Tin tức
Rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai và những lưu ý quan trọng
- 21/03/2021 | Nguyên nhân dẫn đến sảy thai mẹ bầu cần lưu ý trong những tháng thai kỳ
- 30/11/2020 | Bộ xét nghiệm dành cho phụ nữ có tiền sử sảy thai và thai lưu
- 29/03/2021 | Sau sảy thai bao lâu thì có kinh nguyệt - mối bận tâm của nhiều người
1. Rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai là gì?
Rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai là hiện tượng chị em bị kinh nguyệt không đều (ra quá ít hoặc quá nhiều), thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày (rong kinh) hoặc không có kinh sau 4 - 6 tuần sảy thai (mất kinh).
Thực tế, sau sảy thai, nội tiết tố bị thay đổi đột ngột nên cơ thể cần thời gian để hồi phục; cộng với tâm lý buồn bã, lo lắng, áp lực khiến nhiều chị em bị mất kinh hoặc có kinh không đều. Để kinh nguyệt đều trở lại, chị em cần lưu ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cũng như luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai làm nhiều chị em lo lắng và không biết làm thế nào để cải thiện tình hình
2. Dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai
Không khó để nhận biết chứng rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai bởi dấu hiệu rất rõ ràng. Theo đó, sau khi sảy thai, nếu chị em gặp phải một trong số các biểu hiện dưới đây thì rất có thể bản thân đã bị rối loạn kinh nguyệt.
Kinh nguyệt không đều sau khi sảy thai
Quá trình mang thai, hormone nội tiết tố tăng lên, nhưng sau khi sảy thai, lượng hormone này giảm đột ngột. Sự thay đổi này khiến cơ thể chưa “thích nghi” kịp, cần thời gian để hồi phục. Trong thời gian này, kinh nguyệt sẽ không đều, có tháng ra nhiều nhưng có tháng ra ít.
Bị rong kinh sau khi sảy thai
Thời gian hành kinh kéo dài, liên tục trên 7 ngày được gọi là rong kinh. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy bạn bị rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai bởi lúc này tử cung chưa phục hồi. Hiện tượng rong kinh không chỉ gây bất tiện, khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ viêm nhiễm, gây ra các bệnh phụ khoa.
Mất kinh sau khi sảy thai
Ngược lại với rong kinh, một số chị em sau khi sảy thai thì có hiện tượng mất kinh, tức là không có kinh nguyệt trở lại sau 4 - 6 tuần sảy thai. Mất kinh quá lâu có thể ảnh hưởng đến lần có thai sau nên chị em cần thăm khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị.
Kinh nguyệt ra ít sau sảy thai
Buồng trứng gặp vấn đề, cơ thể thiếu chất, chưa hồi phục sau sảy thai có thể khiến kinh nguyệt ra rất ít, chỉ vài giọt màu nâu sẫm. Đây cũng là một chứng rối loạn kinh nguyệt thường thấy sau sảy thai.
Rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai có nhiều triệu chứng và biểu hiện như kinh nguyệt không đều, rong kinh, mất kinh
3. Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai có thể đến từ nhiều yếu tố, từ tâm lý đến sức khỏe.
Ảnh hưởng tâm lý
Sảy thai là một cú sốc quá lớn. Lúc này, không chỉ buồn bã, mệt mỏi, một số người còn cảm thấy lo lắng và áp lực cho những lần mang thai sau. Điều này vô tình ức chế hoạt động của tuyến yên, khiến kinh nguyệt bị rối loạn.
Nội tiết tố thay đổi
Như đã nói ở trên, khi mang thai, hormone nội tiết tố trong cơ thể nữ giới tăng lên để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Khi sảy thai, lượng hormone này giảm xuống đột ngột khiến cơ thể bị mất cân bằng nội tiết tố, dẫn đến sự thay đổi của quá trình rụng trứng, khiến kinh nguyệt bị rối loạn.
Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi
Sau khi sảy thai, nếu ăn uống không đủ chất thì kinh nguyệt có thể bị rối loạn bởi lúc này cơ thể bị thiếu chất nghiêm trọng, cộng với sức đề kháng yếu do vừa mới gặp biến cố mất thai. Bên cạnh đó, làm việc quá sức hay vận động mạnh sẽ khiến cơ bụng co lại và tác động đến tử cung đang còn yếu, từ đó gây rối loạn kinh nguyệt.
Rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai do nhiều nguyên nhân, có thể vì mệt mỏi, lo lắng, ăn không đủ chất, ngủ không đủ giấc, thay đổi nội tiết tố,…
Phụ khoa bị viêm nhiễm sau khi sảy thai
Sau khi sảy thai, vùng kín của chị em sẽ luôn bị ẩm ướt do lúc này, cổ tử cung mở rộng, dịch âm đạo tiết ra nhiều. Và đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm, nấm vùng kín. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ và điều trị tích cực có thể dẫn đến các bệnh phụ khoa như viêm lộ tuyến, lạc nội mạc tử cung,… gây rối loạn kinh nguyệt.
4. Làm gì để hạn chế rối loạn kinh nguyệt sau sảy thai?
Rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai là khó tránh khỏi, tuy nhiên, bạn có thể hạn chế tình trạng và mức độ nguy hiểm bằng cách thực hiện các biện pháp sau.
Chăm sóc sức khỏe thật tốt
Sau sảy thai, cơ thể đang rất yếu ớt và cần nhiều thời gian để hồi phục, vì thế, hãy cố gắng xây dựng lối sống lành mạnh và giữ tinh thần thoải mái nhất có thể.
-
Ăn đủ bữa, đủ chất, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và cá biển để vừa cân bằng nội tiết tố, vừa duy trì cân nặng.
-
Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm.
-
Ngủ sớm, trước 22 - 23 giờ. Tuyệt đối không thức khuya.
-
Làm việc nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý. Không làm việc nặng và quá sức.
-
Tập một số bài thể dục kết hợp với đọc sách, nghe nhạc,… để tâm trạng dễ chịu hơn.
Thăm khám sức khỏe định kỳ
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và chuẩn bị thật tốt cho lần mang thai sau, bạn cần có kế hoạch thăm khám sức khỏe định kỳ theo lịch trình của bác sĩ. Việc khám phụ khoa thường xuyên sẽ giúp bạn sớm phát hiện những bất thường liên quan đến cơ quan sinh sản, đặc biệt là tử cung và buồng trứng để kịp thời điều trị.
Chị em cần thăm khám bác sĩ để có hướng điều trị và cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai
Nếu rối loạn kinh nguyệt kéo dài và nghi ngờ bất thường, tuyệt đối không chủ quan, bỏ qua hay tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. Bởi điều này có thể gây biến nặng hơn, rất nguy hiểm.
Mong rằng với những lưu ý trên đây, bạn đọc sẽ hiểu hơn về chứng rối loạn kinh nguyệt sau khi sảy thai để có cách chăm sóc cơ thể và thăm khám bác sĩ khi cần thiết để phòng tránh những biến chứng nặng nề, nguy hiểm.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!