Tin tức

Tất tần tật mọi điều cần biết về bệnh viêm da quanh miệng

Ngày 09/08/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Vùng da quanh miệng có liên quan trực tiếp đến vẻ đẹp ngoại hình nên bất kỳ tổn thương nào xảy ra tại đây đều gây nên cảm giác khó chịu, lo lắng, nhất là đối với nữ giới. Bệnh viêm da quanh miệng với đặc trưng là sự xuất hiện của mụn nước, vết đỏ và dịch tiết cũng tạo ra tâm lý ấy. Dưới đây là những vấn đề nên biết về bệnh ngoài da này.

1. Viêm da quanh miệng là gì, do đâu mà bị?

1.1. Bệnh viêm da quanh miệng là gì?

Viêm da quanh miệng là một loại bệnh lý về da với đặc trưng là tình trạng phát ban, nổi mụn đỏ li ti có thể chứa dịch lỏng hoặc mủ ở bên trong, da khô và bong vảy, ngứa và bỏng rát. Những tổn thương này chủ yếu xuất hiện trên vùng da quanh miệng, số ít lan sang mũi hoặc các vùng da nếp gấp trên mặt.

1.2. Nguyên nhân gây ra viêm da quanh miệng

Bệnh lý này phổ biến hơn ở nữ giới trong độ tuổi 15 - 45, ít phổ biến ở nam giới và có thể ảnh hưởng đến trẻ em với mọi độ tuổi khác nhau. Nguyên nhân gây viêm da quanh miệng vẫn chưa xác định chính xác được nhưng nhiều chuyên gia cho rằng các yếu tố sau góp phần thúc đẩy bệnh hình thành:

Sử dụng thuốc bôi steroid tại chỗ tùy tiện làm tăng nguy cơ bị viêm da quanh miệng

Sử dụng thuốc bôi steroid tại chỗ tùy tiện làm tăng nguy cơ bị viêm da quanh miệng

- Nhiễm trùng do nấm hoặc vi khuẩn.

- Chảy nước miếng thường xuyên khi ngủ.

- Dùng kem đánh răng chứa fluor.

- Thuốc tránh thai.

- Nội tiết tố thay đổi.

- Kích ứng vì kem chống nắng.

- Dùng steroid tại chỗ một cách tùy tiện.

- Dùng các loại mỹ phẩm chứa: isopropyl, myristate, parafin,... hay kem chống nắng vật lý.

- Một số yếu tố vật lý: gió, nhiệt, ánh sáng từ tia cực tím.

- Sự tác động của yếu tố vi sinh: một số loại nấm nuôi cấy từ tổn thương, nấm candida, vi khuẩn tảo xoắn fusiform,...

2. Viêm da quanh miệng có biểu hiện như thế nào?

Biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm da quanh miệng là sự xuất hiện các cụm sẩn nhỏ bao quanh là nền da đỏ. Những sẩn này gồ lên trên da và có đường kính dưới 1cm. Trên bề mặt sẩn có thể có vảy hoặc đôi khi có thêm mụn mủ hoặc mụn nước nhỏ. 

Khác với bệnh viêm da tiếp xúc, tổn thương do viêm da quanh miệng thường cách vùng tiếp giáp rìa môi khoảng 5 - 10mm và có thể tồn tại dạng vòng trắng. Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà biểu hiện ngứa, đau rát có thể thay đổi khác nhau ở mỗi bệnh nhân.

3. Cách xử trí đối với bệnh viêm da quanh miệng

Đại đa số trường hợp viêm da quanh miệng có thể tự hết mà không cần tới sự can thiệp y tế. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp cần phải điều trị bởi bác sĩ da liễu và bác sĩ sẽ dùng xét nghiệm cấy da để xét nghiệm với mục đích loại trừ nguyên nhân nhiễm trùng. 

Xét nghiệm cấy da giúp tìm ra sự tồn tại hoặc vi khuẩn hoặc vi nấm gây viêm da quanh miệng

Xét nghiệm cấy da giúp tìm ra sự tồn tại hoặc vi khuẩn hoặc vi nấm gây viêm da quanh miệng

Xét nghiệm cấy da được thực hiện bằng cách lấy một mảng da nhỏ ở vùng da bị tổn thương do viêm da để đưa đến phòng thí nghiệm kiểm tra sự tồn tại của nấm hoặc vi khuẩn. Ngoài ra, nếu thấy cần thiết, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện sinh thiết da, nhất là những trường hợp phát ban không đáp ứng với các biện pháp điều trị tiêu chuẩn.

Để đạt được mục đích điều trị, người bệnh cần dừng sử dụng các loại kem hoặc thuốc xịt mũi chứa steroid vì chúng khiến cho các triệu chứng của bệnh dễ trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc ngưng dùng thuốc cũng cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Một số trường hợp cũng có thể cải thiện triệu chứng khi ngưng dùng kem dưỡng da hoặc xà phòng, kem đánh răng chứa flo.

Người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh dưới sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ. Các loại thuốc kháng sinh dạng bôi tại chỗ tổn thương hay dùng như là metronidazole hoặc erythromycin trong trường hợp có nhiễm trùng. Ngoài ra, một số loại thuốc trị mụn tại chỗ, kem ức chế miễn dịch cũng có thể được bác sĩ chỉ định. Một số kháng sinh đường uống sẽ được dùng trong trường hợp cần thiết với những trường hợp nghiêm trọng như thuốc tetracycline, isotretinoin hoặc doxycycline.

Nguyên nhân gây viêm da quanh miệng ở mỗi bệnh nhân không giống nhau và không xác định chính xác hoàn toàn được nên để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất, người bệnh cũng nên:

Metronidazole có thể được dùng để điều trị bệnh viêm da quanh miệng

Metronidazole có thể được dùng để điều trị bệnh viêm da quanh miệng

- Dừng sử dụng các loại sữa rửa mặt hoặc tẩy tế bào chết có mùi thơm, trong thời gian bệnh bùng phát tốt nhất nên dùng nước ấm.

- Dừng dùng hoặc giảm tần suất sử dụng các loại kem chống nắng, mỹ phẩm. Khi bắt buộc phải dùng mỹ phẩm thì nên hỏi ý kiến bác sĩ về các loại kem dưỡng ẩm phù hợp với tình trạng bệnh của mình, tốt nhất nên chuyển sang dùng các loại chất dưỡng ẩm và làm sạch có thành phần dịu nhẹ.

- Chú ý thường xuyên giặt khăn tắm và vỏ gối bằng nước nóng.

- Hạn chế ăn đồ ăn quá cay hoặc quá mặn vì có thể làm kích ứng vùng da quanh miệng.

- Có một số loại thuốc dùng để điều trị viêm da quanh miệng có thể khiến cho làn da trở nên nhạy cảm hơn trước ánh nắng mặt trời. Vì thế, nếu phải đi ra ngoài, hãy hãy có biện pháp bảo vệ cẩn thận.

Nói chung, bệnh viêm da quanh miệng có thể ngăn ngừa hiệu quả bằng việc tránh dùng các loại kem chống nắng hoặc dưỡng da và thuốc bôi steroid. Những trường hợp cần dùng steroid bôi tại chỗ để điều trị thì cần bôi chính xác lên vùng da bị tổn thương, tránh bôi sang vùng da khác và chỉ dùng liều thấp nhất bôi duy nhất 1 lần/ngày đồng thời theo dõi để ngưng dùng thuốc ngay khi phát ban đáp ứng.

Những trường hợp đã được chỉ định điều trị viêm da quanh miệng cần thực hiện đúng liệu trình do bác sĩ hướng dẫn thì mới ngăn ngừa được khả năng tái phát. Các đợt bùng phát của bệnh có thể kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng. Vì thế, muốn xử trí tốt nhất, ngay khi nghi ngờ có biểu hiện của bệnh, nên đến gặp bác sĩ da liễu để được làm các kiểm tra cần thiết và có biện pháp điều trị ngay.

Qua những chia sẻ trên đây hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về bệnh viêm da quanh miệng để biết cách khắc phục hiệu quả, nhanh chóng đạt được mục tiêu loại bỏ bệnh. Nếu còn băn khoăn nào về bệnh lý này, bạn đọc có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 chia sẻ cùng Tổng đài viên để có được những hướng dẫn phù hợp.

Từ khoá: vi khuẩn kháng sinh

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.