Tin tức

Quy trình rửa tay như thế nào là đúng cách?

Ngày 07/10/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Việc giáo dục cho con trẻ nên giữ gìn thân thể sạch sẽ rất quan trọng vì đây là những bước đầu tiên giúp các bé nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ sức khỏe bản thân. Công việc này tưởng chừng dễ dàng với mọi người nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng quy trình rửa tay để loại bỏ vi khuẩn. Với bài viết này, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về các bước rửa tay đúng cách.

1. Tại sao nên rửa tay đúng cách?

Nhiều người cho rằng chỉ cần rửa tay qua nước sạch thì đã có thể loại bỏ mọi vi khuẩn. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một ý nghĩ sai lầm vì thông qua mắt thường, bạn khó có thể nhận biết được sự tồn tại của vi khuẩn đang bám trên tay. Bên cạnh đó, tay là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhiều vật trong quá trình làm việc, ăn uống hay kể cả vệ sinh thân thể. 

Theo một nghiên cứu được công bố năm 1938 của Price P.B, trên da bàn tay thường tồn tại hai nhóm vi khuẩn như sau:

  • Vi khuẩn vãng lai: đây là loại vi khuẩn có sẵn trên các đồ vật và bám vào tay bạn khi có sự tiếp xúc. Tuy nhiên, những loại vi khuẩn vãng lai thường dễ được loại bỏ nếu bạn rửa tay thường xuyên. 

Vi khuẩn bám trên da tay rất khó quan sát nên cần có quy trình rửa tay an toàn

Vi khuẩn bám trên da tay rất khó quan sát

  • Vi khuẩn định cư: phần lớn loại vi khuẩn này thường cư trú dưới da ở lớp biểu bì bên trong nên quy trình rửa tay cần phải thực hiện đúng cách. Nếu bạn chỉ rửa tay bằng nước lạnh thì hoàn toàn không có tác dụng. Tuy nhiên, bạn có thể kết hợp rửa tay đúng cách với xà phòng  để loại bỏ và tiêu diệt phần nào sự tồn tại của chúng.

Việc vi khuẩn tấn công và cư trú trên da có ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và khả năng mắc phải một số bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt đối với các bé thường cầm nắm và có thói quen ngậm mút tay hoặc trực tiếp ăn uống mà không vệ sinh tay thì có nguy cơ cao mắc các bệnh do vi khuẩn gây ra. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, các bé cần được hướng dẫn rửa tay đúng quy trình và tự ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân.

2. Rửa tay đúng cách giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh gì?

Vi khuẩn luôn tồn tại xung quanh trong mọi không gian sinh hoạt nên khả năng lây nhiễm rất cao. Tuy nhiên, nếu bạn biết bảo vệ bản thân bằng cách giữ gìn tay chân được sạch sẽ thì có thể giảm thiểu sự tác động của chúng. Theo một vài nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ cho thấy việc thực hiện đúng quy trình rửa tay giúp đẩy lùi nguy cơ mắc một số bệnh như:

  • Đối với các bệnh liên quan đến đường hô hấp, điển hình như cảm lạnh có thể giảm từ 16 - 21% khả năng mắc bệnh.

  • Đối với các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lên đến 30 - 60%.

  • Giảm thiểu khoảng 25 - 40% khả năng bị bệnh tiêu chảy. Đối với người có hệ miễn dịch yếu, có thể giảm khoảng 60% nguy cơ mắc bệnh.

Rửa tay đúng cách giúp hạn chế mắc bệnh tiêu chảy

Rửa tay đúng cách giúp hạn chế mắc bệnh tiêu chảy

  • Ngoài những bệnh nêu trên, việc rửa thay thường xuyên có thể phòng ngừa các căn bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh Covid - 19 và bệnh bạch hầu đang diễn tiến phức tạp, ngoài đeo khẩu trang thì việc vệ sinh tay là rất cần thiết.

3. Những thời điểm nào nên rửa tay?

Mặc dù, mọi người được khuyến khích thường xuyên rửa tay để đánh bay bụi bẩn, vi khuẩn. Nhưng tùy vào tính chất công việc và hoạt động sống của mỗi người mà bạn có thể cân nhắc sao cho phù hợp. Tuy nhiên, với những thời điểm sau mọi người nên rửa tay để hạn chế sự tấn công của vi khuẩn, cụ thể như:

  • Trước khi ăn: vì trong bữa ăn mọi người có thể dùng tay để cầm thức ăn hoặc những đồ dùng. Để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào đường miệng, tốt nhất mọi người nên rửa tay sạch sẽ trước khi bắt đầu bữa ăn.

  • Thời điểm chuẩn bị nấu ăn: nên vệ sinh tay trước, trong và kể cả sau khi nấu ăn nhằm đảm bảo thức ăn của bạn hoàn toàn sạch sẽ.

  • Trước và sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc với người đang bị bệnh: một số bệnh lý xuất phát do vi khuẩn tấn công và có khả năng lây nhiễm khi có sự tiếp xúc vết thương. Ngoài ra, bệnh nhân có thể lực yếu cũng rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập và khiến tình trạng nặng hơn. 

  • Sau khi đi vệ sinh (đại tiện, tiểu tiện) hoặc thay tã, vệ sinh cho bé: vì vi khuẩn từ phân hoặc nước tiểu có thể vô tình bám vào tay của bạn. Nếu bạn không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh thì khả năng cao những vi khuẩn này sẽ tấn công vào cơ thể khi gặp điều kiện tốt, chẳng hạn như đưa tay lên xoa mũi, dùng tay cầm thức ăn,...

Sau khi ho hoặc hắt hơi nên rửa tay qua nước sạch

Sau khi ho hoặc hắt hơi nên rửa tay qua nước sạch

  • Sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi: việc dùng tay che miệng hoặc mũi khi ho và hắt hơi cũng giúp hạn chế sự lây nhiễm vi khuẩn, virus nếu bạn đang mắc bệnh. Tuy nhiên, sau khi ho, hắt hơi, xì mũi, bạn nên rửa tay để loại bỏ những vi khuẩn tồn tại trên tay.

  • Sau khi chạm vào rác thải, phân bón, các chất hóa học, động vật hoặc thức ăn của gia súc: đây là những đồ vật, con vật thường có rất nhiều vi khuẩn trú ngụ. Nếu bạn không vệ sinh sạch sẽ thì khả năng bị nhiễm vi khuẩn rất cao.

4. Quy trình rửa tay như thế nào là đúng cách?

Những năm gần đây, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân của mỗi người ngày một cao hơn. Ngoài ra, ở những khu vực công cộng cũng lắp đặt nhiều nhà vệ sinh, bồn rửa tay để phục vụ cho người dân khi có nhu cầu. Mặc dù việc rửa tay không có gì khó khăn nhưng không phải ai cũng nắm rõ quy trình rửa tay chuẩn. Sau đây là một số chia sẻ của chuyên gia về cách thức vệ sinh tay hiệu quả:

4.1. Chuẩn bị

Thông thường các nhà vệ sinh trong gia đình hay công cộng đều được trang bị bồn rửa tay (hay còn gọi là lavabo) và vòi nước sạch. Bên cạnh đó, dung dịch khử khuẩn hoặc xà phòng rửa tay là vật dụng không thể thiếu. Sau khi rửa xong, để tay khô và tránh vấy bẩn lên quần áo, bạn nên trang bị thêm giấy lau hoặc máy sấy tay.

4.2. Các bước rửa tay theo quy trình chuẩn

Để loại bỏ những vi khuẩn tồn tại trên tay, bạn nên thực hiện theo quy trình rửa tay chuẩn với các bước sau đây: 

  • Bước 1: Rửa tay qua nước sạch để da tay mềm hơn. Sau đó, cho một ít xà phòng vào lòng bàn tay rồi xoa đều hai tay với nhau.

Cho xà phòng vào lòng bàn tay và xoa đều

Cho xà phòng vào lòng bàn tay và xoa đều

  • Bước 2: Sau khi lớp bọt bắt đầu nổi phồng lên (một số loại dung dịch không hoặc ít tạo bọt), dùng lòng bàn tay này chà lên mu bàn tay kia trong khoảng 5 - 7 giây và chuyển ngược lại.

  • Bước 3: Tiếp tục chà hai lòng bàn tay cọ xát với nhau, lưu ý các ngón tay đan với nhau và miết mạnh.

  • Bước 4: Sử dụng mu các ngón tay của bàn tay này cọ xát vào lòng của bàn tay kia khoảng 5 giây và đổi ngược lại.

  • Bước 5: Dùng các ngón của bàn tay này ôm lấy ngón cái của bàn tay kia và xoay đều ngón cái, sau thời gian khoảng 5 giây thì đổi tay. 

  • Bước 6: Chà các đầu ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và đổi lại.

Rửa tay với nước sạch sau khi sử dụng xà phòng

Rửa tay với nước sạch sau khi sử dụng xà phòng

  • Bước 7: Sau khi hoàn tất các bước trên, tiến hành rửa tay qua nước sạch. Bạn cần đảm bảo mọi xà phòng bám trên tay đều được rửa trôi dưới vòi nước sạch

  • Bước 8: Lau khô tay bằng giấy hoặc máy sấy.

Với những chia sẻ trên đây, hy vọng mọi người nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân. Bên cạnh đó, các bạn còn được gợi ý về quy trình rửa tay chuẩn nhằm đảm bảo loại bỏ được những vi khuẩn tồn tại trên da. Ngoài ý nghĩa bảo vệ sức khỏe bản thân thì việc rửa tay cũng hạn chế khả năng lây truyền bệnh cho người khác.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ