Tin tức
Rối loạn cơ vòng Oddi là bệnh gì và có chữa được không?
- 28/01/2021 | Bé bị rối loạn tiêu hóa: dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân
- 08/01/2021 | Những sự thật ít người biết về chứng rối loạn tiêu hóa
- 14/10/2021 | Đầy bụng kèm rối loạn đại tiện là do đâu và làm sao để hết?
1. Cấu tạo và chức năng chính của cơ vòng Oddi
Xuất hiện vào năm 1887 trong mô tả lần đầu tiên của một nhà giải phẫu học người Ý tên là Ruggero Oddi, cơ vòng Oddi đóng vai trò là một chiếc van hình tròn có thể mở hoặc đóng nhằm điều chỉnh dòng chảy của dịch tiêu hóa (bao gồm dịch tụy và dịch mật), kiểm soát lượng dịch này chảy xuống tá tràng khi diễn ra quá trình tiêu hóa tại ruột non.
Cơ chế hoạt động của cơ vòng Oddi:
Ở trạng thái bình thường khi không có thức ăn, cơ vòng Oddi sẽ được đóng kín để bảo vệ ống tụy và đường mật tránh khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và dịch vị từ đường tiêu hóa. Còn khi trong đường tiêu hóa có chứa thức ăn thì cơ vòng Oddi sẽ mở ra để dịch tiêu hóa đi vào ruột non, hỗ trợ phân giải thức ăn.
Vị trí của cơ vòng Oddi
Hiện tượng rối loạn cơ vòng Oddi xảy ra khi van này không hoạt động đúng như chức năng bình thường của nó mà bị đóng mở, co thắt hoặc giãn nở sai thời điểm. Điều này khiến cho sự lưu thông của dịch tiêu hóa bị cản trở gây nên triệu chứng đau quặn bụng.
Có 3 loại rối loạn cơ vòng Oddi đó là loại 1, 2 và 3. Trong đó, loại 1 và loại 2 có thể phát hiện qua các xét nghiệm máu, hoặc siêu âm nhận thấy ống mật giãn bất thường. Khác với 2 loại này, loại 3 khó chẩn đoán hơn và thường biểu hiện qua các cơn đau bụng.
2. Rối loạn cơ vòng Oddi là do nguyên nhân gì gây nên?
Một số yếu tố sau có thể là căn nguyên khiến gây nên các rối loạn ở cơ vòng Oddi:
-
Tổn thương sau phẫu thuật vùng bụng, viêm tụy tái phát nhiều lần, viêm đường mật, sỏi mật, giun chui ống mật,... gây biến chứng chít hẹp hoặc xơ hóa một phần hay toàn bộ cơ vòng Oddi, làm tổn thương cấu trúc của van này;
-
Khối u chèn ép, chiếm diện tích cản trở chức năng của cơ vòng Oddi;
-
Hội chứng sau thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật: có đến 20% bệnh nhân gặp rối loạn cơ vòng Oddi sau khi trải qua ca mổ cắt túi mật.
Thông thường, phụ nữ sẽ đối diện với nguy cơ rối loạn cơ vòng Oddi cao hơn so với nam giới và thường gặp nhất là phụ nữ trong độ tuổi trung niên.
3. Các triệu chứng báo hiệu rối loạn chức năng cơ vòng Oddi
Khá khó để phân biệt được rõ ràng các biểu hiện của chứng rối loạn cơ vòng Oddi vì nó rất giống với các bệnh lý thông thường khác ở hệ tiêu hóa như viêm túi mật, sỏi mật, trào ngược dạ dày, hội chứng ruột kích thích, hoặc viêm tụy.
Các biểu hiện của rối loạn cơ vòng Oddi khá giống với các bệnh tiêu hóa khác
Nếu gặp các triệu chứng sau, mặc dù không đặc hiệu nhưng người bệnh có thể liên hệ tới chứng rối loạn cơ vòng Oddi và đi thăm khám nhằm chẩn đoán chính xác loại bệnh lý mà mình đang mắc phải:
-
Xuất hiện đột ngột cơn đau quặn mật sau ăn. Vị trí cơn đau cố định ở vùng thượng vị hoặc phía hạ sườn bên phải. Có trường hợp đau lên xương bả vai hoặc lan ra sau lưng và âm ỉ trong nhiều giờ liền, có hoặc không kèm theo tăng men gan.
-
Cơn đau kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa.
-
Sốt, ớn lạnh.
-
Vàng da.
-
Bệnh nhân có thể gặp tình trạng bị viêm tụy cấp và tái phát nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn.
4. Các cách được sử dụng trong việc chẩn đoán rối loạn cơ vòng Oddi
Bác sĩ có thể dựa trên các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân như thường xuyên xuất hiện các cơn đau quặn mật và lặp đi lặp lại nhiều lần, ngay cả khi túi mật đã được phẫu thuật cắt bỏ. Thêm vào đó, các kỹ thuật sau cũng giúp hỗ trợ chẩn đoán phát hiện bệnh:
-
Siêu âm đường mật thấy ống mật chủ giãn;
-
Xét nghiệm sinh hóa chức năng gan cho kết quả bất thường;
-
Chụp đường mật bằng đồng vị phóng xạ;
-
Nội soi mật tụy ngược dòng để đo trực tiếp áp lực cơ vòng. Nếu thấy tăng áp lực có thể chỉ định cắt cơ vòng.
5. Cơ hội chữa khỏi rối loạn cơ vòng Oddi thông qua các biện pháp điều trị
Mục tiêu điều trị rối loạn cơ vòng Oddi đó là: giảm đau, giảm áp lực cơ vòng, khôi phục và bảo tồn dòng chảy của dịch tiêu hóa đổ vào ruột non.
Sau khi đã chẩn đoán phân biệt được các triệu chứng bất thường mà bệnh nhân gặp phải là do rối loạn chức năng ở cơ vòng Oddi chứ không phải là do viêm tụy, viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi mật,... thì có thể áp dụng các phương án điều trị như sau:
Chữa rối loạn cơ vòng Oddi bằng thuốc:
Đây là biện pháp được ưu tiên sử dụng hàng đầu do ưu điểm nổi bật là không xâm lấn và hạn chế được các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra so với phẫu thuật.
Để kiểm soát các triệu chứng như sốt cao, đau quặn mật hoặc co thắt cơ trơn quá mức thì người bệnh cần được điều trị giảm nhẹ bằng các loại thuốc hạ sốt, chống co thắt hoặc giãn cơ trơn. Tùy vào từng biểu hiện mà bác sĩ sẽ kê các thuốc điều trị sao cho phù hợp. Tuy nhiên cũng có loại thuốc gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho cơ thể người bệnh.
Thuốc thường được ưu tiên sử dụng do đây là biện pháp không xâm lấn và hạn chế được các biến chứng nghiêm trọng
Biện pháp phẫu thuật:
Phẫu thuật được ứng dụng nhằm mở và tái tạo cấu trúc, chức năng của cơ vòng Oddi. Để tiếp cận được chiếc van này, bác sĩ cần phải thông qua tá tràng. Nếu cơ vòng Oddi đã hoàn toàn mất đi chức năng vốn có của nó thì cần tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.
Phương pháp nội soi:
Một thiết bị nội soi sẽ được sử dụng nhằm xác định vị trí của cơ vòng Oddi, bác sĩ sẽ thực hiện cắt cơ này để ngăn ngừa hiện tượng co lại có thể xảy ra trong tương lai. Sau đó, để giữ cho cơ được mở cần đặt một stent tạm thời vào vị trí cơ Oddi, khôi phục lại dòng chảy bình thường của dịch tụy và dịch mật.
Nhìn chung, chứng rối loạn cơ vòng Oddi khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng không nhỏ. Vậy nên việc hiểu rõ về bệnh lý này sẽ giúp tìm được phương án điều trị cũng như khắc phục hiệu quả hơn. Để cập nhật các thông tin hữu ích về sức khỏe và được tư vấn kỹ hơn về các gói dịch vụ, ưu đãi hiện có, quý khách hàng xin vui lòng truy cập vào website: medlatec.vn hoặc liên hệ qua tổng đài 1900 56 56 56 của BVĐK MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!