Tin tức
Thiếu vitamin A có thể gây ra những bệnh lý nào?
- 07/11/2020 | Điểm danh ngay 7 loại thực phẩm bổ sung vitamin B9 hiệu quả
- 07/11/2020 | Nên sử dụng loại thực phẩm nào khi cơ thể bị thiếu vitamin B7
- 06/11/2020 | Các nhóm vitamin và tìm hiểu đặc điểm của từng loại với cơ thể
1. Thiếu Vitamin A gây ra bệnh gì?
Vitamin A tham gia vào quá trình tăng trưởng, quá trình biệt hóa tổ chức biểu mô, tham gia đáp ứng miễn dịch và kết hợp với protein đặc hiệu liên quan đến khả năng nhìn của mắt. Do đó, khi cơ thể thiếu vitamin này có thể gặp phải những bệnh lý nguy hiểm sau:
1.1. Bệnh nguy hiểm về mắt
Vitamin A là chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sức khỏe niêm mạc và giác mạc, nâng đỡ cấu trúc, hạn chế tổn thương do gốc tự do gây ra. Ngoài ra, vitamin A tham gia trực tiếp vào phản ứng ở tế bào võng mạc, tạo sắc tố điều tiết mắt có khả năng nhìn trong môi trường thiếu ánh sáng.
Tình trạng thiếu vitamin A rất phổ biến tại Việt Nam
Thiếu vitamin A có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt như quáng gà, khô mắt,... Nếu tình trạng khô mắt không được điều trị sớm thì có thể gây viêm kết giác mạc, viêm kết mạc, biến chứng sẹo giác mạc và có thể gây mờ mắt, mù mắt.
Có thể nhận biết sớm dấu hiệu bệnh lý về mắt do thiếu vitamin này như sau:
- Sợ ánh sáng mạnh.
- Có cảm giác khô và rát ở mắt.
- Đỏ mắt.
- Đau mắt.
- Nhìn mờ tạm thời hoặc mờ vĩnh viễn.
- Quáng gà (giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng).
- Tuyến lệ bị kích thích, dễ tiết nước mắt.
- Đau hốc mắt.
Trẻ em là đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin A
Thiếu loại vitamin này ở trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh về mắt rất cao, nguy hiểm và khó khắc phục, vì thế cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu như giảm thị lực trong điều kiện thiếu ánh sáng. Vì thế lúc chiều tối trẻ thường nhút nhát hơn, ngồi yên 1 chỗ, phải dựa tường hoặc đồ vật khi đi,…
1.2. Ảnh hưởng quá trình phát triển của trẻ
Thiếu hụt vitamin A gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tăng trưởng chiều cao, tăng cường thị lực và khả năng miễn dịch của trẻ.
Thiếu hụt vitamin A khiến trẻ thường xuyên mệt mỏi, khô da, chậm phát triển, rụng tóc nhiều. Sức đề kháng cơ thể yếu nên trẻ dễ mắc bệnh về tiêu hóa, hô hấp hơn và biến chứng cũng nặng hơn.
1.3. Các bệnh về da
Vitamin A đảm bảo độ ẩm cho da và sức đề kháng giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại trên da. Dưỡng chất này còn giúp sự lưu thông máu, nuôi dưỡng giúp các tế bào da khỏe mạnh, hồng hào. Các nhiễm trùng và tế bào chết trên da cũng được loại bỏ nhờ vitamin A.
Vì thế, thiếu hụt vitamin A khiến bạn dễ mắc các bệnh về da như: khô da, ngứa da, tuyến nhờn hoạt động kém, da sần sùi tróc vảy.
Thiếu hụt vitamin A gây ra các bệnh về da
1.4. Bệnh về gan
Thiếu hụt vitamin A có thể gây ứ mật mạn tính, xơ gan, ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng gan. Lúc này cơ thể sẽ có triệu chứng nhiễm độc, nóng trong người,…
Bất cứ đối tượng nào không bổ sung đủ lượng vitamin A cần thiết đều có nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả.
2. Tại sao thiếu vitamin A?
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin A, chủ yếu thuộc 2 nhóm sau:
2.1. Do không cung cấp đủ vitamin A
Bắt buộc cần bổ sung đều đặn vitamin A từ chế độ ăn bởi đây là dưỡng chất cơ thể không tự tổng hợp được. Khi thực phẩm bổ sung thừa vitamin A, dưỡng chất này thường được tích trữ trong gan, khi thiếu có thể sử dụng. Nhưng nếu thiếu vitamin A kéo dài, cơ thể không thể tự bù trừ lượng thiếu hụt được.
Việc cung cấp không đủ vitamin A thường do chế độ ăn kém lành mạnh như:
- Ăn ít rau quả, thực phẩm giàu vitamin A.
- Ăn nhiều bột gạo và thực phẩm có vitamin A nhưng không có dầu mỡ, dẫn đến vitamin A không được hòa tan.
- Trẻ được nuôi nhân tạo bằng sữa bò tách bơ.
2.2. Do cơ thể hấp thu kém
Đôi khi chế độ dinh dưỡng bổ sung đủ hoặc thừa lượng vitamin A song cơ thể vẫn bị thiếu hụt, đó là do các vấn đề liên quan đến hấp thu như:
- Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.
- Trẻ bị tiêu chảy kéo dài.
- Trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn.
- Trẻ mắc bệnh gan mật.
Việc xác định chính xác nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin A là rất quan trọng để lựa chọn biện pháp điều trị, khắc phục hiệu quả. Tình trạng thiếu hụt vitamin A có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên trẻ nhỏ là thường gặp hơn bởi nhu cầu với dưỡng chất này cao hơn.
3. Dấu hiệu thiếu vitamin A cần biết
Nhận biết sớm các dấu hiệu thiếu hụt vitamin A giúp khắc phục và điều trị sớm, tránh tiến triển thành bệnh lý và biến chứng nguy hiểm.
Thiếu vitamin này gây ra nhiều triệu chứng lâm sàng dễ nhận biết như sau:
3.1. Triệu chứng toàn thân
Trẻ thiếu hụt vitamin A thường mệt mỏi, chậm lớn, kém ăn, dễ bị rối loạn tiêu hóa và nhiễm khuẩn đường hô hấp. Ngoài ra, tình trạng da khô, tóc khô, dễ gãy cũng có thể nguyên nhân do thiếu vitamin này.
3.2. Triệu chứng tại mắt
Tùy theo mức độ và thời gian thiếu hụt vitamin A mà tổn thương tại mắt có thể nhẹ hay nặng, dấu hiệu như sau:
Quáng gà: Đây là dấu hiệu sớm nhất khi thiếu hụt vitamin A, mắt bị giảm khả năng thích nghi và khả năng nhìn trong điều kiện thiếu ánh sáng. Khi vào phòng thiếu ánh sáng hoặc chập tối, trẻ thường nhìn kém nên đi loạng choạng, hay vấp ngã, không nhận biết được người quen.
Thiếu vitamin A làm giảm khả năng nhìn trong điều kiện thiếu ánh sáng
Khô kết mạc: Màng tiếp hợp khô, không bóng ướt, kết mạc dày có nếp nhăn, màu vàng nhạt, xám nhạt hoặc nâu sẫm.
Vệt Bitot: Trên mắt có vệt trắng.
Khô giác mạc: Giác mạc khô, mờ đục, mất bóng sáng.
Nếu vitamin A kéo dài, bệnh lý về mắt không được khắc phục sẽ dẫn đến biến chứng như: loét giác mạc, sẹo giác mạc, khô đáy mắt,…
Để chẩn đoán thiếu vitamin A, bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm định lượng vitamin A trong máu với kết quả giảm dưới 10 ug%.
Trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai là hai đối tượng có nhu cầu vitamin A cao, vì thế cũng dễ bị thiếu vitamin A nếu không có chế độ dinh dưỡng bổ sung đặc biệt.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!