Tin tức

Phương pháp tiêm kích trứng là gì và khi nào cần thực hiện?

Ngày 16/09/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ mà hiện nay đã có nhiều biện pháp giúp hỗ trợ các cặp đôi hiếm muộn có cơ hội được đảm nhiệm thiên chức làm cha làm mẹ. Những phương pháp được nhiều người lựa chọn đó là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh ống nghiệm, trong đó tiêm kích trứng là một bước vô cùng quan trọng trong các kỹ thuật này. Vậy tiêm kích trứng là gì và thời điểm nào là lý tưởng nhất để thực hiện? Hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin sau nhé!

1. Thuốc kích trứng là gì? 

Thông thường khi bước vào kỳ kinh nguyệt, trong buồng trứng sẽ chỉ có một noãn phát triển rồi phóng noãn, nếu nó gặp được tinh trùng phù hợp sẽ thụ tinh để hình thành phôi thai. Tùy vào độ tuổi của phụ nữ, khả năng làm tổ và phát  triển của phôi thai đó sẽ là khoảng 5 - 20%. Những noãn trưởng thành thì được giải phóng vào vòi trứng, các nang còn lại sẽ bị thoái hóa. Vì vậy trong điều trị vô sinh hiếm muộn để tăng tỷ lệ thụ thai thành công đòi hỏi thu thập được nhiều nang noãn càng tốt.

Thuốc kích trứng là thuốc nội tiết giúp kích thích tăng nội tiết tố ở phụ nữ, giúp trứng có thể phát triển một cách khỏe mạnh cho đến khi trưởng thành và rụng xuống, tăng cơ hội đậu thai. Có 2 dạng thuốc kích trứng đó là dạng tiêm và dạng uống. Phụ thuộc vào phác đồ điều trị cũng như tình trạng bệnh lý cụ thể mà người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng dạng thuốc phù hợp.

Có con luôn là mong ước của nhiều cặp đôi hiếm muộn và các phương pháp kích trứng chính là niềm hy vọng của họ

Có con luôn là mong ước của nhiều cặp đôi hiếm muộn và các phương pháp kích trứng chính là niềm hy vọng của họ

Riêng đối với dạng tiêm, ban đầu thuốc kích trứng sẽ được tiêm để thúc đẩy sự phát triển, trưởng thành của trứng cho tới khi nó chín. Khi trứng đã đạt đủ tiêu chuẩn thì áp dụng mũi tiêm rụng trứng (hCG) để khiến trứng rụng theo đúng chủ định của bác sĩ.

Tiêm kích trứng thường dành cho những cặp đôi đã kết hôn từ 1 - 2 năm muốn tăng khả năng có thai tự nhiên, hay các trường hợp bị vô sinh do rối loạn phóng noãn, đa nang buồng trứng hoặc đang phải thụ tinh ống nghiệm (IVF), thụ tinh nhân tạo (IUI).

2. Kích trứng khi đang thực hiện IVF và IUI 

Như chúng ta đã biết thì kích trứng là một phần trong chuỗi các bước thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Vì vậy để gia tăng tỷ lệ thụ thai thành công ngay từ khâu kích thích buồng trứng, người bệnh cần có một chế độ sinh hoạt khoa học, dùng thuốc theo đúng phác đồ điều trị theo kế hoạch bác sĩ đề ra.

2.1. Khi thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo IUI

Mục đích của việc kích trứng trong phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI đó là tạo ra từ 1 - 3 nang noãn trưởng thành, đẩy nhanh quá trình phóng noãn để giúp tăng cơ hội có thai. IUI thích hợp để áp dụng trong những trường hợp như:

  • Tinh trùng yếu;

  • Bất thường về phóng tinh;

  • Rối loạn phóng noãn;

  • Mắc bệnh lý ở cổ tử cung;

  • Vô sinh không rõ nguyên nhân;

  • Lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ và vừa;

  • Bơm tinh trùng nếu người chồng không có tinh trùng.

Kích trứng bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI

Kích trứng bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI

2.2. Đối với thụ tinh trong ống nghiệm IVF

Kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm IVF khá phức tạp, đòi hỏi các cặp đôi phải bỏ ra chi phí rất lớn để thực hiện. Vì vậy để gia tăng tỷ lệ thành công, tối thiểu mỗi lần kích  trứng cần phải thu về được từ 8 - 10 trứng đạt chuẩn. Các trường hợp dưới đây sẽ được chỉ định tiến hành IVF:

  • Bất sản ống dẫn tinh;

  • Tinh trùng yếu nặng;

  • Người vợ đã lớn tuổi;

  • Người vợ bị suy buồng trứng sớm;

  • Người chồng không có tinh trùng;

  • Buồng trứng giảm dự trữ;

  • Yếu tố tai vòi;

  • Đã từng thực hiện bơm tinh trùng nhiều lần nhưng không đạt hiệu quả.

3. Tác dụng phụ khi tiêm kích trứng là gì? 

Nhờ phương pháp kích trứng mà những cặp vợ chồng bị vô sinh hiếm muộn đã có cơ hội được làm cha làm mẹ. Tuy nhiên phương pháp này cũng gây nên những tác dụng không mong muốn như sau:

  • Khi buồng trứng bị kích thích nó sẽ trở nên to hơn khiến bầu ngực và vùng bụng dưới có cảm giác trì nặng, căng tức và có thể dẫn tới phản ứng buồn nôn. Triệu chứng này  thường diễn ra vào 2 - 3 ngày cuối trong quá trình kích trứng, tới khi chọc hút trứng nó sẽ biến mất;

  • Đối với những trường hợp tiến hành thụ tinh nhân tạo IUI thì sẽ làm tăng tỷ lệ mang đa thai - rủi ro thai sản sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với việc mang đơn thai;

  • Đối với thụ tinh ống nghiệm IVF, bệnh nhân có thể bị quá kích buồng trứng - một trong những biến chứng vô cùng nghiêm trọng khi thực hiện phương pháp này.

Do nguy cơ gặp tác dụng phụ là hoàn toàn có thể xảy ra nên nếu sau khi tiêm kích trứng mà bệnh nhân lại gặp phải những biểu hiện bất thường sau hãy thông báo ngay tới bác sĩ:

  • Bụng bị căng tức quá mức;

  • Tiêu chảy;

  • Tiểu ít;

  • Bụng đau lâm râm hoặc vùng bụng dưới bị đau quặn thắt;

  • Chỉ sau một vào ngày tiêm kích trứng đã bị tăng cân nhẹ hoặc tăng rất nhanh;

  • Tụt huyết áp, khó thở, tim đập nhanh.

Kích trứng bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF

Kích trứng bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF

Nếu có những dấu hiệu quá kích buồng trứng thì người bệnh cần được kiểm tra bằng các phương pháp thăm khám lâm sàng toàn trạng và cận lâm sàng bao gồm xét nghiệm máu và siêu âm ổ bụng để tìm hiểu nguyên nhân. Dựa trên mức độ biểu hiện và tình trạng bệnh mà sẽ áp dụng phương hướng điều trị phù hợp như bổ sung chế độ ăn nhiều đạm (như trứng, thịt bò,...), uống nhiều nước và điện giải, chống nôn, bù albumin. 

Trong trường hợp người bệnh bị mắc bệnh lý về tim mạch, ung thư hoặc các bệnh mạn tính (tiểu đường, cường giáp, suy thận, suy gan,...) nhưng mong muốn sinh con theo phương pháp IVF hay IUI thì cần phải thăm khám kỹ lưỡng, đảm bảo kiểm soát tốt các bệnh lý nền và đủ điều kiện sức khỏe để có thể mang thai. 

Đối với bệnh nhân bị ung thư, nhất là ung thư nội tiết như ung thư vú thì cần ưu tiên chữa ung thư trước, sau đó áp dụng các biện pháp bảo tồn chức năng sinh sản cho người bệnh như đông lạnh phôi, trứng, tinh trùng để có thể khắc phục hiếm muộn sau khi điều trị ổn định tình trạng ung thư.

4. Sau khi kích trứng cần lưu ý những gì? 

  • Về chế độ sinh hoạt: sau khi thực hiện kích trứng, người bệnh vẫn đi làm và sinh hoạt như bình thường nhưng cần chú ý đi lại nhẹ nhàng, cẩn trọng, không tập thể dục thể thao quá mức, tránh lao động nặng. Ngoài ra cần tránh quan hệ tình dục mạnh với tần suất cao để hạn chế tối đa rủi ro vỡ nang buồng trứng, xoắn buồng trứng;

  • Dinh dưỡng hàng ngày: Uống đủ nước hàng ngày; tăng cường ăn thực phẩm tốt cho buồng trứng (thịt bò, trứng, cá, rau xanh, quả mọng, quả bơ, các loại hạt, đậu nành); ăn thực phẩm đúng mùa, không phun thuốc trừ sâu và dùng chất bảo quản; hạn chế tiêu thụ thức uống chứa cồn như bia rượu, caffein, nước ngọt có gas,... vì sẽ làm giảm chất lượng trứng;

  • Tái khám theo lịch hẹn định kỳ: giúp theo dõi tình trạng đáp ứng phương pháp điều trị và khắc phục tác dụng phụ nếu có.

Trên đây là một số thông tin giúp giải thích kích trứng là gì và các phương pháp kích trứng được ứng dụng phổ biến hiện nay. Nếu quý khách hàng có nhu cầu được tư vấn về các dịch vụ thăm khám tại MEDLATEC, xin vui lòng liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56.

Từ khoá: hiếm muộn ung thư

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.