Tin tức

Sinh mổ gây tê có đau không và tất cả các vấn đề liên quan

Ngày 08/07/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Gây tê tủy sống là kỹ thuật giảm đau cần thực hiện trước khi sinh mổ để giảm cảm giác đau đớn cho sản phụ cũng như giúp quá trình sinh dễ dàng hơn. Sinh mổ gây tê có đau không chắc chắn là thắc mắc của nhiều sản phụ, nhất là sản phụ sinh lần đầu tiên.

1. Gây tê khi sinh mổ - giải đáp các thắc mắc

Theo thống kê tại các bệnh viện phụ sản lớn, có đến 30 - 50% trường hợp thai phụ được chỉ định sinh mổ thay cho sinh thường tự nhiên do các nguyên nhân y khoa. Ngoài ra cũng có một tỉ lệ sản phụ và gia đình lựa chọn phương pháp sinh mổ. Em bé không được sinh tự nhiên bằng các cơn chuyển dạ qua đường sinh mà bác sĩ sẽ rạch một đường ở bụng tứng ứng với đoạn dưới tử cung để đưa bé ra ngoài.

Sinh mổ gây tê có đau không

Sinh mổ an toàn với các trường hợp thai lớn hoặc nguy cơ biến chứng khi sinh thường

Kỹ thuật mổ lấy thai sản phụ cần được gây tê, có thể gây tê tủy sống để giảm đau hoặc gây mê toàn thân để bạn ngủ sâu và không có cảm giác đau trong suốt cuộc phẫu thuật. Hiện nay phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ được nhiều sản phụ lựa chọn hơn vì vẫn giữ được tỉnh táo tinh thần, ngăn ngừa biến chứng khi sinh.

Dưới đây là 1 số thông tin về phương pháp gây tê khi sinh mổ.

1.1. Gây tê khi sinh mổ tác dụng như thế nào?

Phương pháp gây tê khi sinh mổ đã được chứng minh khoa học là an toàn và hiệu quả với sản phụ, đường áp dụng cho các trường hợp mổ lấy thai. Sau khi gây tê, mẹ sẽ hoàn toàn mất cảm giác ở nửa thân dưới khi bác sĩ thực hiện mổ đưa em bé ra khỏi bụng mẹ. Người mẹ vẫn hoàn toàn tỉnh táo để biết được cuộc mổ đang diễn ra như thế nào. Sau khi thuốc gây tê hết tác dụng, mẹ sẽ có cảm giác trở lại.

Thuốc gây tê sẽ khiến mẹ không có cảm giác đau trong suốt quá trình mổ

Thuốc gây tê sẽ khiến mẹ không có cảm giác đau trong suốt quá trình mổ

1.2. Gây tê khi sinh mổ có cần thiết không?

Sinh mổ được chỉ định y khoa trong các trường hợp không thể sinh thường hoặc sinh thường có nguy cơ biến chứng cao. Gây tê là bắt buộc và cần thực hiện trước phẫu thuật mổ lấy thai, đau đớn khi mổ rất nghiêm trọng, mẹ bầu khó có thể vượt qua nếu không có thuốc gây tê hỗ trợ.

1.3. Vị trí tiêm thuốc tê ở đâu?

Thuốc tê được tiêm tại chỗ cùng với thuốc giảm đau vào khoang dưới nhện nằm gần tủy sống của sản phụ. Thuốc sẽ tác dụng gây tê thần kinh, cảm giác đau vì thế không được truyền đến não bộ trong suốt quá trình sinh nở này.

Sau khi gây tê, bác sĩ sẽ gây mê trực tiếp vào khu vực tủy sống, kim tiêm được tiêm nhanh và sau đó rút ra, thường không gây cảm giác đau.

1.4. Tại sao nên gây tê tủy sống thay vì gây mê toàn thân?

Gây tê tủy sống và gây mê toàn thân là hai lựa chọn dành cho sản phụ sinh mổ, phương pháp gây tê tủy sống vẫn được ưu tiên hơn. Khi gây tê, sản phụ chỉ mất cảm giác vùng thân dưới, tinh thần vẫn hoàn toàn tỉnh táo và có thể thấy con ngay sau khi sinh cũng như cho con bú.

So với gây mê toàn thân, gây tê tủy sống an toàn hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn. 

Gây tê tủy sống an toàn hơn so với gây mê toàn thân

Gây tê tủy sống an toàn hơn so với gây mê toàn thân

2. Thắc mắc của nhiều sản phụ: Sinh mổ gây tê có đau không?

Sinh mổ gây tê có đau không là lo lắng của rất nhiều sản phụ được chỉ định hoặc đang phân vân không biết nên sinh thường hay sinh mổ. 

2.1. Trong quá trình sinh

Trong quá trình sinh, sản phụ được gây tê toàn bộ khu vực thân dưới nên mọi cảm giác đau đớn đều không cảm nhận được kể cả khi bác sĩ mổ hay lấy thai nhi ra. Song tinh thần của mẹ vẫn hoàn toàn tỉnh táo, có thể chứng kiến được toàn bộ cuộc mổ và ôm con ngay sau khi bé chào đời.

Như vậy, trong quá trình sinh, mẹ sinh mổ sẽ không có cảm giác đau.

2.2. Sau khi sinh

Cơn đau sẽ dần xuất hiện khi thuốc tê hết tác dụng, vết mổ là nguyên nhân gây ra cảm giác đau nghiêm trọng. Thời gian thuốc tê hết tác dụng còn phụ thuộc vào lượng thuốc tê sử dụng cũng như tình trạng sức khỏe của người mẹ. 

Cơn đau do sinh mổ khi đã hết thuốc tê khiến mẹ chỉ có thể nằm yên tại chỗ trên giường, không thể xoay người hay di chuyển. Ngoài ra, thuốc gây tê cũng gây 1 vài tác dụng phụ khác như: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, đau lưng, tức ngực, nôn mửa,… Đa phần các tác dụng phụ này không kéo dài, chỉ xảy ra 1 vài ngày sau khi tiêm.

Đau sau khi sinh mổ xuất hiện khi thuốc tê hết tác dụng

Đau sau khi sinh mổ xuất hiện khi thuốc tê hết tác dụng

Đau do sinh mổ sẽ kéo dài khoảng 4 - 5 ngày mới đỡ dần, lúc này mẹ có thể cử động được nhiều hơn song không thể cử động quá mạnh. 

Ngoài ra, gây tê cột sống khi sinh mổ có thể gây 1 số biến chứng như: suy tủy sống, tổn thương thần kinh, khó tiểu, hạ huyết áp, đau lưng và đau cơ, tổn thương răng, khó thở,… Các bác sĩ sẽ theo dõi và đánh giá nguy cơ biến chứng, nếu có cần điều trị khắc phục ngay lập tức.

3. Làm gì để giảm đau sau khi sinh mổ?

Cảm giác đau dữ dội nhất đến khi thuốc tê hết tác dụng, cần một khoảng thời gian nhất định để vết mổ lành lại, khi đó tình trạng đau cũng giảm dần. Các chuyên gia khuyến cáo, mặc dù sinh mổ gây đau nghiêm trọng nhưng mẹ không nên nằm quá nhiều, sau khi sinh khoảng 48 giờ cần ngồi dậy, tập đi lại để hồi phục nhanh hơn, tránh tình trạng dính ruột.

Sau khoảng 30 - 40 giờ đau dữ dội nhất, cơn đau sẽ giảm dần. Trong thời gian này, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau phù hợp, có thể cả loại thuốc giảm đau hướng thần. Tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc giảm đau vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và hoạt động hậu sản. Hơn nữa, thuốc giảm đau thường không có tác dụng giảm đau hoàn toàn, mẹ vẫn cần chịu đựng cơn đau này.

Có thể dùng thuốc giảm đau hỗ trợ sau khi sinh mổ

Có thể dùng thuốc giảm đau hỗ trợ sau khi sinh mổ

Ngoài ra, để phòng ngừa biến chứng do gây tê tủy sống, trong quá trình gây tê, bạn nên nói với bác sĩ ngay khi có cảm giác khó chịu. Trong lúc tiêm, bạn nên nằm yên để bác sĩ tiêm đúng vị trí, tránh dịch chuyển làm lệch mũi tiêm.

Sinh mổ gây tê có đau không, mức độ đau thế nào còn tùy thuộc vào từng sản phụ. Tuy nhiên, đa phần cảm giác đau do sinh mổ sẽ đến sau khi thuốc tê hết tác dụng, song nó thường không kéo dài và có thể cải thiện sớm bằng tập ngồi dậy, đi lại cũng như thuốc giảm đau hỗ trợ. Nên trao đổi với bác sĩ sản khoa về tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi, từ đó quyết định có nên sinh mổ hay không.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ