất hormone tuyến giáp có thể làm giảm chức năng não bộ từ đó gây nên tình trạng trí nhớ kém, mất tập trung, tinh thần uể oải,...
3.5. Tăng nguy cơ đột quỵ và mắc bệnh động mạch não
Nhược giáp có thể làm tăng huyết áp và cholesterol, từ đó tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh về não. Đặc biệt ở những người cao tuổi, nhược giáp có thể khiến các mạch máu trong não bị tổn thương, ảnh hưởng đến tuần hoàn não và dễ bị đột quỵ.
Các dấu hiệu bệnh nhược giáp khiến người bệnh khó chịu, suy giảm về sức khỏe. Phát hiện để điều trị sớm bệnh lý này sẽ giúp kiểm soát tốt các vấn đề liên quan. Vì thế, nếu nghi ngờ những dấu hiệu bệnh đã được đề cập ở trên, người bệnh nên được kiểm tra bởi bác sĩ chuyên khoa.
Quý khách hàng nghi ngờ tuyến giáp có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!