Tin tức
Omicron XEC - Biến thể lây lan nhanh, tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát dịch
- 10/11/2022 | 11 triệu chứng Omicron thường gặp ở người nhiễm bệnh
- 23/07/2024 | Biến thể XBB Omicron nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh
- 01/11/2023 | Phương pháp lấy dịch mũi test Covid - 19 và những ưu điểm nổi bật
- 17/10/2024 | Xơ phổi sau COVID có nguy hiểm không? Chẩn đoán và điều trị
- 22/05/2025 | Cảnh báo nguy cơ dịch COVID 19 trở lại với biến thể mới lây lan nhanh
1. Tổng quan về biến thể Omicron XEC
XEC chính thức được phát hiện tại Đức vào tháng 6/2024. Đây là một biến thể tái tổ thuộc dòng Omicron, được lai tạo từ hai biến thể KS.1.1 và KP.3.3. Chỉ trong một thời gian ngắn, XEC đã nhanh chóng chiếm ưu thế tại nhiều khu vực như châu Âu, Bắc Mỹ.
Omicron XEC là một biến thể SARS-CoV-2 được lai tạo giữa biến thể KS.1.1 và KP.3.3
Theo VaccinesWork, tính đến trung tuần tháng 9/2024, XEC là một trong những biến thể SARS-CoV-2 mới có tỷ lệ lưu hành cao nhất tại Đức, chiếm khoảng 13%. Tại vương quốc Anh, tỷ lệ lưu hành của XEC trong cùng thời điểm đạt 7%, còn tại Hoa Kỳ là vào khoảng 5%.
Tính đến thời điểm hiện tại, XEC đang lưu hành tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, trở thành biến thể chiếm ưu thế tại nhiều khu vực. Tình hình dịch bất thường với hàng trăm nghìn ca nhiễm tại Thái Lan kể từ đầu năm 2025 đến nay cũng được cho là có liên quan đến biến thể mới này.
2. Mức độ nguy hiểm
Omicron XEC có khả năng né tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn so với các biến thể cũ. Theo báo cáo công bố bởi Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hệ số lây truyền (Re) của XEC cao hơn 1.13 lần so với biến chủng KP.3.1.1.
Tốc độ lây lan của XEC nhanh hơn các chủng cúm mùa thông thường
Theo tờ Bangkok Post, tiến sĩ Teera Woratanarat đến từ Đại học Chulalongkorn cho biết, XEC được ghi nhận tại Thái Lan có khả năng lây lan nhanh hơn gấp 7 lần so với các chủng cúm mùa thông thường.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet, tốc độ lây lan của XEC mạnh hơn so với nhiều chủng SARS-CoV-2 khác, bao gồm cả biến thể KP.3.1.1. Tốc độ lây lan nhanh của biến thể này là nhờ vào khả năng né tránh miễn dịch. Chính bởi vậy, XEC có thể tạo ra một làn sóng lây nhiễm mới, nhất là tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc khả năng miễn dịch cộng đồng suy giảm.
Mặc dù có tốc độ lây lan nhanh nhưng Omicron XEC không phải biến thể quá nguy hiểm. Cụ thể, cũng theo tài liệu công bố vào tháng 9/2024, WHO đánh giá rủi ro gây hại cho sức khỏe cộng đồng của biến thể XEC ở mức thấp. Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy XEC có khả năng gây biến chứng nghiêm trọng hơn các biến thể khác thuộc dòng Omicron.
Tuy rằng có tốc độ lây lan nhanh nhưng XEC không phải biến thể quá nguy hiểm
Tuy nhiên bởi tốc độ lây lan nhanh, biến thể XEC có thể dẫn đến nguy cơ tái bùng phát dịch, gây áp lực lên hệ thống y tế tại các quốc gia nếu không được kiểm soát kịp thời. Theo đó, chỉ tính riêng từ đầu năm đến trung tuần tháng 5/2025, Thái Lan đã ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Tỷ lệ nhiễm XEC trong số này tương đối cao. Khoảng 80% ca tử vong tại nước này tập trung ở đối tượng người cao tuổi trên 60, người mắc bệnh nền và phụ nữ mang thai.
3. Triệu chứng khi nhiễm biến thể XEC
Biểu hiện khi cơ thể bị nhiễm XEC không quá khác biệt so với biến thể khác thuộc dòng Omicron. Theo đó, một số triệu chứng thường gặp ở người bệnh là:
- Lên cơn sốt nhẹ hoặc vừa.
- Ho khan hoặc ho đờm.
- Đau rát họng.
- Cơ thể đau nhức, mệt mỏi.
- Ngạt mũi.
- Chảy nước mũi.
- Mất vị giác hoặc khứu giác (ít phổ biến hơn so với các biến thể cũ).
- Đau đầu.
- Bị tiêu chảy nhẹ.
Ho khan hoặc ho kèm theo đờm là triệu chứng thường xuất hiện ở người bị nhiễm XEC
Triệu chứng bệnh có xu hướng nghiêm trọng hơn ở người đang mắc bệnh nền, sức đề kháng yếu, người chưa tiêm hoặc không tiêm đủ liều vắc xin.
Giống như nhiều biến thể thuộc dòng Omicron khác, thời gian ủ bệnh trung bình của XEC là hơn 3.42 ngày (theo Plizer). Sau khoảng 2 đến 4 ngày phơi nhiễm, người bệnh sẽ bắt đầu biểu hiện triệu chứng. Trường hợp không xuất hiện biến chứng nghiêm trọng, cơ thể có thể phục hồi sau khoảng 1 đến 2 tuần.
4. Cách phòng ngừa
Biến thể SARS-CoV-2 mới XEC chủ yếu lây lan thông qua giọt bắn hô hấp. Những giọt bắn này bay trong không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi,... Ngoài ra, virus gây bệnh có thể bám lên bề mặt của nhiều vật dụng. Vì vậy để chủ động phòng ngừa, bạn nên áp dụng một số biện pháp sau:
- Đeo khẩu trang: Khi đi ra ngoài, đến nơi công cộng tập trung đông người, bạn luôn phải đeo khẩu trang. Việc làm đơn giản này sẽ giúp bạn hạn chế tiếp xúc với giọt bắn chứa virus gây bệnh.
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn: Không chỉ tồn tại trong giọt bắn bay trong không khí, virus gây SARS-CoV-2 nói chung còn có khả năng bám vào bề mặt của các vật dụng. Do đó, bạn nên rửa tay hàng ngày bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đồng thời, bạn hãy chú ý vệ sinh bề mặt tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nhà tắm, toilet,... để loại bỏ phần nào nguy cơ lây bệnh.
- Hạn chế đi đến nơi đông người: Nếu không thực sự cần thiết, bạn không nên lui tới nơi đông người. Bởi XEC có khả năng lây lan nhanh, nếu không thực hiện biện pháp phòng ngừa tốt, bạn rất dễ bị lây nhiễm.
- Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể: Để cải thiện khả năng miễn dịch, bạn hãy bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi điều độ, rèn luyện thể chất hàng ngày.
- Tiêm vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế: Theo WHO, những loại vắc xin lưu hành hiện nay vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể trước biến thể XEC. Bên cạnh tác dụng phòng bệnh, vắc xin còn giúp giảm nhẹ triệu chứng, giảm nguy cơ tử vong.
Nếu phải đi ra ngoài, bạn hãy nhớ đeo khẩu trang
Trường hợp nhận thấy cơ thể biểu hiện triệu chứng giống với bị nhiễm SARS-CoV-2, bạn nên đi kiểm tra. Nếu xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh, bạn có thể tự cách ly tại nhà khi sức khỏe vẫn ổn định.
Theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế, người nhiễm SARS-CoV-2 chưa xuất hiện biến chứng nên tự cách ly tại nơi cư trú tối thiểu 5 ngày kể từ khi biểu hiện triệu chứng hoặc xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh. Đồng thời, người bệnh cần duy trì đeo khẩu trang trong 10 ngày để phòng ngừa lây nhiễm cho cộng đồng. Nếu gặp khó khăn trong quá trình điều trị và cách ly tại nhà, người bệnh cần liên hệ với cơ sở y tế tại địa phương để được hỗ trợ.
Có thể thấy rằng Omicron XEC tuy không quá nguy hiểm nhưng tốc độ lây lan lại nhanh hơn nhiều chủng cúm mùa và một số biến chủng SARS-CoV-2 khác. Do đó, người dân không nên chủ quan mà hãy thực hiện theo hướng dẫn phòng ngừa, điều trị và cách ly đưa ra bởi Bộ Y tế. Nếu có nhu cầu làm xét nghiệm hỗ trợ lấy mẫu tận nhà, tư vấn điều trị thăm khám, Quý khách vui lòng liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC theo số tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
