Tin tức
Phân khu ổ bụng và cách xử trí khi bị đau vùng bụng
- 18/11/2021 | Tràn dịch trong ổ bụng có nguy hiểm không? Chẩn đoán bệnh bằng biện pháp nào?
- 26/02/2025 | Siêu âm ổ bụng có phát hiện ung thư cổ tử cung không? Giải đáp từ chuyên gia
- 16/04/2025 | Đo áp lực ổ bụng: Đối tượng chỉ định và chi tiết quy trình thực hiện
1. Cách phân khu ổ bụng và nguyên nhân khiến vùng bụng bị đau
1.1. Phân khu ổ bụng như thế nào?
Ổ bụng được giới hạn bởi 2 cánh chậu ở phía dưới, cơ hoành phía trên, cơ lưng và cột sống ở phía sau, cân thành bụng và cơ ở 2 bên. Kẻ một đường ngang qua điểm thấp nhất trên bờ sườn và một đường ngang nữa qua 2 gai chậu trước trên, phân khu ổ bụng như sau:
- Tầng phía trên cùng, theo hướng từ trái sang phải, ổ bụng được phân thành: hạ sườn trái, thượng vị và hạ sườn phải.
- Tầng giữa, theo hướng từ trái sang phải, ổ bụng gồm: mạng mỡ trái (hông trái), vùng quanh rốn, mạng mỡ phải (hông phải).
- Tầng dưới, theo hướng từ trái sang phải, ổ bụng gồm: hố chậu trái, hạ vị và hố chậu phải.
Bệnh nhân bị đau thượng vị - một phần thuộc tầng trên trong phân khu ổ bụng
1.2. Nguyên nhân gây đau vùng bụng
Theo phân khu ổ bụng ở trên có thể thấy rằng ổ bụng có rất nhiều cơ quan nội tạng. Vì thế, cơn đau xuất phát từ vùng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, điển hình nhất phải kể đến các bệnh lý như:
- Bệnh tiêu hóa: Viêm dạ dày ruột, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, sỏi mật, viêm tụy, viêm đại tràng, ung thư dạ dày,...
- Bệnh lý đường tiết niệu: Viêm bàng quang, sỏi niệu quản,..
- Bệnh lý khác: Thoát vị cơ hoành, đau bụng kinh, căng cơ,...
- Bệnh phụ khoa: U nang buồng trứng xoắn, viêm phần phụ,...
Dựa trên phân khu vùng bụng và vị trí cơn đau, khi thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra phù hợp để đưa ra chẩn đoán cụ thể. Ví dụ như: Đau thượng vị có thể liên quan đến túi mật, dạ dày,... đau hố chậu phải có thể liên quan đến niệu quản, manh tràng,....
Tình trạng đau bụng ở mỗi người thường do những nguyên nhân khác nhau
2. Xử trí như thế nào khi có cơn đau vùng bụng?
Phân khu ổ bụng được chia thành 3 tầng và 9 vùng. Tùy vào mức độ, vị trí đau mà người bệnh cần có hướng xử trí phù hợp như sau:
2.1. Theo dõi tại nhà
Khi xuất hiện cơn đau vùng bụng, người bệnh có thể theo dõi tại nhà với các trường hợp như:
- Đau bụng nhẹ, không lan rộng, không kèm sốt hoặc nôn ói.
- Đau bụng nhẹ kèm khó tiêu, đầy hơi.
- Sau khi theo dõi vài giờ, những triệu chứng này thường có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, trong thời gian theo dõi tại nhà, người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc giảm đau NSAIDs hoặc thuốc kháng sinh.
2.2. Đi khám bác sĩ chuyên khoa
Trong các trường hợp sau, người có cơn đau vùng bụng nên sớm gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám:
- Đau bụng dữ dội, kéo dài trên 6 tiếng không có dấu hiệu thuyên giảm.
- Đau kèm sốt, nôn liên tục hoặc tiêu chảy kéo dài.
- Xuất hiện triệu chứng nguy hiểm như: vàng da, tiểu ít, bí trung đại tiện.
- Đau vùng hố chậu kèm bất thường ở cơ quan sinh dục nữ.
- Có bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch hoặc thuộc nhóm đối tượng là người già và trẻ nhỏ.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ:
- Thăm hỏi để thu thập các thông tin như:
+ Tính chất cơn đau: đau từng cơn hay đau liên tục, đau từ từ hay đau dữ dội, cảm giác đi kèm mỗi cơn đau như quặn thắt hay dao đâm,...
+ Các dấu hiệu đi kèm như: choáng, nước tiểu đục, có máu trong phân, tiêu chảy, nôn, sốt,...
- Khám bụng để tìm điểm đau và dấu hiệu bất thường.
- Chỉ định những kiểm tra cần thiết như: xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, chụp CT-Scanner vùng bụng,... để tìm ra nguyên nhân gây đau vùng bụng.
Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám, tìm nguyên nhân đau bụng
3. Thực hành lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa cơn đau vùng bụng
Ngoài việc hiểu rõ các phân khu ổ bụng nhằm nhận diện dấu hiệu sớm của các bệnh lý nguy cơ, bạn cũng nên chủ động thực hiện lối sống lành mạnh để phòng tránh đau bụng bằng cách:
- Ăn uống hợp lý:
+ Chọn thực phẩm tươi sạch, nấu chín kỹ để tránh nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng gây tiêu chảy hoặc đau bụng.
+ Ăn đúng giờ, không để bụng trong tình trạng quá đói hay quá no.
+ Hạn chế ăn đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
+ Hạn chế rượu bia và chất kích thích vì chúng là tác nhân làm tăng nguy cơ viêm loét, tổn thương gan mật và gây đau bụng.
- Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh:
+ Rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
+ Đảm bảo khâu vệ sinh khi chế biến và bảo quản thực phẩm để tránh tình trạng nhiễm khuẩn từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín.
+ Dọn dẹp tủ lạnh và khu vực bếp thường xuyên để hạn chế vi khuẩn phát triển gây hại cho hệ tiêu hóa.
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt:
+ Cân bằng thời gian giữa công việc và nghỉ ngơi, luyện tập hít thở sâu, thiền,... hoặc dành thời gian cho sở thích cá nhân để thư giãn tinh thần.
+ Duy trì vận động hàng ngày giúp tăng cường nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa và giảm căng thẳng - một trong những nguyên nhân gây đau bụng chức năng.
- Khám sức khỏe định kỳ:
+ Khám tiêu hóa định kỳ nếu có tiền sử viêm loét, sỏi mật, rối loạn tiêu hóa,...
+ Phụ nữ nên siêu âm vùng chậu định kỳ để phát hiện nguy cơ mắc bệnh lý phụ khoa từ sớm.
+ Phát hiện sớm và thực hiện điều trị các bệnh lý tiềm ẩn theo chỉ định từ bác sĩ để tránh gặp phải các cơn đau bụng nguy hiểm.
Ổ bụng là không gian bên trong thành bụng và giới hạn bởi cơ hoành phía trên và khung chậu phía dưới. Biết được phân khu ổ bụng có thể giúp người bệnh xác định được vị trí đau, giúp bác sĩ dễ dàng thăm khám, xác định nguyên nhân đau.
Hầu hết trường hợp đau bụng nhẹ thường không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Điều đáng nói là, bản thân người bệnh không thể tự xác định được cơn đau bụng sinh lý và cơn đau bụng bệnh lý. Chỉ khi được khám và thực hiện những phương pháp chẩn đoán cần thiết từ bác sĩ chuyên khoa, người bệnh mới biết được tình trạng bệnh của mình. Nếu đau bụng chưa được chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh không được tự ý dùng dùng thuốc giảm đau mà cần thăm khám để tránh rơi vào tình huống nguy hiểm.
Quý khách hàng có dấu hiệu đau vùng bụng có nhu cầu thăm khám bác sĩ chuyên khoa, hãy liên hệ trực tiếp Tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn và hướng dẫn đặt lịch nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
