Tin tức

Suy tim mạn: triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và phòng ngừa hiệu quả

Ngày 06/08/2024
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Suy tim mạn là tình trạng tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể một cách bình thường, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất đối với người lớn tuổi. Người mắc suy tim mạn cần được phát hiện và điều trị kịp thời để cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng tuổi thọ.

1. Bệnh suy tim mạn là gì?

Suy tim mạn hay còn được gọi là suy tim mạn tính là tình trạng tim không có khả năng bơm đủ lượng máu để cung cấp cho cơ thể một cách bình thường, dẫn đến các mô bị thiếu oxy và thực hiện các chức năng bị gián đoạn. Suy tim mạn là một bệnh lý nghiêm trọng, đòi hỏi người bệnh cần được chẩn đoán sớm, áp dụng các phương pháp điều trị kịp thời để tăng cơ hội hồi phục và tránh những biến chứng nguy hiểm.


Suy tim mạn là tình trạng tim không có khả năng bơm đủ lượng máu để cung cấp cho cơ thể 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy tim mạn, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là bệnh mạch vành. Căn bệnh này khiến cho các động mạch cung cấp máu và oxy cho tim bị thu hẹp khiến tim hoạt động không hiệu quả do thiếu một lượng oxy cần thiết. 


Bệnh mạch vành là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng suy tim mạn 

Ngoài ra, các nguyên nhân khác dẫn tới suy tim mạn bao gồm:

  • Các bệnh cơ tim, bệnh van tim;
  • Cao huyết áp;
  • Viêm cơ tim;
  • Bệnh tim bẩm sinh;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Bệnh tuyến giáp. 

Khi mắc suy tim mạn, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở khi vận động, nhịp tim nhanh hoặc không đều ngay cả khi không vận động, tăng cân, phù ở chân, buồn nôn, chán ăn, giảm khả năng vận động thể dục thể thao. 

Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy thận, hỏng van tim, rối loạn nhịp tim, tổn thương gan, đột tử do tim...

2. Phương pháp chẩn đoán và điều trị suy tim mạn tính

Như đã thông tin ở trên, suy tim mạn là bệnh lý nghiêm trọng, việc chẩn đoán và phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. 

Để chẩn đoán suy tim mạn, bác sĩ sẽ căn cứ dựa trên các thông tin bệnh sử, khám thể lực, đồng thời chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng như sau: 

  • Điện tâm đồ (ECG): Đây là phương pháp được sử dụng để ghi lại nhịp tim và hoạt động điện của tim;
  • Siêu âm tim: Là phương pháp không xâm lấn, sử dụng sóng siêu âm tần số cao để khảo sát các chức năng tim;
  • Chụp X-quang ngực: Thông qua ảnh được chụp lại từ phim chụp X-quang, bác sĩ sẽ thấy được hình ảnh của tim, phổi, đường thở, mạch máu và hạch bạch huyết;
  • Xét nghiệm máu: Được thực hiện với mục đích đo nồng độ protein BNP hoặc NT-proBNP giúp sàng lọc suy tim ở các đối tượng mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành… 

Sau khi được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, một số phương pháp điều trị có thể được áp dụng, cụ thể như sau: 

  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc phổ biến nhất giúp kiểm soát bệnh suy tim mạn tính như: thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc lợi tiểu, thuốc đối kháng thụ thể Mineralocorticoid/aldosterone...
  • Kết hợp sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp sử dụng một số các thiết bị hỗ trợ điều trị như máy bơm tim, máy điều chỉnh nhịp tim, máy khử rung tim cấy ghép, thiết bị giữ mạch vành...
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp suy tim mạn diễn ra nghiêm trọng, không thể điều trị hiệu quả bằng các phương pháp khác bệnh nhân cần phải phẫu thuật để can thiệp van tim hoặc thực hiện ghép tim.


Trường hợp suy tim mạn diễn ra nghiêm trọng bệnh nhân cần tiến hành phẫu thuật 

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Để quá trình điều trị đạt hiệu quả, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện thăm khám đúng lịch. 

3. Cách phòng ngừa suy tim mạn hiệu quả

Phòng ngừa suy tim mạn là một mục tiêu quan trọng trong chăm sóc sức khỏe để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa suy tim mạn hiệu quả người dân có thể tham khảo áp dụng: 

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và đường. Tăng cường ăn rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ;


Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh để bảo vệ sức khỏe tim mạch 

  • Duy trì thói quen vận động khoa học: Duy trì luyện tập thể dục đều đặn mỗi tuần bằng các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, bơi lội để tăng cường sức khỏe tim mạch;
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý: Cần duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp, béo phì hoặc thừa cân có thể làm tăng lực lên tim và hệ thống tuần hoàn;
  • Ngừng hút thuốc lá và hạn chế tiêu thụ cồn: Hút thuốc lá và tiêu thụ cồn đều là yếu tố nguy cơ lớn gây tổn hại cho tim mạch;
  • Điều trị các bệnh lý liên quan: Điều trị các bệnh lý liên quan như tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh mạch vành để giảm nguy cơ suy tim mạn;
  • Tuân thủ điều trị và theo dõi sức khỏe: Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch, hãy tuân thủ đúng liệu trình điều trị và theo dõi sức khỏe thường xuyên để giảm nguy cơ suy tim mạn;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe tim mạch, theo dõi huyết áp, cholesterol, vàng da, và chức năng thận. 

Người dân hãy lựa chọn cơ sở uy tín để được chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh lý suy tim mạn hiệu quả. MEDLATEC là đơn vị với gần 30 năm kinh nghiệm, cam kết mang đến cho người dân dịch vụ y khoa chất lượng cao trong chẩn đoánm, điều trị bệnh lý tim mạch nói riêng và bệnh lý thuộc đa chuyên khoa nói chung. 

Người dân hãy liên hệ tới hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết về dịch vụ tại MEDLATEC và hỗ trợ đặt lịch khám sớm! 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.