Tin tức

Thiếu máu ở trẻ sơ sinh, vấn đề cha mẹ cần lưu ý

Ngày 01/09/2023
Lương Thanh Thủy

Thiếu máu ở trẻ sơ sinh, vấn đề cha mẹ cần lưu ý

Thiếu máu ở trẻ sơ sinh giai đoạn đầu thường không thể hiện triệu chứng nên các bậc cha mẹ khó phát hiện. Tuy nhiên, khi tình trạng này kéo dài mà không có biện pháp điều trị thì sức khỏe của trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể biến chứng ấy là gì và làm cách nào để điều trị thiếu máu cho trẻ, những vấn đề này sẽ được làm rõ trong nội dung được đề cập dưới đây.

1. Nguyên nhân nào khiến trẻ sơ sinh bị thiếu máu?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị thiếu máu, trong đó phổ biến nhất là:

- Cơ thể của trẻ không sản xuất đủ hồng cầu

Vài tháng đầu đời hầu hết trẻ sơ sinh bị thiếu máu nhưng đây chỉ là thiếu máu sinh lý xuất phát từ nguyên do cơ thể trẻ phát triển nhanh trong khi tủy xương sản xuất đủ hồng cầu chưa kịp. Hiện tượng này không nguy hại cho sức khỏe của trẻ nên không đáng lo ngại.

Hồng cầu chưa sản xuất kịp là nguyên nhân chính gây thiếu máu sinh lý ở trẻ sơ sinh

- Hồng cầu bị phá vỡ quá nhanh

Nếu nhóm máu của mẹ và trẻ không phù hợp thì tế bào hồng cầu của trẻ sẽ nhanh chóng bị kháng thể từ máu của mẹ phá hủy. Kết quả là trẻ bị tăng bilirubin máu gây vàng da.

- Trẻ bị mất quá nhiều máu

Trẻ sơ sinh bị ốm nếu lấy máu thường xuyên cũng góp phần khiến cho trẻ bị thiếu máu vì cơ thể không sản xuất kịp để bù lại lượng máu bị lấy đi. Bên cạnh đó, trẻ bị thiếu hụt vitamin K - chất giúp kiểm soát chảy máu và hình thành cục máu đông cũng có thể gây thiếu máu ở trẻ sơ sinh.

Nếu thiếu vitamin K trẻ có thể bị xuất huyết với đặc trưng là rất dễ bị chảy máu. Hiện nay, để ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin K ngay từ khi chào đời, trẻ sơ sinh sẽ được tiêm vitamin K.

- Sinh non

So với trẻ sinh đủ tháng thì lượng hồng cầu trong cơ thể trẻ sinh non ít hơn, tuổi thọ của hồng cầu cũng ngắn hơn. Vì thế trẻ sinh non dễ bị thiếu máu. Thông thường, tình trạng này dễ xảy ra ở trẻ chào đời khi tuổi thai < 32 tuần và trẻ phải nằm viện dài ngày sau sinh.

- Nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân thường gặp ở trên thì thiếu máu ở trẻ sơ sinh cũng có thể xuất phát từ rối loạn di truyền, nhiễm trùng, vấn đề truyền máu giữa mẹ và thai nhi trước khi trẻ chào đời,...

2. Tính chất nguy hiểm của tình trạng thiếu máu ở trẻ sơ sinh

Bệnh thiếu máu ở trẻ sơ sinh nên được can thiệp sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm như:

2.1. Sức khỏe trẻ bị suy giảm

Trẻ bị thiếu máu kéo dài cơ thể sẽ bị thiếu hụt oxy nên trẻ không chịu chơi, mệt mỏi, thiếu năng lượng, bỏ bú, hay quấy khóc. Kéo dài tình trạng này cân nặng của trẻ sẽ giảm sút nghiêm trọng, sự phát triển của não bộ bị ảnh hưởng.

Thiếu máu ở trẻ sơ sinh là một trong những nguyên nhân gây suy kiệt sức khỏe của trẻ

2.2. Hệ thần kinh bị hạn chế phát triển

20% oxy trong cơ thể được cung cấp cho các hoạt động của não bộ nên khi trẻ bị thiếu máu kéo dài thì não sẽ không có đủ oxy cho não. Hệ lụy của điều này là trẻ bị chậm phát triển nhận thức và tư duy, hệ thần kinh cũng bị ảnh hưởng.

2.3. Tác động lên hệ tim mạch

Khi trẻ bị thiếu máu, tim của trẻ sẽ phải làm việc với tần suất cao hơn để đảm bảo cung cấp máu đi nuôi các cơ quan và cho sự phát triển của tế bào. Trong khi đó, bản thân tim cũng cần máu để nuôi dưỡng. Tăng tần suất làm việc trong khi tim cũng bị thiếu máu sẽ dẫn đến các biến chứng tim mạch như:

- Suy tim: do phải làm việc liên tục nên khả năng bơm máu của cơ tim giảm, theo thời gian tim sẽ bị suy yếu và người bệnh gặp tình trạng ho kéo dài, thở hụt hơi, khó thở, đau thắt ngực,...

- Rối loạn nhịp tim: hệ tim mạch của trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn hoàn thiện và rất non yếu nên thiếu máu kéo dài sẽ khiến cho nhịp tim bất thường và đe dọa đến sự sống của trẻ.

- Nhồi máu cơ tim: tuy đây là biến chứng hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Trẻ sơ sinh bị thiếu máu liên tục, kéo dài dễ bị hoại tử cơ tim dẫn đến tử vong.

2.4. Hệ hô hấp và miễn dịch bị ảnh hưởng

Do thiếu máu ở trẻ sơ sinh gây ra thiếu oxy nên trẻ bị thở gấp, khó thở và kiệt sức. Máu chính là thành phần tạo điều kiện sản sinh kháng thể giúp cơ thể chống lại mầm bệnh. Vì thế, thiếu máu kéo dài dễ làm suy giảm miễn dịch khiến trẻ dễ bị cảm cúm, tiêu chảy, viêm phổi,...

Thiếu máu ở trẻ sơ sinh là nguyên nhân khiến cho hệ miễn dịch bị suy giảm và trẻ dễ có sức khỏe kém

3. Một số dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh bị thiếu máu

Thiếu máu ở trẻ sơ sinh nếu chỉ mức độ nhẹ hoặc trung bình, đại đa số không có triệu chứng. Có thể dựa trên một số dấu hiệu sau đây để xem xét thiếu máu ở trẻ:

- Vận động chậm.

- Da nhợt nhạt.

- Nhịp tim nhanh, trẻ thở nhanh ngay cả trong lúc nghỉ ngơi.

Nếu trẻ bị thiếu máu nặng sẽ gặp tình trạng nhịp tim nhanh, da xanh xao, huyết áp thấp, nhịp thở nông và nhanh,... Qua siêu âm thấy hình ảnh gan và lách to.

4. Chẩn đoán và điều trị thiếu máu ở trẻ sơ sinh

Để chẩn đoán nguyên nhân và mức độ thiếu máu ở trẻ sơ sinh thường sẽ tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số huyết sắc tố, hồng cầu, MCV, hồng cầu lưới, hematocrit,... Xét nghiệm men G6PD, nước tiểu, virus parvo, tìm máu trong phân,...

Thông qua kết quả của những xét nghiệm này bác sĩ sẽ có căn cứ chẩn đoán nguyên nhân thiếu máu ở trẻ và có phác đồ điều trị phù hợp. Trường hợp trẻ sơ sinh bị thiếu máu nhẹ sẽ không cần điều trị. Nếu thiếu máu ở trẻ sơ sinh xuất phát từ tình trạng mất máu nhanh thì trẻ cần được truyền dịch tĩnh mạch kết hợp truyền máu.

Trẻ sơ sinh bị thiếu máu do mắc bệnh tan máu bẩm sinh cũng có thể sẽ cần điều trị truyền máu bằng cách thay máu để tăng hồng cầu và làm giảm bilirubin. Trẻ sơ sinh thiếu máu bị vàng da thường được chiếu đèn để hạ thấp bilirubin. Một số trường hợp trẻ sẽ được bổ sung sắt dạng lỏng để tăng hồng cầu. Trẻ sơ sinh bị thiếu máu cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất sắt để tăng hồng cầu.

Những thông tin từ bài viết trên đây hy vọng sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn về vấn đề thiếu máu ở trẻ sơ sinh để chủ động nhận biết, có phương án kịp thời bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Nếu nghi ngờ và cần chẩn đoán đúng tình trạng thiếu máu ở trẻ sơ sinh, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC tư vấn cách thức kiểm tra phù hợp, cho kết quả chính xác.

 

 

BS Thanh Tuấn đã duyệt

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ