Tin tức
Tầm quan trọng của việc điều trị tinh thần bệnh nhân ung thư
- 18/05/2023 | Xét nghiệm gen ung thư di truyền Hà Tĩnh và 6 lưu ý cần biết
- 18/05/2023 | Tiêm phòng ung thư cổ tử cung: Tầm quan trọng và một số thông tin cần nhớ
- 20/05/2023 | Bất ngờ phát hiện ung thư tuyến giáp từ dấu hiệu tưởng "bệnh vặt"
1. Các trạng thái tâm lý của bệnh nhân ung thư qua mỗi giai đoạn
Khi cầm trong tay kết quả chẩn đoán rằng bản thân đã bị mắc ung thư, chắc hẳn người bệnh sẽ không tránh khỏi trạng thái tâm lý là lo lắng, sợ hãi, thậm chí là khủng hoảng nghiêm trọng. Lý do là vì hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây nên bệnh lý này, ngoài ra cho dù khoa học đã phát triển nhưng không phải ai cũng may mắn sống sót khi mắc bệnh ung thư. Một vấn đề khác khiến không ít bệnh nhân cảm thấy lo lắng đó là vấn đề tài chính trong việc theo dõi và điều trị ung thư vẫn là một gánh nặng với nhiều cá nhân và gia đình.
Bệnh nhân ung thư hầu như đều sẽ có chung trạng thái tâm lý lo lắng, chán nản
Bệnh nhân ung thư thường sẽ có những trạng thái cảm xúc như sau khi trải qua các giai đoạn của bệnh:
Giai đoạn khi đi khám bệnh:
Ngay từ khi thực hiện tầm soát ung thư bệnh nhân đã có cảm giác lo lắng và bất an, nhiều trường hợp còn mất ăn mất ngủ trước giờ đi khám. Có những người vì quá lo lắng nên đã chủ động tìm hiểu thông tin về các nhóm bệnh ung thư trong sách báo và internet. Tuy nhiên cũng có trường hợp lại chủ quan vì cảm thấy bản thân vẫn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì bất thường. Chỉ tới khi ung thư đã đến giai đoạn muộn và bộc lộ rõ triệu chứng thì mới bắt đầu đi khám thì đã muộn.
Giai đoạn chẩn đoán:
Hầu hết những bệnh nhân khi được thông báo bản thân đã mắc ung thư sẽ trải qua cảm xúc bàng hoàng, choáng váng và thậm chí là không tin vào kết quả. Tình trạng chung sau đó là bệnh nhân sẽ cảm thấy tuyệt vọng, chán nản, không còn tha thiết ăn uống, mất ngủ. Nếu bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối của ung thư, có người còn từ chối điều trị vì cho rằng dù có điều trị cũng sẽ không khỏi bệnh.
Giai đoạn điều trị ban đầu:
Cảm giác lo sợ vẫn sẽ luôn thường trực bên bệnh nhân cho dù họ đã chấp nhận điều trị. Họ lo sợ bởi vì không biết phẫu thuật có thành công hay không? Những tác dụng phụ của xạ trị, hóa trị là gì và tỷ lệ chiến thắng ung thư là bao nhiêu phần trăm?
Trên thực tế những nỗi lo lắng của bệnh nhân ung thư hoàn toàn có nguyên do bởi vì cho dù là điều trị bệnh lý đơn giản nhất thì vẫn tồn tại những rủi ro nhất định. Ví dụ như:
-
Khi phẫu thuật: bệnh nhân có thể gặp di chứng hậu phẫu hoặc phải đấu tranh giữa phần trăm cơ hội sống sót và tử vong;
-
Hóa trị: tác dụng phụ của thuốc hóa trị có thể khiến bệnh nhân bị rụng tóc, chán ăn, nôn mửa,...;
-
Xạ trị: tương tự như hóa trị, bệnh nhân xạ trị cũng thường gặp phải các phản ứng phụ khi áp dụng phương pháp điều trị này.
Giai đoạn cuối:
Tâm lý người bệnh ở giai đoạn này sẽ có nhiều xáo trộn, nỗi lo ngày càng cận kề hơn. Do ảnh hưởng của bệnh và phương pháp điều trị, có những trường hợp sẽ bị cơn đau dày vò, họ còn có xu hướng tiếc nuối về những nguyện vọng còn dang dở, lo lắng hơn cho người thân trong gia đình. Trầm uất lâu ngày có thể khiến bệnh nhân bị trầm cảm.
Quá trình điều trị ung thư khiến người bệnh dễ bị căng thẳng và nản chí
2. Tầm quan trọng của điều trị tinh thần bệnh nhân ung thư
Bên cạnh điều trị thể chất thì việc điều trị tinh thần bệnh nhân ung thư cũng cần được coi trọng. Cho dù ung thư đang ở giai đoạn nào thì người bệnh cũng cần được quan tâm đến tinh thần.
Tâm lý có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình điều trị của bệnh nhân ung thư. Nếu tâm trạng của người bệnh diễn biến tốt theo hướng tích cực thì sẽ giúp việc điều trị có hiệu quả cao hơn.
Có thể bạn chưa biết, trạng thái tâm lý căng thẳng, lo âu nếu diễn ra trong thời gian dài thì sẽ dẫn đến những tác hại như sau đối với sức khỏe:
-
Tăng huyết áp, đau đầu, đau ngực, mất ngủ, đau tim, đột quỵ, hoảng loạn và trầm cảm, tổn hại đến sức khỏe tâm thần;
-
Gặp các vấn đề về hệ tiêu hóa: hội chứng ruột kích thích, táo bón, khó tiêu, đi cầu nhiều lần, tiêu chảy, viêm loét dạ dày,...;
-
Các vấn đề liên quan đến da và tóc: rụng tóc vĩnh viễn, nổi mụn,...
Cần lưu ý rằng những lo lắng, căng thẳng phát sinh từ trong tiềm thức của bệnh nhân có thể gây tác động không hề nhỏ đến tình trạng thể chất của người bệnh. Điều này càng làm tăng tính nghiêm trọng cho bệnh lý ung thư mà bệnh nhân đang mắc phải. Ví dụ nếu người bệnh đang bị ung thư dạ dày, việc lo lắng bất an thái quá sẽ khiến những tổn thương ở dạ dày bị kích thích và ảnh hưởng nặng nề hơn.
Do đó cả gia đình, bạn bè và bác sĩ nên động viên bệnh nhân để bệnh nhân bớt cảm giác lo âu, căng thẳng. Hãy chia sẻ và lắng nghe họ vì hơn ai hết họ đang cảm thấy chênh vênh, kém an toàn. Điều mà người thân cần làm lúc này là giúp bệnh nhân cân bằng cảm xúc, bình tĩnh hơn và cho họ mục đích sống và khát khao chiến thắng bệnh tật.
Khi tình trạng bệnh đã có tiến triển tốt hơn, nhiều bệnh nhân vẫn sẽ có những nỗi lo lắng thường trực vì họ lo sợ rằng một ngày nào đó bệnh sẽ lại diễn biến xấu và tái phát ung thư. Lúc này người bệnh nên được áp dụng các liệu pháp trị liệu để cải thiện tâm trạng, giúp tinh thần trở nên lạc quan, thư giãn hơn.
Có thể nói rằng các biện pháp điều trị tinh thần bệnh nhân ung thư cũng quan trọng không kém so với những phương pháp điều trị thể chất cho người bệnh. Một trạng thái tâm lý tốt sẽ giúp xoa dịu tinh thần của bệnh nhân và góp phần giúp họ có động lực để chiến thắng ung thư.
Điều trị tinh thần bệnh nhân ung thư có vai trò vô cùng quan trọng
Hệ thống Y tế MEDLATEC luôn nỗ lực cùng đồng hành với bệnh nhân trong việc thăm khám sức khỏe và điều trị bệnh lý. Không chỉ đối với riêng bệnh ung thư mà bất kỳ bệnh nhân gặp phải vấn đề sức khỏe nào MEDLATEC cũng đều chu đáo chăm sóc và tận tình hỗ trợ.
Nếu bạn đang có nhu cầu tầm soát ung thư hoặc cơ thể có các triệu chứng bất thường, hãy đến khám tại Chuyên khoa Ung bướu của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tổng đài 1900 56 56 56 sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc và hỗ trợ đăng ký đặt lịch khám cho bạn cùng chuyên gia.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!