Tin tức

Phù gai thị là gì? Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Ngày 16/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Phù gai thị được đánh giá là nguy hiểm bởi không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực mà còn đe dọa đến tính mạng. Dưới đây là những chia sẻ để bạn đọc hiểu hơn về bệnh lý này, đặc biệt là nắm được các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh.

1. Phù gai thị là gì?

Phù gai thị xảy ra khi có sự tăng áp lực bên trong sọ, làm cho dây thần kinh thị giác bị chèn ép và gây ra phù đĩa gai thị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây phù gai thị cũng chính là nguyên nhân làm tăng áp lực nội sọ. Cụ thể, áp lực nội sọ tăng lên có thể do vùng đầu bị chấn thương, do các bệnh lý ở não (viêm não, viêm màng não, áp xe não, u não, xuất huyết não, não úng thủy,…). Ngoài ra, thiếu máu hay cơn tăng huyết áp cũng có thể gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tăng áp lực nội sọ nhưng không xác định được nguyên nhân. Tình trạng này được gọi là tăng áp lực nội sọ vô căn. 

Chấn thương ở đầu làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến phù gai thị

Chấn thương ở đầu làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến phù gai thị

Triệu chứng

Các triệu chứng của phù gai thị có thể xuất hiện sớm nhưng lại không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý hay tình trạng khác của sức khỏe. 

  • Đau đầu: Thường xảy ra vào buổi sáng và nặng hơn khi thay đổi tư thế. Cơn đau không xác định được vị trí, thường lan ra cả đầu.
  • Buồn nôn và nôn: Đi kèm với đau đầu, người bệnh có hiện tượng buồn nôn và nôn mạnh. Sau khi nôn, cảm giác đau đầu thuyên giảm.
  • Mất thị lực thoáng qua: Nhiều trường hợp, người bệnh đột nhiên bị mất thị lực trong khoảng vài giây, sau đó trở về trạng thái bình thường.
  • Tầm nhìn đôi: Hay nói cách khác là nhìn 1 thành 2, trong đó có một hình ảnh là thật, một hình ảnh là ảo. 
  • Các triệu chứng thần kinh khác, chẳng hạn như liệt chi. 

Biến chứng

Người bệnh tuyệt đối không được chủ quan nếu thường xuyên xuất hiện các triệu chứng trên. Trường hợp bệnh không được phát hiện và điều trị, dây thần kinh thị giác bị tổn thương nghiêm trọng có thể làm suy giảm hay thậm chí là mất thị lực.

Và như đã nói, nguyên nhân gây phù gai thị có thể do các bệnh lý ở não. Và những bệnh lý này tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm cho hệ thần kinh, nghiêm trọng hơn là đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Phù gai thị có thể làm giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn

Phù gai thị có thể làm giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn

2. Chẩn đoán phù gai thị

Dưới đây là những phương pháp bác sĩ áp dụng trong chẩn đoán phù gai thị

Khám lâm sàng

Đầu tiên, bác sĩ khai thác tiền sử bệnh, bao gồm các triệu chứng người bệnh gặp phải, tần suất xuất hiện triệu chứng, thói quen sinh hoạt, bệnh lý nếu có, sau đó thực hiện thăm khám mắt bằng kỹ thuật soi đáy mắt. 

Chẩn đoán hình ảnh

Để chẩn đoán bệnh chính xác cũng như xác định được nguyên nhân, mức độ, tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp sau.

  • Chụp cắt lớp quang học (OCT): Nhằm mục đích đo độ dày sợi thần kinh thị giác, qua đó, đánh giá mức độ phù của dây thần kinh này.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner): Nhằm xác định áp lực nội sọ tăng do đâu (khối u não, áp xe não,…) cũng như vị trí, kích thước tổn thương như thế nào.
  • Chụp tĩnh mạch MR hoặc chụp CT-scanner mạch não xóa nền: Nếu nghi ngờ mạch máu não có vấn đề, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán này.
  • Soi đáy mắt: Cho phép bác sĩ nhìn thấy các cấu trúc bên trong mắt của bạn, bao gồm võng mạc, đĩa thị, và các mạch máu, từ đó giúp phát hiện các bệnh lý mắt. 

Chẩn đoán phù gai thị bằng chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chẩn đoán phù gai thị bằng chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chọc dò tủy sống

Đây không chỉ là phương pháp chẩn đoán mà còn là biện pháp điều trị tạm thời phù gai thị. Cụ thể, bác sĩ sẽ lấy một lượng dịch não tủy bằng cách sử dụng kim chọc dò đâm qua khe đốt sống ở vị trí dưới thắt lưng. Lượng dịch não tủy lấy được vừa hỗ trợ chẩn đoán tình trạng tăng áp lực nội sọ, vừa có tác dụng làm giảm áp lực trong nội sọ.

Chẩn đoán phân biệt

Do các triệu chứng của phù gai thị khá giống với những bệnh lý khác nên bác sĩ cần thực hiện thêm chẩn đoán phân biệt. Chẩn đoán này được kết hợp từ thăm khám lâm sàng với các xét nghiệm cận lâm sàng để đảm bảo chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó điều trị hiệu quả.

3. Điều trị phù gai thị

Phương pháp điều trị phù gai thị tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh

Điều trị bệnh lý nguyên nhân

Phù gai thị do bệnh lý nào gây ra thì bác sĩ sẽ tập trung vào điều trị bệnh lý đó. Khi được điều trị triệt để thì tình trạng tăng áp lực nội sọ không còn, như vậy, phù gai thị cũng được chấm dứt hoàn toàn.

Dùng thuốc lợi tiểu

Nếu tình trạng phù gai thị xảy ra do tăng áp lực nội sọ vô căn (không xác định được nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ), người bệnh sẽ được dùng thuốc thuốc lợi tiểu, thường là thuốc lợi tiểu nhóm ức chế men carbonic anhydrase. 

Điều trị phù gai thị bằng thuốc lợi tiểu hoặc <a href='https://medlatec.vn/tin-tuc/thuoc-khang-sinh--loi-ich-va-nguy-hai-khi-su-dung-s195-n19942'  title ='thuốc kháng sinh'>thuốc kháng sinh</a>, kháng viêm

Điều trị phù gai thị bằng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc kháng sinh, kháng viêm

Dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm

Nếu xác định phù gai thị do viêm tủy, viêm não, viêm màng não, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng viêm. Thuốc có tác dụng chống viêm, chống nhiễm khuẩn, vừa cải thiện tình trạng bệnh, vưa phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.

Phẫu thuật

Trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ được làm phẫu thuật. Theo đó, nếu tăng áp lực nội sọ do trong não có khối u, máu tụ hay do áp xe não, não úng thủy thì phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu nhất. 

Trên đây là những thông tin giúp bạn nắm được phù gai thị là gì, chẩn đoán và điều trị như thế nào. Trong sinh hoạt hàng ngày, bạn cũng cần chú ý theo dõi huyết áp thường xuyên vì những cơn tăng huyết áp ác tính có thể gây xuất huyết não, tổn thương thần kinh thị giác.

Ngoài ra, hãy kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý vì thừa cân, béo phì cũng có thể làm tăng áp lực nội sọ vô căn. Đặc biệt, khi cơ thể có những triệu chứng nghi ngờ phù gai thị, cần chủ động đi khám để điều trị bệnh hiệu quả, tránh biến chứng cho thị lực và tính mạng. Mọi nhu cầu thăm khám, quý khách hãy đến Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch trước, quý khách có thể gọi 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.