Tin tức
Thế nào là cơn bão giáp? Cách thức chẩn đoán và phác đồ điều trị
- 03/01/2025 | Levothyrox 100µg điều trị bệnh lý tuyến giáp nhưng cần lưu ý khi dùng
- 06/01/2025 | Phẫu thuật mở sụn giáp trong điều trị ung thư dây thanh quản: Quy trình thực hiện và hiệu qu...
- 08/01/2025 | Có cần kiêng nói sau mổ tuyến giáp không và cách chăm sóc người bệnh
- 11/01/2025 | Chỉ số T4 và mối liên hệ với chức năng tuyến giáp
- 13/01/2025 | Thế nào là bướu giáp đa nhân và hướng điều trị hiệu quả
1. Thế nào là cơn bão giáp?
Bão giáp là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng ngộ độc giáp nặng, liên quan đến sự mất bù cường giáp. Đây là một tình trạng cần cấp cứu khẩn cấp để bảo vệ tính mạng của người bệnh.
Cơn bão giáp liên quan đến hiện tượng mất bù cường giáp
Các cơn bão giáp có xu hướng xuất hiện ở đối tượng vừa phẫu thuật tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp, người bị chấn thương, người bị nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh nhân gặp vấn đề về cường giáp như u tuyến giáp, bướu giáp, người mắc bệnh Basedow diễn biến mãn tính, không điều trị cũng có nguy cơ bị bão giáp.
Chính bởi tính chất nghiêm trọng nên đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao cần thận trọng theo dõi biểu hiện của cơ thể, đi khám để được tư vấn điều trị. Ngoài ra, trước khi thực hiện phẫu thuật tuyến giáp, người bệnh cần tiến hành công tác chuẩn bị theo hướng dẫn để phòng ngừa bão giáp.
2. Triệu chứng cảnh báo bão giáp
Khi bị bão giáp cơ thể sẽ biểu hiện một vài triệu chứng như:
- Sốt cao: Thân nhiệt có thể tăng từ 37 độ lên 41 độ C, cơ thể toát mồ hôi nghiêm trọng gây mất nước.
- Triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh: Chẳng hạn như dễ bị kích động, rơi vào trạng thái lú lẫn, hôn mê hoặc mê sản, rối loạn cảm giác.
- Triệu chứng tại hệ tim mạch: Nhịp tim tăng nhanh, thậm chí trên 140 nhịp/phút, rối loạn nhịp tim, suy tim ứ huyết, phù phổi cấp, khi huyết áp giảm, tiên lượng của người bệnh rất xấu.
- Triệu chứng biểu hiện liên quan đến đường tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, bụng xuất hiện cơn đau, đi ngoài ra phân lỏng. Trong một số trường hợp, da người bệnh còn chuyền vàng. Triệu chứng vàng da thường cảnh báo tiên lượng đang đi xuống.
- Xét nghiệm cho thấy các chỉ số thay đổi: Canxi huyết và đường huyết tăng. Đôi khi đường huyết có thể giảm, nhưng đây là tín hiệu cảnh báo tiên lượng xấu.
- Triệu chứng nhược cơ: Khi tiên lượng xấu đi, phần cơ tại đầu các chi, cơ mặt, cơ thân có thể bị nhược cơ. Bên cạnh đó, cơ thể còn toát mồ hôi, da trở lên nóng ấm, cơ mi mắt bị co kéo.
Người bị cơn bão giáp có thể sốt cao
Người bệnh cao tuổi mắc bướu giáp có thể biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng như hôn mê, yếu liệt. Chức năng gan ở người bị bão giáp thường suy giảm dẫn đến nhiều hệ cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng theo.
3. Sự nguy hiểm của bão giáp
Dễ thấy rằng hầu hết triệu chứng ở người bị bão giáp đều thể hiện tính chất nghiêm trọng. Trong đó, sốt cao, nhịp tim tăng nhanh, cảm xúc bị rối loạn thường không đặc hiệu, có thể gặp trong những bệnh lý về nhiễm trùng khác. Tuy nhiên nếu không được nhận biết và can thiệp y tế kịp thời, người bệnh dễ bị suy tim, trụy mạch,... thậm chí tử vong trong vòng vài ngày.
4. Cách thức chẩn đoán
Triệu chứng lâm sàng thường là cơ sở hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý. Tuy nhiên hiện giờ, người ta vẫn chưa thống nhất quy chuẩn chung về chẩn đoán bão giáp dựa trên triệu chứng lâm sàng. Chính vì vậy, trên thực tế các bác sĩ thường sẽ kết hợp giữa đánh giá bảng điểm lâm sàng về nguy cơ cơn bão giáp theo tiêu chuẩn Burch Wartofsky 1993 và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng để có thể chắc chắn hơn về kết quả. Chẳng hạn như:
- Xét nghiệm kiểm tra hormone T4 tự do và toàn phần: Chỉ số tăng.
- Xét nghiệm kiểm tra hormone T3 tự do và toàn phần: Thường cao.
- Xét nghiệm TSH: Chỉ số giảm.
- Xét nghiệm kiểm tra chức năng gan: Chỉ số Bilirubin, men gan, ALT và AST đều tăng.
- Xét nghiệm đường huyết: Chỉ số đường huyết tăng. Trường hợp chỉ số đường huyết giảm, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tiên lượng xấu.
- Xét nghiệm kiểm tra nồng độ canxi: Chỉ số tăng nhẹ.
- Xét nghiệm kiểm tra sự thay đổi của bạch cầu: Chỉ số bạch cầu tăng, có thể giảm.
Người bệnh cần làm các xét nghiệm để kiểm tra lượng hormone sản xuất bởi tuyến giáp
Lưu ý rằng, xét nghiệm kiểm tra hormone T4, T3 và TSH chỉ xác định được tình trạng cường giáp nhưng không đánh giá được có cơn bão giáp hay không. Do đó, bác sĩ cần kết hợp cả triệu chứng lâm sàng đánh giá dựa vào bảng tham khảo của Wartofsky và một số xét nghiệm chuyên sâu khác.
5. Phác đồ điều trị bão giáp
5.1. Điều trị phục hồi, duy trì sinh hiệu
Trước tiên, người bệnh bị bão giáp cần điều trị phục hồi cũng như duy trì sinh hiệu. Trong đó, biện pháp thường được thực hiện là:
- Truyền dịch để điều trị rối loạn điện giải, thêm kali nếu cần.
- Giảm nhiệt cơ thể bằng Acetaminophen.
- Trường hợp người bệnh bị suy tim, bác sĩ có thể cân nhắc kê đơn Digitalis cùng thuốc lợi tiểu. Nếu nhịp tim bị rối loạn, người bệnh cần dùng thuốc chống loạn nhịp tim.
- Áp dụng oxy liệu pháp, theo dõi chức năng hô hấp, đặt nội khí quản khi cần thiết.
- Trường hợp cần thiết, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc an thần, tuy nhiên việc dùng thuốc cần hết sức thận trọng.
- Sử dụng thuốc ức chế giao cảm.
Đầu tiên, người bị bão giáp cần truyền dịch để điều trị rối loạn điện giải
5.2. Ức chế tổng hợp và giải phóng hormone
Trong giai đoạn điều trị ức chế tổng hợp và giải phóng, người bệnh cần dùng một số loại thuốc, dung dịch theo hướng dẫn của bác sĩ. Bao gồm:
- Thuốc kháng giáp tổng hợp.
- Dung dịch iod.
- Thuốc Corticoid (Dexamethason), hydrocortisol.
Trong thời gian điều trị ức chế tổng hợp và giải phóng hormone, người bệnh cần dùng nhiều loại thuốc
Lưu ý, các loại thuốc, dung dịch trên cần được dùng theo đúng chỉ định về liều lượng, thời gian.
5.3. Xác định và điều trị kiểm soát các yếu tố thuận lợi gây cơn bão giáp
Trường hợp nghi ngờ người bệnh bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng kháng sinh. Mặc dù vậy, các biện pháp điều trị đặc hiệu bão giáp cần phải tiến hành trước. Việc điều trị không được trì hoãn ngay cả khi chưa có kết quả phân tích, để hạn chế nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Trong phần lớn trường hợp thì sau khi áp dụng điều trị PTU, sử dụng dung dịch iod và một số loại thuốc, nồng độ hormone T3 sẽ trở lại ngưỡng bình thường sau 1 đến 2 ngày.
Khi cơ thể bệnh nhân dần ổn định, liều lượng Corticoid cần điều chỉnh giảm dần. Biện pháp điều trị PTU nên duy trì cho đến khi khả năng chuyển hóa của người bệnh phục hồi (dần trở lại bình thường). Lúc này, người bệnh có thể ngừng dần dung dịch lugol (iod).
Nếu biện pháp điều trị thông thường không phát huy kết quả, bệnh nhân có thể cần lọc huyết tương để làm giảm hormone.
Tuy rằng không phải bệnh lý phổ biến liên quan đến tuyến giáp nhưng cơn bão giáp lại có xu hướng diễn biến nhanh, đe dọa tính mạng người bệnh. Chính vì thế ngay khi được chẩn đoán bị bão giáp, bệnh nhân cần nhập viện điều trị ngay lập tức.
Hi vọng thông qua chia sẻ trong bài viết này, bạn đã hiểu hơn về mức độ nghiêm trọng của cơn bão giáp. Trường hợp đang gặp vấn đề về tuyến giáp, biểu hiện triệu chứng nghi ngờ, bạn hãy tìm đến các cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Nội tiết thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hỗ trợ kịp thời. Nếu cần đặt lịch khám trước, Quý khách vui lòng liên hệ MEDLATEC theo số 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!