Tin tức

Nhược thị có mổ được không? Các phương án điều trị bệnh nhược thị

Ngày 02/11/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Nhược thị là một loại bệnh thường khởi phát ở trẻ sơ sinh và phát triển tới khi trẻ lên 7 - 8 tuổi. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn tới suy giảm hoặc mất thị lực ở trẻ em. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng, thể trạng cũng như tuổi tác của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ quyết định xem nhược thị có mổ được không. Càng được phát hiện và điều trị sớm thì càng hạn chế được những biến chứng về thị lực sau này cho trẻ.

1. Thế nào là bệnh nhược thị? 

Trước khi đánh giá nhược thị có mổ được không, chúng ta cần hiểu rõ về căn bệnh này.

Ngay từ khi mới chào đời cho đến năm lên 8 tuổi, não bộ và mắt của trẻ sẽ thiết lập đường dẫn truyền thị giác. Những hình ảnh do mắt thu thập được sẽ đi theo đường này truyền tải tới não bộ để phân tích. Sau khoảng thời gian trên, vùng thị giác trong não và đường dẫn truyền thị giác đã được thiết lập cố định nên không thể thay đổi được nữa. 

Tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động đã làm thay đổi sự liên kết giữa mắt và não. Có ít tín hiệu hình ảnh từ một bên mắt được truyền lên não, dần dần não sẽ tự động bỏ qua những hình ảnh từ bên mắt này và dẫn đến chứng nhược thị. 

Nhược thị có mổ được không

Nhược thị có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt

Các yếu tố gây ra bệnh nhược thị có thể là do:

  • Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị hoặc loạn thị);

  • Lác mắt;

  • Sẹo giác mạc;

  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh.

Nói chung là bất kỳ lý do nào gây mờ tầm nhìn hoặc khiến cho 2 mắt nhìn lệch trục đều có nguy cơ dẫn tới nhược thị. Có 2 loại nhược thị chính:

  • Nhược thị chức năng: là sau khoảng một thời gian điều trị, chức năng thị lực của mắt có dấu hiệu cải thiện tích cực;

  • Nhược thị thực thể: là khi mắt không còn khả năng phục hồi hoàn toàn như thị lực ban đầu.

Việc điều trị nhược thị nên được tiến hành càng sớm càng tốt, đặc biệt là vào thời điểm khi trẻ trước 6 tuổi. Nếu để càng lâu thì cơ hội chữa khỏi càng giảm dần. Nhất là khi trẻ đã qua 9 - 10 tuổi thì khả năng cao trẻ sẽ phải sống chung với tình trạng mất thị lực, mù lòa vĩnh viễn.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh nhược thị   

Các triệu chứng sau đây chính là cảnh báo sự phát triển của bệnh nhược thị ở trẻ:

  • Mắt mờ;

  • Mỏi mắt;

  • Đau đầu;

  • Gặp khó khăn khi đọc sách;

  • Mắt lười: thị lực ở 1 hoặc 2 bên mắt đều kém nhưng khó phát hiện tổn thương khi tiến hành kiểm tra.

3. Nhược thị có mổ được không? Khi nào thì nên mổ? 

Vấn đề nhược thị có mổ được không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Ví dụ như nhược thị là hệ quả của sụp mí mắt, đục thủy tinh thể bẩm sinh hay lác mắt thì bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương án phẫu thuật phù hợp cho từng trường hợp.

Ngoài ra, tuổi tác bệnh nhân cũng là yếu tố quan trọng trong việc quyết định phương án điều trị nhược thị. Tỷ lệ thành công chỉ khả quan khi bệnh nhân còn nhỏ nhưng đối với người trưởng thành thì rất khó để cải thiện tình trạng nhược nhị thông qua phẫu thuật. Mặc dù vậy, người lớn nếu bị mắt lác thì vẫn có thể mổ sửa chữa cơ mắt, giúp mắt nhìn không bị lệch trục nhưng chỉ mang tính chất cải thiện thẩm mỹ chứ rất ít tác dụng giúp cải thiện thị lực.

4. Những phương pháp phẫu thuật cho người bị nhược thị 

4.1. Phẫu thuật đục thủy tinh thể

Phương pháp này áp dụng cho những trường hợp trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, khi một hoặc cả hai bên mắt đều bị mờ, che mất tầm nhìn. Lo sợ rằng trẻ còn quá nhỏ tuổi, có rất nhiều phụ huynh lo lắng liệu rằng trẻ bị nhược thị có mổ được không. Tuy nhiên khi trẻ vừa mới chào đời, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp giúp can thiệp tình trạng đục thủy tinh thể nhằm bảo tồn thị lực cho bé. Cụ thể:

  • Gây mê toàn thân trẻ;

  • Nhỏ thuốc kích thích giãn đồng tử và tiến hành rạch một đường nhỏ trên giác mạc và loại bỏ phần tinh thể bị đục. Sau đó thay bằng một thấu kính để ánh sáng của mắt tập trung vào võng mạc. Thủ thuật này thường được thực hiện khi trẻ dưới 6 tháng tuổi;

  • Những trẻ đã trên 6 tháng tuổi, cấy ghép thủy tinh thể nhân tạo (hay thủy tinh thể nội nhãn) có thể được áp dụng nhằm thế chỗ cho thủy tinh thể bị đục.

4.2. Phẫu thuật mắt lác

Tật mắt lác tuy không thể khắc phục được thị lực đối với người trưởng thành nhưng ở bệnh nhi thì có thể. Quá trình thực hiện phẫu thuật điều  chỉnh mắt lác cho trẻ em diễn ra như sau:

  • Tiến hành gây mê toàn thân;

  • Xác định cơ mắt cần siết chặt hoặc nới lỏng, sau đó thực hiện điều chỉnh những cơ này;

  • 1 ca phẫu thuật có thể kéo dài trong khoảng 1 giờ, phụ thuộc vào số lượng 1 hay cả 2 mắt cần điều chỉnh;

  • Bệnh nhân sau khi mổ cần được theo dõi trong phòng hồi sức và có thể tỉnh táo sau khoảng 2 giờ phẫu thuật. Trẻ em nghỉ ngơi trong vòng vài ngày là có thể đi học trở lại, còn người lớn thì có thể đi làm sau 1 tuần.

Trẻ bị lác mắt có thể chữa trị qua phẫu thuật

Trẻ bị lác mắt có thể chữa trị qua phẫu thuật

Tỷ lệ thành công khi phẫu thuật cơ mắt thường khá cao, ít có biến chứng nguy hiểm, nếu có thì thường là đỏ mắt, nhức mắt, nhìn đôi hoặc nhiễm trùng và có thể hết trong vài tuần. Vì vậy để đề phòng nhiễm trùng xảy ra, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc nhỏ steroid hoặc kháng sinh cho bệnh nhân.

Có những trường hợp người bệnh phải duy trì đeo kính cả đời để đảm bảo rằng 2 mắt nhìn được một cách bình thường. Hoặc có khi bị tái phát và lại mổ thêm nhiều lần khác nữa.

Một số bệnh nhi sau khi mổ không cải thiện được thị lực do việc phẫu thuật cơ mắt không trực tiếp giải quyết tình trạng bị teo dây thần kinh dẫn truyền thị giác. Mặc dù vậy, thị lực của trẻ vẫn có cơ hội trở nên tốt hơn nếu tiến hành phẫu thuật điều chỉnh cơ thêm lần nữa. 

Đối với những trẻ bị sụp mí mắt dẫn tới nhược thị thì có thể can thiệp kéo mí mắt lên, giảm khả năng bị cản trở tầm nhìn.

5. Các cách điều trị khác nếu nhược thị không phẫu thuật được

Ở những ca không thể khắc phục tình trạng nhược thị được bằng phẫu thuật, bác sĩ sẽ đề xuất một số phương án khác để thay thế như:

  • Dùng miếng dán mắt: trẻ em sẽ được đeo một miếng che mắt tăng thị lực nhằm kích thích bên mắt yếu hơn, đeo từ 2 - 6 giờ/ngày trong vài tháng, thậm chí là vài năm;

  • Đeo kính hiệu chỉnh: giúp cải thiện các vấn đề như viễn thị, cận thị hoặc loạn thị gây nhược thị. Đó có thể là kính áp tròng hoặc là kính đeo ngoài;

  • Dùng thuốc nhỏ mắt: làm mờ thị lực ở bên mắt khỏe, buộc não phải tiếp nhận hình ảnh thu được ở bên mắt yếu. Liều lượng và thời gian dùng thuốc tùy từng trường hợp. Thuốc được dùng để thay thế cho miếng dán mắt và có thể gây nên một số tác dụng phụ như kích ứng mắt, nhạy cảm hơn với ánh sáng.  

Kính hiệu chỉnh có thể giúp cải thiện thị lực cho trẻ bị nhược thị

Kính hiệu chỉnh có thể giúp cải thiện thị lực cho trẻ bị nhược thị

Nhìn chung, nhược thị có mổ được không phải dựa trên nhiều yếu tố và thường thì trẻ em tuổi còn nhỏ thì tỷ lệ thành công khi áp dụng phương pháp này sẽ cao hơn. Các phụ huynh nên lưu ý thời điểm điều trị càng sớm thì cơ hội chữa khỏi sẽ càng cao. Vì vậy nên đưa bé đi khám trong thời gian sớm nhất có thể.

Tổng đài 1900565656 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách hàng giải đáp các thắc mắc về vấn đề sức khỏe. Hãy liên hệ với chúng tôi và đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa ngay hôm nay! 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.