Tin tức

Tất tần tật thông tin về bệnh cúm A, B, C, cách phân biệt với cảm cúm thông thường

Ngày 14/10/2024
Ban biên tập
Tham vấn y khoa: TS. Ngô Chí Cương
Bệnh cúm và cảm cúm thông thường đều là các bệnh lý về đường hô hấp với triệu chứng khá giống nhau, khiến nhiều người dễ nhầm lẫn khi chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, cúm thường nghiêm trọng hơn và có nguy cơ gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng, đặc biệt đối với người già, trẻ em, hoặc người có bệnh lý nền. Vậy làm thế nào để phân biệt các loại cúm này? Hãy cùng tìm hiểu các thông tin quan trọng dưới đây để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.


Virus cúm rất dễ lây lan, là mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 1 tỷ ca cúm mùa, trong đó có từ 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng. Cúm gây ra từ 290.000 - 650.000 ca tử vong liên quan đến các bệnh lý hô hấp mỗi năm.

Bệnh cúm gây ra bởi virus cúm (Influenza virus) với 3 chủng virus gây bệnh ở người là cúm chủng A, B và C. Trong đó, virus cúm chủng A, B là nguy hiểm và lưu hành phổ biến hơn cả.

Cúm A: Nguy hiểm và có nguy cơ bùng phát thành đại dịch

Cúm A là loại cúm mùa phổ biến nhất, chiếm tới 75% các trường hợp nhiễm cúm ở người. Các chủng virus cúm A thường gặp bao gồm: H1N1, H3N2, H5N1, H7N9, trong đó, H5N1 và H7N9 xuất hiện ở gia cầm nhưng có khả năng lây sang người, dẫn đến nguy cơ bùng phát thành đại dịch.

Virus cúm A có thể lây từ gia cầm mắc bệnh sang người khi có tiếp xúc gần, tuy nhiên, phổ biến hơn cả là lây lan từ người sang người qua đường hô hấp. Khi nói chuyện, hắt hơi hoặc ho, virus trong cơ thể sẽ phát tán ra ngoài theo tuyến nước bọt với phạm vi lên tới 2m. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, hoặc trò chuyện trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.


Cúm A/H5N1 và A/H7N9 xuất hiện ở gia cầm nhưng có khả năng lây sang người, dẫn đến nguy cơ bùng phát thành đại dịch

Ngoài ra, virus cúm A còn tồn tại trên các bề mặt như tay nắm cửa, quần áo, điện thoại, bát đũa và các vật dụng hàng ngày. Thói quen dùng tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Virus cúm có thể sống sót trên các bề mặt này đến 48 giờ, tạo điều kiện cho sự lây lan trong cộng đồng.

Nhiều người nhầm lẫn cúm A với các bệnh cúm thường hay tình trạng cảm lạnh, vì một số triệu chứng giống nhau bao gồm: sốt, hắt hơi, nghẹt mũi, đau đầu và mệt mỏi. Nhưng người mắc cúm A sẽ có một số biểu hiện đặc trưng như sốt cao, sốt kéo dài, đau họng, viêm họng, ho nhiều và kéo dài, ớn lạnh, khó thở, mệt mỏi, chảy nước mắt khi ra ngoài sáng. Trẻ em nhiễm bệnh rất dễ gặp tình trạng nôn mửa, hoặc tiêu chảy.

Phần lớn bệnh nhân mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh lý nền) có nguy cơ gặp phải các biến chứng như viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan, thậm chí là sảy thai. 

Nếu mẹ bầu nhiễm cúm ở 3 tháng đầu trong thai kỳ có thể gây ra những dị tật thai nhi như sứt môi, hay bệnh lý van tim. Một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể tiến triển nặng với các triệu chứng sốt cao, khó thở, suy đa tạng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Cúm B: Chỉ lây lan từ người sang người, ít có nguy cơ thành đại dịch

Cúm B cũng là một dạng cúm dễ gây bệnh ở người với tỷ lệ 25% số ca nhiễm cúm mùa hàng năm. Cúm B chỉ có một chủng virus gây bệnh duy nhất, không chia thành các phân loại như cúm A và chỉ được chia làm 2 dòng phổ biến là cúm B/Yamagata,cúm B/Victoria.

Cúm B chỉ lây truyền từ người sang người với khả năng lây lan rất mạnh, nhưng ít có nguy cơ trở thành đại dịch. 

Con đường lây nhiễm của cúm B cũng tương tự như cúm A.


Cúm B chỉ lây từ người sang người

Khi nhiễm virus cúm B, bệnh nhân có thể sốt cao lên tới 39-41 độ C. Tình trạng sốt kéo dài, kèm theo nhiều triệu chứng ho nhiều, đau cơ và mệt mỏi. Thông thường, qua thời gian ủ bệnh và khởi phát triệu chứng, bệnh nhân sẽ khỏi sau khoảng 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, những người bệnh như trẻ nhỏ, người già, mẹ bầu và các bệnh nhân đã có bệnh lý nền thì thời gian hồi phục sẽ lâu hơn, nguy cơ biến chứng cũng cao hơn.

Các biến chứng khi mắc cúm B gồm viêm phổi tiên phát, viêm phổi thứ phát. 

Không những vậy, khi mắc bệnh cúm B, các bệnh nền cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu không được xử trí kịp thời, điều trị theo đúng phác đồ, bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm với nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim, suy tuần hoàn, viêm não, viêm đa dây thần kinh. 

Một số biến chứng ở trẻ sơ sinh như viêm tai, viêm xương chũm, hay tình trạng nhiễm độc thần kinh. 

Phụ nữ mang thai bị cúm B có thể gặp biến chứng nghiêm trọng đối với cả mẹ bầu và thai nhi như gây dị tật thai nhi hay nguy cơ sảy thai.

Cúm C: Nhẹ và ít gây biến chứng

Cúm C là một loại virus thuộc chi Influenza C Virus (ICV). Nó có cấu trúc gene khác biệt so với các chủng cúm A và B. Virus cúm C gây bệnh cúm, nhưng thường có triệu chứng nhẹ hơn so với cúm do chủng A và B. Bệnh có các triệu chứng lâm sàng không điển hình và cũng không gây dịch.

Virus cúm C sống lơ lửng trong không khí nên rất dễ phát tán và lây truyền bệnh. Tuy tồn tại ở cả người và động vật, nhưng con đường lây truyền từ động vật sang người của virus này rất hiếm gặp. 

Tương tự như cúm A và B, cúm C thường lây qua dịch tiết đường hô hấp và qua bề mặt tiếp xúc.

Cúm C gây ra triệu chứng tương tự cảm lạnh như đau họng, hắt hơi, sốt, ho khan, chảy nước mũi, nhức đầu, đau cơ và cảm giác mệt mỏi.

Nếu bệnh cúm đồng nhiễm ở những người có hệ miễn dịch yếu thì các dấu hiệu lâm sàng có xu hướng trầm trọng hơn và cũng dễ để lại di chứng hơn. Đặc biệt, phụ nữ mang thai khi mắc cúm sẽ làm tăng nguy cơ viêm phổi, viêm phế quản, biến chứng nhiễm trùng máu dẫn đến giảm huyết áp, viêm tai giữa, viêm nội tâm mạc, viêm não, viêm màng não…

Bệnh cúm ở thai phụ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ mà còn tác động xấu tới thai nhi, làm nguy cơ sinh non, thai chết lưu, em bé khi sinh ra cũng nhẹ cân hơn.

Bệnh cảm cúm: Nhẹ nhưng gây phiền toái

TS.BS Ngô Chí Cương - Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, Trưởng chuyên khoa Truyền nhiễm & Y học Nhiệt đới - Hệ thống Y tế MEDLATEC cho biết, bệnh cúm thường hay cảm cúm, cảm lạnh, là một nhóm các triệu chứng ở đường hô hấp trên, do hơn 200 loại virus gây ra. Chúng thường phát triển mạnh ở điều kiện ẩm ướt, mát mẻ, nhiệt độ thấp, đặc biệt vào mùa thu đông. Trong số các loại virus gây nên bệnh cúm thường thì virus Rhinovirus là loại thường gặp nhất và gây bệnh ở mũi.


Bệnh cảm cúm tuy nhẹ nhưng gây khó chịu cho người bệnh với các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi…

Bệnh cảm cúm thường nhẹ, nhanh khỏi sau vài ngày và ít gây ra các biến chứng nguy hiểm. Virus lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết mũi họng từ người sang người hoặc lây qua đường tiếp xúc với vật bị nhiễm bệnh. 

Những bệnh nhân mắc bệnh cúm sẽ xuất hiện các triệu chứng: chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi liên tục, đau đầu, ho kèm sốt nhẹ, người mệt mỏi, nhức cơ nhẹ. Các triệu chứng này thường kéo dài khoảng 1 tuần và có thể tự biến mất mà không cần điều trị thuốc. 

Phòng ngừa, điều trị bệnh cúm A, B, C và cảm cúm thông thường

Để phòng tránh cúm mùa hiệu quả, TS.BS Ngô Chí Cương khuyến cáo 5 biện pháp quan trọng cần thực hiện sau đây:

  1. Tiêm phòng: Tiêm vắc-xin cúm hàng năm là cách hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân và gia đình. Vắc-xin giúp cơ thể xây dựng hệ miễn dịch chống lại các chủng virus cúm phổ biến trong năm đó.
  2. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, hoặc dung dịch rửa tay có cồn. Tránh chạm vào mặt, đặc biệt là mắt, mũi và miệng.
  3. Tránh tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế tiếp xúc gần với người đang bị cúm. Nếu bạn bị cúm, hãy ở nhà để tránh lây lan cho người khác.
  4. Vệ sinh môi trường sống: Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn làm việc, điện thoại. Virus cúm có thể sống trên các bề mặt này trong một thời gian ngắn, do đó việc vệ sinh kỹ càng là rất cần thiết.
  5. Tăng cường sức đề kháng: Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và giảm stress để hệ miễn dịch. Một cơ thể khỏe mạnh là cách tốt nhất để chống lại bệnh tật.


Tiêm vắc-xin cúm hàng năm là cách hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân và gia đình

MEDLATEC: Đồng hành - Bảo vệ - Chăm sóc mùa cúm

Chăm sóc sức khỏe toàn diện đòi hỏi sự kết hợp giữa chuyên môn, công nghệ hiện đại và dịch vụ tiện ích. Tại MEDLATEC, người dân hoàn toàn an tâm khi được thăm khám, tư vấn bởi các chuyên gia đầu ngành. 

MEDLATEC cũng đặc biệt chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao như: CT, MSCT, MRI hay Fibroscan. Các thiết bị này không chỉ nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán, mà còn rút ngắn thời gian trả kết quả.

Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu phòng bệnh của người dân, MEDLATEC là địa chỉ tin cậy cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin chất lượng, uy tín với các cam kết sau:

  • Vắc-xin chính hãng và được bảo quản nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế nên luôn an toàn. 
  • Được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc tình trạng sức khỏe, tư vấn;
  • Thực hiện quy trình tiêm chủng trước - trong - sau tiêm theo quy định Bộ Y tế;
  • Được nhắc nhớ lịch tiêm giúp khách hàng tránh quên lịch tiêm; 
  • Khách hàng chủ động thời gian tiêm, do được phục vụ tiêm tất cả các ngày trong tuần, gồm cả thứ 7 và Chủ nhật.


MEDLATEC cung cấp dịch vụ lấy mẫu tận nơi An toàn - Chính xác - Tiện lợi - Bảo mật

Với dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, MEDLATEC giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra sức khỏe mà không cần lo lắng về việc di chuyển hay chờ đợi. Kết quả được trả nhanh trong vòng 2 giờ, có thể tra cứu thông qua website hoặc ứng dụng My Medlatec. Sau khi nhận kết quả, các chuyên gia, bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng, giúp bạn hiểu rõ tình trạng sức khỏe và được hướng dẫn điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp.

Nếu bạn hoặc người thân đang lo ngại về bệnh cúm, liên hệ ngay tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được tư vấn và đặt lịch khám.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ