Tin tức

Bị tiêu chảy ở mức độ nào thì đi nên đi thăm khám bác sĩ?

Ngày 10/09/2020
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Tiêu chảy là tình trạng thường gặp ở mọi đối tượng không kể tuổi tác, giới tính. Những trường hợp mắc bệnh dạng nhẹ sẽ khỏi trong vòng 1 - 2 ngày. Thế nhưng bệnh có thể diễn biến nặng khi triệu chứng kéo dài. Đây là vấn đề đáng lưu ý mà nhiều người vẫn thường chủ quan.

1. Tiêu chảy là gì?

Thức ăn khi được đưa vào cơ thể sau thời gian 2 - 3 ngày sẽ được hấp thụ hoàn toàn nước và chất dinh dưỡng sau đó chất cặn bã sẽ thải ra khỏi cơ thể. Thế nên, ở người bình thường sẽ đi đại tiện khoảng 1 - 2 lần/ngày và phân có khuôn, không lỏng hay nát.

Tiêu chảy là tình trạng đi đại tiện có phân lỏng hơn 3 lần/ngày. Bệnh này được phân thành 2 loại dựa theo mức độ của bệnh và thời gian diễn ra như sau:

tiêu chảy có thể do nhiễm khuẩn đường ruột hoặc do ăn uống

Tiêu chảy là tình trạng bệnh nhân đi ngoài có phân lỏng khoảng 3 lần mỗi ngày

  • Thể cấp tính: xuất hiện khi cơ thể mắc dị ứng với thức ăn hay nhiễm khuẩn E.coli, tả,… hoặc gây ra bởi virus Rota,… Tình trạng này thường diễn ra dưới 14 ngày.

  • Thể mạn tính: tình trạng này diễn ra hơn 14 ngày, trong đó không có 2 ngày liền ngừng tiêu chảy. Cơ thể bệnh nhân có thể bị suy dinh dưỡng, cơ thể suy nhược khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Một số nguyên nhân được xác định là thủ phạm gây ra tiêu chảy như:

2.1. Do các tác nhân: Virus, vi trùng, ký sinh trùng

Đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh này. Nhiễm khuẩn xảy ra khi bạn ăn uống không hợp vệ sinh, thực phẩm có chứa Salmonella, Clostridium, khuẩn tụ cầu,… khiến bạn bị ngộ độc. Mầm bệnh từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể sau đó kích thích các mô ở hệ tiêu hóa gây nên viêm nhiễm và đau.

Ngoài ra, việc ăn thực phẩm sống như rau, gỏi, đồ tái sống,… được tưới bằng loại nước bẩn hay dùng phân tươi sẽ làm lây truyền vi khuẩn E.coli, giun, sán. Bên cạnh đó, khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước ô nhiễm cũng là nguy cơ bùng phát dịch bệnh như tả, lỵ,…

giữ về sinh chân tay không tốt sẽ dẫn tới hiện tượng tiêu chảy

Việc giữ vệ sinh không kỹ lưỡng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể

2.2. Rối loạn vi sinh đường ruột

Việc sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh sẽ khiến những vi khuẩn có lợi bị triệt tiêu làm mất cân bằng hệ vi sinh của đường ruột giúp vi khuẩn có hại phát triển gây ra rối loạn hệ tiêu hóa. Hệ quả là đi đại tiện nhiều lần dạng phân lỏng, không có dạng khuôn hay phân sống.

2.3. Kém hấp thụ đường

Một số trường hợp cơ thể của họ không thể dung nạp được nhiều loại đường như fructozo, lactozo có trong trái cây, mật ong, sữa,…

Vì thế khi họ sử dụng những thực phẩm có chứa những loại đường này dễ gây ra tình trạng mắc bệnh kéo dài. Ngoài ra, cơ thể thiếu hụt men như lactase,… là yếu tố gây ra bệnh.

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên thì tiêu chảy có thể là một dấu hiệu báo động những vấn đề dưới đây:

2.4. Ngộ độc thực phẩm

Do bệnh nhân ăn thực phẩm đã bị ôi thiu, có chất độc hay các chất phụ gia gây hại. Lúc ấy bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu như đau bụng, đi vệ sinh nhiều lần sau khi ăn, nôn mửa, tiêu chảy và sốt cao,… Có thể xuất hiện co giật và tử vong nếu không đưa đến bệnh viện lập tức.

tiêu chảy có thể do ngộ độc thực phẩm

Nếu có biểu hiện tiêu chảy có thể bạn đã bị ngộ độc thực phẩm

3. Khi nào bạn cần đến khám bác sĩ?

Đối với những trường hợp mức độ nhẹ, bệnh có thể được xử lý ở nhà mà không cần đến bệnh viện. Thế nhưng những trường hợp mức độ nặng và nghiêm trọng cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được điều trị sớm.

3.1. Đối với trẻ em

Trường hợp tiêu chảy ở trẻ nhỏ bố mẹ phải hết sức lưu ý. Bệnh có thể gây ra tình trạng mất nước gây đe dọa tính mạng của trẻ. Bố mẹ phải đưa trẻ đi bệnh viện ngay lập tức khi có những dấu hiệu sau đây:

  • Đi tiểu rất ít.

  • Nhức đầu và thường buồn ngủ.

  • Miệng và da có biểu hiện khô.

  • Chân tay lạnh và da dẻ tái xanh nhợt nhạt.

  • Sốt cao kéo dài và không tỉnh táo.

  • Đi ngoài có kèm máu và mủ.

  • Đi ngoài kèm sốt và nôn nhiều.

3.2. Đối với người lớn

Tuy rằng, bệnh xảy ra ở người lớn không nguy hiểm bằng trẻ nhỏ thế nhưng bạn vẫn cần phải đi khám khi bệnh kéo dài và có những biểu hiện sau đây:

  • Phân đen kèm theo máu.

  • Nôn ói.

  • Mất nước nghiêm trọng.

  • Sút cân nhanh chóng.

tiêu chảy nên đi khám bác sĩ

Cho dù ở độ tuổi nào bệnh nhân cũng không được chủ quan mà phải đến bệnh viện để được kiểm tra chắc chắn

Tùy theo cơ địa mỗi người mà sẽ có những biểu hiện khác nhau. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được tình trạng bệnh của mình và có cách xử lý thích hợp.

4. Những điều cần lưu ý cho bệnh nhân tiêu chảy

4.1. Hình thành chế độ ăn uống khoa học

Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng tiêu chảy và kết quả điều trị của bệnh nhân. Những chuyên gia y tế thường khuyến cáo bệnh nhân nên ăn thực phẩm dạng lỏng, nhẹ, dễ tiêu hóa gồm cháo, súp,… Những thức ăn này giúp cơ thể được bù nước và tiêu hóa dễ dàng, đi ngoài tạo khuôn phân như bình thường.

Khi những triệu chứng của bệnh thuyên giảm, có thể bổ sung cho bệnh nhân thịt nạc xay, canh rau,… giúp cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.

Mặt khác, để giảm thiểu những triệu chứng của bệnh cần hạn chế dùng những loại thực phẩm sống, chưa được nấu chín, thực phẩm có nhiều đường,… Đặc biệt, bệnh nhân tuyệt đối không được sử dụng rượu bia, nước uống có ga sẽ khiến bệnh thêm nghiêm trọng.

mỗi người nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Chế độ ăn uống tác động mạnh mẽ đến tình trạng bệnh của bạn

4.2. Dành thời gian nghỉ ngơi

Việc tập luyện thể dục thể thao sẽ làm cho cơ thể bị mất nước nhiều hơn. Vì vậy, bệnh nhân cần nhiều thời gian cho cơ thể được nghỉ ngơi. Người bệnh có thể sinh hoạt như thường ngày nhưng cần hạn chế những hoạt động làm tiêu hao năng lượng.

4.3. Giữ vệ sinh cá nhân và ăn uống cẩn thận

Cần tuân thủ ăn chín uống sôi, sử dụng thức ăn đảm bảo vệ sinh. Cần vệ sinh thật kỹ dụng cụ nấu ăn trước khi nấu và che đậy kỹ thức ăn không để ruồi nhặng bâu vào.

Đặc biệt, đối với trẻ em bố mẹ không được tự ý cho trẻ dùng thuốc mua bên ngoài mà phải có sự chỉ định của bác sĩ. Đồng thời luôn vệ sinh kỹ càng, rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi cho trẻ ăn hoặc bú sữa.

Khi tiếp xúc với gia cầm hoặc gia súc bị bệnh cần phải mặc đồ bảo hộ. Chất thải của chúng phải được xử lý triệt để và cách xa khu vực sinh sống. Không nên ôm ấp hoặc tiếp xúc gần gũi với thú cưng nếu chúng bị bệnh.

Khi mắc bệnh tiêu chảy dạng nhẹ có thể bù nước điện giải và nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. Đối với những người mắc bệnh nặng cần đưa đến bệnh viện để kiểm tra ngay để ngăn ngừa những tình huống nguy hiểm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.